Khi quân đội Israel đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza, thì mối lo ngại của họ cũng đang hướng lên phía Bắc, canh chừng bất cứ động thái nào của nhóm chiến binh Hezbollah bên kia biên giới với Liban (Lebanon).
Vài giờ sau cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10, Hezbollah đã bắn tên lửa dẫn đường và pháo vào Israel, nhưng vấp phải một loạt pháo binh. Kể từ đó cuộc chiến ăn miếng trả miếng vẫn tiếp tục lẻ tẻ. Nhưng khi xung đột leo thang ở Dải Gaza, liệu Hezbollah có khoanh tay đứng nhìn, liệu nhóm này có đánh đổi bầu không khí hòa hoãn lâu nay để can dự vào một cuộc xung đột khu vực.
Lịch sử ra đời và nền tảng tư tưởng của Hezbollah
Được thành lập vào đầu những năm 1980 khi Liban bị tàn phá bởi cuộc nội chiến, Hezbollah, cái tên có nghĩa là "Đảng của Chúa", là một đảng chính trị và tổ chức chiến binh của người Hồi giáo Shia có trụ sở ở Liban.
Được thành lập với sự hỗ trợ từ Iran, Hezbollah đặt ra sứ mệnh đánh đuổi lực lượng Israel khỏi Liban, đồng thời chống lại ảnh hưởng của phương Tây ở Trung Đông.
Theo một báo cáo gần đây của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức có trụ sở tại New York, tổ chức này tự coi mình là một phong trào kháng chiến của người Shia ở Liban, tin vào quyền tự quyết của đất nước, đồng thời cam kết trung thành với Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei.
Lãnh đạo hiện tại của Hezbollah, Hassan Nasrallah, là thành viên của Phong trào Amal, một lực lượng dân quân người Shia, một trong nhiều nhóm tranh giành quyền lực trong cuộc nội chiến ở Liban, trước khi ông gia nhập Hezbollah vào năm 1982.
Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, ông Nasrallah có quan hệ chặt chẽ với giới lãnh đạo Iran, đảm nhiệm chức Tổng thư ký của Hezbollah vào năm 1992 sau khi Israel ám sát người đồng sáng lập và lãnh đạo trước đó của nhóm, Abbas Al-Musawi.
Hoạt động quân sự của Hezbollah và sự hỗ trợ từ Tehran đã khiến Mỹ, Anh Anh và các quốc gia phương Tây khác liệt nhóm này vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Mặc dù vậy Hezbollah cũng có các đại diện lập pháp ở Quốc hội Liban và cung cấp nhiều dịch vụ xã hội trong nước. Bên cạnh nhánh quân sự hùng mạnh, là tâm điểm của mối quan tâm hiện nay, Hezbollah còn điều hành một đảng chính trị có ảnh hưởng quyết định, các đài truyền hình và một mạng lưới rộng khắp các dịch vụ phúc lợi bao gồm phòng khám và trường học. Lợi ích kinh doanh rộng lớn của Hezbollah, cả hợp pháp và bất hợp pháp, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu USD.
Nguồn tài nguyên đa dạng này và mối liên kết chặt chẽ với Iran và Syria đã giúp Hezbollah vượt qua nhiều thách thức trong 40 năm tồn tại. Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran được cho là đóng một vai trò quan trọng ngay từ những ngày đầu thành lập tổ chức và đã cố vấn một cách hiệu quả cho Hezbollah.
Mối quan hệ Hezbollah - Hamas
Mối quan hệ giữa Hezbollah và Hamas không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Hamas là một nhánh của phong trào Anh em Hồi giáo dòng Sunni, trong khi nguồn gốc tư tưởng của Hezbollah là cuộc cách mạng Iran của người Hồi giáo dòng Shia.
Hai nhóm bất hòa liên quan đến vấn đề Syria trong cuộc nội chiến, khi Hamas từ chối ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng đại diện của cả hai – và các quan chức an ninh Iran – vẫn thường xuyên tham khảo ý kiến. Tất cả đều hướng tới việc chống Israel và phản đối bất kỳ hành động bình thường hóa quan hệ nào của các quốc gia Arab hoặc Hồi giáo với Nhà nước Do Thái.
Mặc dù không có bằng chứng về sự liên quan trực tiếp nhưng các chuyên gia phương Tây nhận thấy ảnh hưởng của Hezbollah đối với cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, Hamas đã có sự hỗ trợ của Hezbollah", ông Matthew Levitt, tại Viện Chính sách Cận Đông của Washington, nói, “Vụ này hoàn toàn nằm trong vở kịch của Hezbollah”.
Mối đe dọa hiện tại của Hezbollah
Một đoạn video gần đây, cho thấy các chiến binh Hezbollah đang huấn luyện bằng súng bắn tỉa và ván trượt ở vùng núi Liban, có thể đã nhấn mạnh thêm năng lực quân sự của nhóm này
Naveed Ahmed, một nhà phân tích độc lập chuyên về Hezbollah ở vùng Vịnh, cho biết Hezbollah có một lực lượng gồm 20.000 chiến binh, nhiều người được đào tạo bài bản và được trang bị tốt. Lực lượng này có thể được mở rộng nhanh chóng bằng cách huy động 30.000 người thành viên bán thời gian, sau đó được tăng cường thêm bằng những lực lượng phụ trợ được đào tạo kém hơn.
Nhiều chỉ huy Hezbollah đã thu được kinh nghiệm hữu ích trong các trận chiến ở Syria, nơi tổ chức này từng triển khai lực lượng ồ ạt tới để hỗ trợ Tổng thống Assad. Các chuyên gia cho rằng thành trì của Hezbollah ở miền Nam Liban hiện được bảo vệ bởi hệ thống hầm sâu, đường hầm và kho chứa dưới lòng đất.
Điều quan trọng là Hezbollah có kho tên lửa tầm xa khổng lồ, có thể tấn công hầu hết mọi nơi ở Israel, áp đảo các lá chắn phòng thủ để phá hủy cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng như tấn công các trung tâm dân cư. Các cuộc không kích gần đây của Israel ở Syria có thể nhằm mục đích ngăn chặn các nguồn cung cấp tiếp tế cho Hezbollah từ Iran.
“Họ đang trang bị tận răng. Họ có kho dự trữ tên lửa, rất nhiều đạn pháo; họ có máy bay không người lái tầm xa có khả năng mang đầy đủ trọng tải. Đó là một tổ chức quân sự rất linh hoạt và tiên tiến nhờ những kinh nghiệm ở Syria”, ông Ahmed nhận định.
Cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah
Căng thẳng dọc biên giới của Israel với Liban đang rất cao. Đã có nhiều ngày đụng độ và một số người thiệt mạng. Hôm 17/10, một tên lửa chống tăng bắn từ Liban đã rơi xuống thị trấn Metula ở miền bắc Israel. Lực lượng phòng vệ Israel đáp trả bằng pháo binh và không kích. Hàng chục ngôi làng phía nam biên giới đã được sơ tán.
Nếu các nhà lãnh đạo của Hezbollah quyết định ủng hộ việc leo thang các hành động thù địch ở mức độ thấp hiện nay thì điều này có thể dẫn đến một cuộc xung đột hai mặt trận đẫm máu và khó khăn đối với Israel và do đó - có khả năng - dẫn đến một cuộc xung đột khu vực khi Syria, Iran, Mỹ và những "người chơi" khác tham gia.
Một số nhà phân tích tin rằng Hezbollah, mặc dù chuyên tâm tiêu diệt Israel, nhưng có quá nhiều thứ để mất nên không thể mạo hiểm để xảy ra một cuộc xung đột toàn diện, vì lợi ích chính trị và thương mại sâu rộng của họ. Nhiều người cho rằng Hezbollah từ lâu đã tìm cách kích động một cuộc chiến tranh ngắn hạn, có giới hạn nhưng lại muốn tránh bất cứ điều gì lớn hơn. Tuy nhiên, tất cả đều đồng ý rằng có nguy cơ xảy ra một tính toán sai lầm chết người trong một môi trường căng thẳng như vậy.
Một yếu tố nữa là lực lượng khổng lồ của Mỹ hiện đang tiến vào phía Đông Địa Trung Hải, được điều động với mục đích rõ ràng là đe dọa Hezbollah và những người bảo trợ của lực lượng này ở Tehran.
“Không ai – kể cả một quốc gia có chủ quyền – sẽ không để ý đến hai nhóm tàu sân bay. Nó không ngăn cản họ thực hiện các cuộc tấn công quy mô nhỏ nhưng sẽ khiến Hezbollah suy nghĩ rất cẩn thận về việc làm bất cứ điều gì lớn hơn”, chuyên gia Matthew Levitt nói.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Gaza được phát động lại là một câu hỏi khác. Người phát ngôn của Hezbollah mô tả các cuộc tấn công của họ cho đến nay là “một lời cảnh báo” đối với Israel, trong khi các quan chức cấp cao Hezbollah nhiều lần nói rằng họ sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Bộ trưởng Ngoại giao Iran thì cảnh báo rằng "khả năng chiến tranh lan rộng ở các mặt trận khác đang đến giai đoạn không thể tránh khỏi".
Theo tờ Guardian, tình hình khu vực thay đổi đáng kể sau vụ tấn công ngày 7/10 có nghĩa là hiểu biết thông thường về cách hành xử của các tổ chức như Hamas hay Hezbollah không còn đúng nữa. Điều này khiến cho tương lai rất khó dự đoán.