Ameer Makhoul, một nhà phân tích người Palestine, nêu quan điểm: “Đây là một cuộc tấn công chiến lược chưa từng có, rất khó xác định kết cục vì tính chất bất thường của đợt leo thang. Ngay cả khi cuộc tấn công của Hamas kết thúc, tác động sẽ mang tính lâu dài và mang tính chiến lược”.
Diễn biến và nguyên nhân
Vào đầu giờ ngày 7/10, hàng chục tay súng phong trào Hồi giáo Hamas đã vượt qua Dải Gaza vào Israel bằng đường bộ, đường biển và đường không, giành quyền kiểm soát một số thị trấn một cách dễ dàng đến kinh ngạc.
Khi hàng nghìn quả tên lửa trút xuống Israel, Hamas tuyên bố bắt đầu chiến dịch, kêu gọi tất cả các phe phái Palestine và đồng minh đứng lên.
Đến tối cùng ngày, trận chiến vẫn diễn ra ác liệt, trong khi chính quyền Israel thừa nhận rằng một số khu vực vẫn nằm dưới sự kiểm soát của người Palestine. Hamas cho biết họ đã bắt hàng chục người Israel làm con tin, bao gồm cả binh lính và dân thường.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố tình trạng chiến tranh. Ngay sau đó, các cuộc không kích của Israel bắt đầu tấn công Dải Gaza. Ít nhất trên 300 người đã thiệt mạng ở mỗi bên tính đến ngày 8/10.
Chuyên gia Makhoul nói: “Có một tình trạng hỗn loạn về tình báo, quân sự và chính trị ở Israel”.
Hani Masri, nhà phân tích người Palestine, cho rằng diễn biến hiện nay là kết quả của tình hình kinh tế “bi thảm” ở Dải Gaza đang bị bao vây; các cuộc tấn công liên tục của Israel vào Bờ Tây bị chiếm đóng, vào các địa điểm linh thiêng và nhằm vào người Palestine; cũng như khả năng ngày càng tăng về một thỏa thuận bình thường hóa giữa Saudi Arabia và Israel.
Chuyên gia Masri cũng nói rằng Israel có thể lợi dụng tình hình hiện tại để thu hút sự chú ý khỏi cuộc khủng hoảng nội bộ của chính mình.
Israel sẽ làm gì?
Trong một kịch bản, theo chuyên gia Masri, Israel có thể thực hiện động thái triển khai binh sĩ tới Dải Gaza, thay đổi thực tế hiện trạng đã tồn tại kể từ khi nước này rút lực lượng vào năm 2005.
Tình hình có thể leo thang hơn nữa, lan ra các mặt trận mới, đặc biệt là ở biên giới phía Bắc với Liban. Trong thực tế, lực lượng Hezbollah ở Liban và Israel đã nã pháo vào nhau ngày 8/10.
Chuyên gia Masri nhận định các nỗ lực của thế giới Arab và quốc tế có thể thành công trong việc giảm leo thang cả tình hình lẫn mức độ trả đũa quy mô lớn từ Israel. Kết quả là, Israel có thể lựa chọn phản ứng mạnh mẽ nhưng có tính toán mà không đảo ngược hoàn toàn chiến lược ngăn chặn của mình.
Ở kịch bản khác, Israel sẽ tìm cách khôi phục sức mạnh răn đe đang suy yếu mà không đẩy vấn đề đến mức không thể quay lại được. Nhưng theo chuyên gia Masri, có một số yếu tố có thể khiến Israel thúc đẩy giảm leo thang, bao gồm cả việc phương Tây không muốn tham gia một cuộc xung đột lớn khác trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn; và bạo lực xảy ra khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ để làm trung gian cho một thỏa thuận bình thường hóa giữa Saudi Arabia và Israel.
Mặc dù còn quá sớm để hình dung tình hình sẽ diễn ra như thế nào trong ngắn hạn và dài hạn, nhưng chuyên gia Masri nói: "Những gì xảy ra sau ngày 7/10 sẽ khác với những gì xảy ra trước đó”.
Nhiều người ở Israel vẫn đang tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra vào ngày 7/10 - sau khi các biện pháp răn đe và phòng thủ được cho là đáng gờm của nước này dường như thất bại. Nhà báo Israel Meron Rapoport cho biết đây là lần đầu tiên kể từ năm 1948, chuyện như thế này xảy ra và nó còn tồi tệ hơn cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973.
Nhà báo Rapoport mô tả vụ xâm nhập của lực lượng Hamas vào Israel là "không thể tưởng tượng được" và là một đòn giáng mạnh vào chiến lược răn đe của nước này: "Làm thế nào mà những người không có vũ khí phức tạp vượt qua được hàng rào được cho là được bảo vệ bởi đội quân hùng mạnh hàng đầu khu vực?”.
Ông Rapoport lưu ý niềm tin của Israel vào camera và máy bay không người lái giám sát đã cho thấy còn thiếu sót. Ngoài ra, Israel có toàn quyền kiểm soát mạng lưới thông tin liên lạc của Gaza, điều lẽ ra phải cho phép Israel biết trước một cuộc tấn công sắp xảy ra và ngăn chặn.
Theo ông Rapoport, điều này cho thấy sự thất bại cả về quân sự và tình báo, khiến Israel “mất nhiều thời gian để phục hồi về niềm tin”. Trong khi đó, lực lượng tình báo của quân đội Israel, được gọi là Đơn vị 8200, có thể biết chi tiết về hoạt động của người Palestine, nhưng không thể phát hiện vài trăm tay súng sẽ tiến hành một cuộc tấn công phức tạp và trên diện rộng như lần này.
Ông Rapoport dự đoán rằng phản ứng của Israel sẽ rất cứng rắn trong những tuần tới: “Israel sẽ muốn trả thù và gây tổn thất cho người Palestine càng nhiều càng tốt. Đó là những gì chúng ta sẽ thấy trong hai tuần tới. Tuy nhiên, sau đó Israel sẽ phải quyết định có gửi quân tới Gaza hay không và tính toán điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Bờ Tây”.