Chặng đường nào tiếp theo chờ quan hệ Mỹ-Triều sau ‘bước chân lịch sử’

Sóng gió tạm qua và một viễn cảnh nhiều hy vọng là điều mọi người đang cảm nhận về quan hệ Mỹ-Triều Tiên sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom trong Khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump bước xuống từ chuyên cơ Không lực Một tại Hàn Quốc trước khi có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại khu DMZ ngày 30/6. Ảnh: New York Times

Cuộc gặp lịch sử chiều 30/6 (theo giờ địa phương) diễn ra tại một địa điểm lịch sử vốn được coi là di sản cuối cùng của Chiến tranh Lạnh trên thế giới: Đường ranh giới phi quân sự nằm giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Tổng thống Trump đã bước qua đường ranh giới này, trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên kể từ sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Ông Trump cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên tại khu vực quân sự bố phòng nghiêm ngặt nhất thế giới này. Năm 1994, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter từng đến Triều Tiên, nhưng khi ấy ông Carter không còn tại chức.  

Sự kiện trên khiến dư luận khu vực và quốc tế ngỡ ngàng, không chỉ ở hành động “phá cách” của nhà lãnh đạo Mỹ mà còn ở cách ứng xử hết sức linh hoạt và đầy bất ngờ của Chủ tịch Triều Tiên. Nếu như hai hội nghị thượng đỉnh trước đây giữa ông Trump và ông Kim Jong-un phải mất hàng tháng để chuẩn bị thì lần này cuộc gặp nhanh đến khó tin, lại diễn ra ở một địa điểm không ai ngờ: DMZ.

Tổng thống Trump thách thức các quy tắc ngoại giao: gửi lời mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới cuộc gặp mặt thông qua tin nhắn trên mạng xã hội Twitter “chỉ để bắt tay và chào nhau”. Về phần mình, Chủ tịch Kim Jong-un cũng thể hiện nghệ thuật ngoại giao linh hoạt và đồng ý tới DMZ gặp người đồng cấp Mỹ.

Cuộc gặp gọi là “để chào hỏi xã giao” sau đó đã biến thành một cuộc “tiểu thượng đỉnh” ở làng đình chiến Panmunjom, kéo dài khoảng tới 50 phút. Giới phân tíchTop of Form

Giới ph cho rằng sự kiện lịch sử này mang đậm nét biểu tượng cho cả Washington và Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, những người hoài nghi thì đặt câu hỏi: ngoài cái bắt tay, chụp ảnh và bước đi vượt lằn ranh lịch sử, kết quả thực chất của cuộc gặp Trump-Kim tại DMZ là gì?

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump (phải) và Chủ tịch Kim Jong-un gặp gỡ báo chí tại khu vực DMZ. Ảnh: AFP

Đường dài phía trước

66 năm thù địch, việc tan băng nhanh chóng và thiết lập niềm tin chiến lược giữa Mỹ và Triều Tiên là điều khó khăn, bất chấp những bước đi táo bạo của lãnh đạo hai nước trong hơn 1 năm qua. Chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Bình Nhưỡng là một trong những vấn đề đề gai góc nhất đối với các đời tổng thống Mỹ, từ Bill Clinton, Barack Obama cho tới Donald Trump hiện nay. Thực tế chứng minh nhiều cách tiếp cận, nhiều cơ chế đàm phán từ diện hẹp cho tới đa phương như các vòng đàm phán hạt nhân 6 bên cuối cùng đều lâm vào bế tắc.

Kết quả thiết thực nhất của “tiểu thượng đỉnh” DMZ là Mỹ và Triều Tiên nhất trí nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân. Song nối lại đàm phán là một chuyện, còn đàm phán có tiến triển và đạt được kết quả tích cực hay không lại là một chuyện khác. Thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân hóa cũng chính là cam kết mà Washington và Bình Nhưỡng đạt được sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên tháng 6/2018 ở Singapore. Tuy nhiên, quá trình này sau đó rơi vào “ngõ cụt” do những quan điểm khác xa nhau của hai bên đối với lộ trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tại New York, cho rằng việc Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton không có mặt tại DMZ cho thấy có dấu hiệu “chia rẽ lớn” trong nội bộ chính quyền Tổng thống Trump. Ông John Bolton vẫn là một tiếng nói “không thuận” trong cách tiếp cận hiện nay của Tổng thống Trump với Triều Tiên.

Giây phút lịch sử Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên. (Nguồn: Reuters)

Bên cạnh đó, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người đang chiếm ưu thế trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020, tuyên bố: “Sau các hội nghị thượng đỉnh ‘màu mè’, chúng ta vẫn chưa có được dù chỉ một cam kết cụ thể từ Triều Tiên, rằng vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đã bị phá hủy, hay sẽ có một thanh sát viên tới thực địa”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên sẽ diễn ra vào khoảng trung tuần tháng 7. Sau hội nghị thượng đỉnh không thành công như mong đợi tại Hà Nội, cả Mỹ và Triều Tiên đều kêu gọi thay đổi lập trường và thực tế hai bên đã “hạ giọng” đáng kể. Tuy nhiên, khác biệt vẫn là rất lớn.

Mỹ về cơ bản vẫn muốn Triều Tiên “phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng”, theo đó đồng ý từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo để mở đường cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. Song Triều Tiên chưa cho thấy nước này sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân trước khi được nới lỏng trừng phạt. Thời điểm này, Triều Tiên mới chỉ sẵn sàng dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon, nơi có thể sản xuất nhiên liệu hạt nhân phân hạch, chứ không đề cập tới các cơ sở hạt nhân bí mật khác của nước này hay nhắc tới kho vũ khí hạt nhân hiện có.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Mỹ-Triều tại cuộc gặp ở DMZ. Ảnh: Getty

Khái niệm “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” mơ hồ và không có định nghĩa chung giữa hai bên. Mới đây, tờ New York Times đưa bài viết cho rằng Chính quyền Washington đang cân nhắc phương án “đóng băng hạt nhân” Triều Tiên, thuật ngữ ám chỉ việc Mỹ chấp nhận việc Bình Nhưỡng không xóa bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã lập tức phủ nhận thông tin này.

Chuyên gia Richard Haass, người từng là cố vấn cấp cao của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, đánh giá: “Phi hạt nhân hóa hoàn toàn chỉ là một khẩu hiệu, chứ không phải một chính sách nghiêm túc… Câu hỏi lớn hiện nay là liệu Mỹ có chấp nhận một sự phi hạt nhân không hoàn toàn và liệu Triều Tiên sẽ tuân thủ các thỏa thuận”. 

Mới đây nhất, phái bộ Triều Tiên tại Liên hợp quốc đã cáo buộc Mỹ quyết tâm thực hiện những hành động thù địch đối với Bình Nhưỡng, bất chấp việc bày tỏ mong muốn thúc đẩy đàm phán.  Trong tuyên bố đưa ra ngày 3/7, phái bộ Triều Tiên cho rằng Washington đã thể hiện thái độ thù địch thông qua bức thư kêu gọi thực thi các biện pháp trừng phạt của LHQ nhằm vào Bình Nhưỡng. Bức thư trên được Mỹ, Anh, Pháp và Đức cùng đứng tên, gửi tới tất cả các nước thành viên LHQ ngày 29/6 yêu cầu trục xuất lao động Triều Tiên ở nước ngoài về nước.   

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc gặp ở Khu phi quân sự (DMZ) ngày 30/6/2019. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hơn 1 năm qua, sau các hội nghị thượng đỉnh đình đám, những cái bắt tay nồng ấm và thư từ qua lại giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn thế. Mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo chưa thể giúp “phá băng” thật sự, mà cụ thể là những bước đi thiết thực hướng tới phi hạt nhân hóa.

Mintaro Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và là một chuyên gia nổi tiếng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định đường lối ngoại giao “mang phong thái trình diễn” của Tổng thống Trump sẽ không mang lại kết quả thực tế nào. Và rõ ràng, phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên vẫn còn một chặng đường dài phía trước.        

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Lợi ích to lớn trong chiến thuật ngoại giao với Triều Tiên của Tổng thống Trump
Lợi ích to lớn trong chiến thuật ngoại giao với Triều Tiên của Tổng thống Trump

Giới phân tích đánh giá cuộc gặp 50 phút của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không có ý nghĩ thiết thực. Tuy nhiên, có một điều ai cũng công nhận: Ông Trump đã đẩy lùi nguy cơ chiến tranh với Triều Tiên ra rất xa bằng những cuộc gặp như thế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN