Hai hậu quả ngoài ý muốn sau vụ Đại sứ Anh nói xấu Tổng thống Trump

Ngoài gây trục trặc cho quan hệ Mỹ-Anh, vụ rò rỉ thư tín nói xấu Tổng thống Donald Trump của Đại sứ Anh tại Mỹ còn có thể khiến hệ thống trao đổi thư từ ngoại giao từ các đại sứ quán bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vụ rò rỉ tai hại

Chú thích ảnh
Đại sứ Anh Kim Darroch. Ảnh: Bloomberg

Vụ bê bối của Đại sứ Anh Kim Darroch xảy ra khi tờ Daily Mail đăng tin tiết lộ vị đại sứ này có những nhận xét tiêu cực về Tổng thống Trump và chính sách đối ngoại của Mỹ trong điện tín ngoại giao và báo cáo mật gửi về Bộ Ngoại giao Anh. Ông Darroch đã mô tả Tổng thống Trump là người thiếu kỹ năng, không chắc chắn và bất tài.

Hậu quả là Tổng thống Trump đã tuyên bố tuyệt giao với Đại sứ Anh, tuyên bố mình thậm chí còn không biết ông này và gọi ông là “gã rất ngu ngốc”, “gã ngốc khoa trương”. 

Chính phủ Anh ban đầu bảo vệ Đại sứ Darroch. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt – người đang chạy đua để trở thành thủ tướng - nói với Tổng thống Trump trên Twitter rằng những bình luận của ông là không tôn trọng và sai trái với Thủ tướng và đất nước Anh. Ông khẳng định Đại sứ Darroch sẽ tại nhiệm nếu mình trở thành Thủ tướng Anh. Tuy nhiên, cuối cùng Đại sứ Darroch ngày 10/7 đã quyết định từ chức khi vụ việc ngày càng căng thẳng.

Cuộc tranh cãi đã khiến quan hệ đồng minh giữa Anh và Mỹ thêm căng thẳng. Hai nước gần đây bất đồng về chính sách Iran và đàm phán Brexit. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng vụ việc sẽ không gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ song phương. Anh-Mỹ có thể rạn nứt về chính trị nhưng quan hệ đặc biệt về an ninh, quân sự, chia sẻ tình báo vẫn sẽ rất mạnh mẽ. Về cơ bản, mối quan hệ sẽ không bị tổn hại.

Hậu quả ngoài ý muốn

Theo tờ Foreign Policty, vụ bê bối của Đại sứ Anh có thể để lại những hậu quả lâu dài khác, khiến các nhà ngoại giao nước ngoài tại Mỹ phải tự kiểm duyệt thư tín và các đề xuất chính sách do lo sợ rò rỉ ra ngoài. Do đó, những luồng thông tin nói thẳng, nói thật từ các đại sứ quán tại Washington sẽ giảm đáng kể.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump rất tức giận về nhận xét của Đại sứ Anh. Ảnh: AFP

Bà Amanda Sloat, một học giả tại Viện Brookings và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định: “Vụ rò rỉ thư tín có ảnh hưởng khủng khiếp với những gì mà các nhà ngoại giao muốn viết trong thư. Tôi chắc rằng các nhà ngoại giao Anh ở các đại sứ quán toàn thế giới đang có lo ngại tương tự về những điều họ sẽ viết trong điện tín và gửi về London”.

Năm 2010, Mỹ cũng từng ở vào tình thế tương tự như Đại sứ Anh Darroch nhưng với quy mô lớn hơn nhiều. Khi đó, một lượng lớn tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ đã bị trang WikiLeaks tiết lộ. Vụ rò rỉ đã phơi bày công khai những gì mà các đại sứ Mỹ ở các nước thực sự nghĩ về chính phủ chủ nhà, đồng thời cho dư luận thấy rõ về công việc nội bộ của ngành ngoại giao Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ khi đó đã điêu đứng vì giải quyết bê bối ngoại giao khắp thế giới.

Bà Nancy McEldowney, cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ phục vụ tại thời điểm xảy ra vụ rò rỉ trên WikiLeaks, cho biết đã có hai điều xảy ra sau vụ rò rỉ: “Điều thứ nhất xảy ra ngay: hậu quả tiêu cực ngoài mong muốn”.

Khắp thế giới, các nước triệu đại sứ Mỹ tới để giải thích về những bức điện phi ngoại giao. Đại sứ Mỹ tại Eritrea Ronald McMullen đã gọi lãnh đạo quốc gia Đông Phi này là “nhà độc tài mất trí tàn ác và ngang ngạnh”.

Một quan chức ngoại giao Mỹ cấp cao ở Italy mô tả Thủ tướng Italy khi đó Silvio Berlusconi là “vô trách nhiệm, kiêu ngạo, vô tích sự”, gây ra bê bối chính trị ở Rome và khiến Washington đau đầu. 

Đại sứ Mỹ tại Ecuador Heather Hodges đã bị trục xuất năm 2011 sau khi bức điện tín mà bà chỉ trích chính phủ chủ nhà tham nhũng bị rò ri. 

Đại sứ Mỹ tại Mexico Carlos Pascual cũng buộc phải rời vị trí. 

Bà McEldowney nói: “Điều đó thật đau đớn và xấu hổ, nhưng chúng tôi đã phải trải qua”.

Ảnh hưởng thứ hai xảy ra là “tự kiểm duyệt”. Một số nhà ngoại giao sợ sẽ xảy ra nhiều vụ rò rỉ nữa nên đã bắt đầu che giấu lo ngại của họ về chính phủ hoặc lãnh đạo nước ngoài khi viết thư tín gửi về nhà, khiến Mỹ không biết điều gì thực sự đang xảy ra ở nước ngoài.

Bà McEldowney giải thích: “Nếu các đại sứ ngừng viết mọi thứ và thay vào đó nhấc điện thoại và nói chuyện thì toàn bộ bộ máy ngoại giao sẽ tê liệt. Những người khác cũng cần đọc những thư tín này như nhân viên văn phòng, trợ lý bộ trưởng hay những người khác trong chính phủ. Họ cũng cần hiểu những đánh giá của đại sứ”.

Các đại sứ Mỹ cũng bắt đầu mất ảnh hưởng và quyền lực ở những nước họ đang công tác, gây hạn chế hiệu quả công việc. Số phận tương tự có thể xảy ra với ông Darroch ở Washington ngay cả nếu ông này vẫn đảm nhiệm vị trí đại sứ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus ngày 9/7 cho biết bộ chưa nhận được hướng dẫn chính thức nào từ Nhà Trắng về việc ngừng làm việc với ông Darroch. Bà Ortagus nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với mọi cá nhân được công nhận cho tới khi có hướng dẫn thêm từ Nhà Trắng hoặc Tổng thống”.

Ông Louis Clark, Giám đốc điều hành Dự án Giải trình trách nhiệm Chính phủ, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào sự minh bạch chính phủ, nhận định: “Một thông tin rất quan trọng cần biết là Chính phủ Anh nghĩ gì về Chính quyền Tổng thống Trump, điều đó đặc biệt quan trọng với cử tri. Chúng ta cần biết những lãnh đạo và nhà ngoại giao nước ngoài khác trên thế giới thực sự nghĩ gì về Tổng thống”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Căng thẳng Mỹ-Iran lên đỉnh điểm sẽ tác động thế nào đến giá dầu?
Căng thẳng Mỹ-Iran lên đỉnh điểm sẽ tác động thế nào đến giá dầu?

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Mỹ lên đến cao trào thì đây chính là thời điểm thích hợp để đánh giá về tác động của một cuộc chiến ở Vịnh Ba Tư lên giá dầu thế giới. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN