Nguyên nhân Đức chủ trương Hy Lạp có thể rời Eurozone

Theo các hiệp ước đã ký kết của Liên minh châu Âu (EU), một nước khi đã tham gia vào Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thì quy chế thành viên Eurozone của quốc gia đó không bao giờ bị hủy bỏ. Tuy nhiên, những gì mà các nhà lập pháp châu Âu soạn thảo hồi những năm 1990 đã không lường trước được những diễn biến tình hình hiện nay của khu vực.

Các cuộc thảo luận về khả năng Hy Lạp rời khỏi Eurozone (gọi tắt là "Grexit") đang trở thành đề tài thu hút sự chú ý của dư luận châu Âu những ngày đầu năm 2015. Đánh giá về khả năng này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel cho rằng: "Chúng ta không thể tự trói tay mình" với hàm ý nếu Hy Lạp muốn ra khỏi khu vực Eurozone, hãy để cho họ làm điều đó.

Trong những năm vừa qua, việc một nước nào đó ra khỏi Eurozone luôn được xem như một "thảm họa" đối với toàn bộ khu vực sử dụng đồng tiền chung euro. Vậy tại sao ở thời điểm này, giới chuyên gia châu Âu, đi đầu là Đức, lại lên tiếng mạnh mẽ về việc Hy Lạp có thể và nên rời khỏi Eurozone?

Theo báo chí Đức, nguyên nhân giải thích cho điều này trước hết xuất phát từ những diễn biến chính trị nội bộ của Hy Lạp. Ngày 25/1 tới, Hy Lạp sẽ tổ chức cuộc bầu cử quốc hội khóa mới với khả năng gần như chắc chắn là đảng Cánh tả Syriza của ông Alexis Tsipras sẽ giành chiến thắng và trở thành lực lượng chính trị mạnh nhất của nước này. Khi đó, một chính phủ mới của Hy Lạp sẽ được thành lập dưới sự lãnh đạo của ông Tsipras và Athens sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán với Eurozone về chương trình tái cơ cấu các khoản nợ của Hy Lạp, điều mà đảng Syriza đã hứa hẹn với các cử tri.

Người lao động đình công tại thủ đô Athens, Hy Lạp ngày 27/11 nhằm phản đối chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng mới của chính phủ.


Các cuộc đàm phán được giới quan sát nhận định sẽ diễn ra không hề suôn sẻ và nếu như các bất đồng không thể được giải quyết, chính phủ mới của Hy Lạp thuộc đảng Syriza có thể sẽ tuyên bố chương trình nhận cứu trợ từ Eurozone và ngừng trả các khoản nợ nước ngoài. Nếu viễn cảnh này xảy ra, việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro sẽ không còn là câu hỏi "Có hay không?" mà sẽ là "Như thế nào?".

Một điểm khác cần quan tâm là trong giai đoạn từ 2010 đến 2012, việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone là một chủ đề bị loại trừ ở khu vực này, do các bên xem đó là một nguy cơ lớn có thể kéo theo "hệ quả dây chuyền" ở Bồ Đào Nha hay Italy và dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn diện trong khu vực. Ở thời điểm đó, các ngân hàng lớn của Pháp và Đức có khá nhiều khoản cho vay lớn ở Hy Lạp và nếu xảy ra bất cứ sự đổ vỡ nào với quốc gia này, các ngân hàng trên sẽ phải đối mặt với những vấn đề không thể lường trước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các ngân hàng lớn của châu Âu gần như đã rút hết vốn khỏi Hy Lạp.

Cũng trong thời kỳ đỉnh điểm của khủng hoảng ở khu vực đồng euro, thị trường tài chính châu Âu còn phải đối mặt với bài toán khó là xử lý các khoản nợ công khi ngoài Hy Lạp, các nước như Bồ Đào Nha và Ireland cũng phải dựa vào các dòng vốn cứu trợ từ bên ngoài. Tiếp đó là nguy cơ các nước lớn như Italy và Tây Ban Nha cũng phải dựa vào cứu trợ của EU và các nước Eurozone. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các điều kiện tái cấp vốn của khu vực lại ở mức tốt chưa từng có.

Có được điều này một phần nhờ cam kết của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ mua lại khi cần thiết các khoản nợ chính phủ của các nước gặp khó khăn và phần khác là nhờ Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (ESM) đã hoạt động tương đối hiệu quả trong hai năm vừa qua.

Hiện nay, Hy Lạp là quốc gia duy nhất còn sót lại của Eurozone vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nghiêm trọng bất chấp việc đã nhận được các gói cứu trợ bổ sung. Điều này đã làm một số nước Eurozone, đi đầu là Đức, cảm thấy mất kiên nhẫn với khả năng phục hồi và đứng vững của kinh tế Hy Lạp nếu còn tiếp tục ở trong khu vực đồng euro.


Đức Chung
Eurozone: Liệu có một cú sốc vẫn mang tên Hy Lạp?
Eurozone: Liệu có một cú sốc vẫn mang tên Hy Lạp?

Thủ tướng Litva Algirdas Butkevicius bước đến một máy ATM và rút tờ 10 euro, như một sự khẳng định đồng nội tệ lita chỉ còn trong hoài niệm. Cách đó 2.000 km, nhiều người Hy Lạp cũng “đếm ngược”, nhưng ở một khía cạnh đối lập: Còn bao ngày nữa nữa thì Athens sẽ rời Eurozone.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN