Hai "ông lớn" gửi thông điệp
Mỹ cho biết sẵn sàng hợp tác với bất kỳ nhân vật nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua ở Philippines ngay sau khi ông Duterte tuyên bố thắng cử. “Chúng tôi mong đợi được làm việc với người chiến thắng và gửi lời chúc mừng. Washington tôn trong sự lựa chọn của người dân Philippines. Chúng tôi sẽ vui mừng hợp tác với nhà lãnh đạo được lựa chọn”, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau phát biểu trước báo giới hôm 10/5.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Duterte - người được ví là “Donald Trump” của Philippines - hay đưa ra những phát biểu gây sốc, trong đó có những bình luận về ngoại giao. Nhân vật này từng khiến Đại sứ Mỹ tại Philippines giận dữ và thậm chí từng đe dọa sẽ ngắt quan hệ ngoại giao với Mỹ - một đồng minh thân cận nhất của Philippines. Đến hôm 10/5 vừa rồi, ông Duterte vẫn nói rằng việc giới chức Mỹ muốn sửa chữa quan hệ với cá nhân ông hay không là “tùy ở họ”, đồng thời đánh tiếng sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Ông Rodrigo Duterte phát biểu trong chiến dịch vận động tranh cử ở Manila ngày 7/5. Ảnh: EPA/TTXVN |
Trong một diễn biến khác, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 10/5 nói rằng nước này hy vọng chính phủ mới ở Philippines sẽ có thể hợp tác theo cùng định hướng với Trung Quốc, “giải quyết thấu đáo các khác biệt và đưa các quan hệ trở lại quỹ đạo bằng những hành động cụ thể”. Ông Khảng tuyên bố Trung Quốc luôn đề cao tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ với Philipines, dù mối bang giao này đã phải trải qua nhiều khó khăn trong vài năm qua.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 10/5 cũng đã có phản ứng trước kết quả bầu cử ở Philipines, với nhiều bài viết “dìm hàng” Tổng thống Begnino Aquino, “khích lệ” Tổng thống đắc cử Duterte từ bỏ cách tiếp cận của người tiền nhiệm, hướng tới hình mẫu “hợp tác cùng thắng”, ngừng phản đối Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tờ Nhân dân Nhật báo chỉ trích ông Aquino sử dụng chủ nghĩa dân tộc làm công cụ cho cỗ máy tuyên truyền, buộc các ứng viên tranh cử phải đưa ra những tuyên bố cứng rắn nhằm vào Trung Quốc. Tân Hoa xã viết rằng, ông Duterte là “ứng viên duy nhất” có những bình luận, phát biểu theo hướng ủng hộ Trung Quốc. “Trong chiến dịch tranh cử, ông Duterte đã nói rõ là mình có quan điểm tương đồng với Trung Quốc, không cho là tranh chấp ở Biển Đông có thể giải quyết chỉ bằng một phán quyết của tòa án.
Ông Duterte ứng xử như thế nào về Biển Đông?
Tại thời điểm vận động tranh cử, “Donald Trump” của Philippines từng nói rằng sẽ lên máy bay ra bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà Trung Quốc đang chiếm đóng để cắm cờ. Thế nhưng gần đây, thông điệp mà ông Duterte phát đi chưa hẳn là vậy. “Tôi sẽ nói với Trung Quốc rằng, đừng có tuyên bố chủ quyền gì ở đó. Và tôi cũng không một mực nói rằng Scarborough là của chúng ta”, ông Duterte nói trước báo giới hôm 9/5, tại thời điểm phiếu được kiểm. Nó cho thấy một thực tế, nhiều khả năng nhà lãnh đạo mới của Philippines sẽ tìm kiếm kênh đối thoại với Trung Quốc, đóng băng tranh chấp, đóng băng bất đồng – tờ Japan Times (Nhật Bản) nhìn nhận.
Dưới thời ông Aquino, chính quyền Philippines được cho là thực thi chính sách đối ngoại “cứng rắn” với Trung Quốc liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, hướng trọng tâm cho quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc. Giới phân tích chính trị ở Philippines cũng đưa ra những nhận định ban đầu về đường hướng của nhà lãnh đạo mới. “Ông Duterte sẽ không tiếp tục quan điểm cứng rắn của người tiền nhiệm Aquino. Câu hỏi đặt ra chỉ là ông Duterte sẽ bẻ lái chính sách đối ngoại mạnh mẽ ở mức nào, tiến độ ra sao”, Jay Batongbacal, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Luật Philippines nói. Còn Giáo sư Richard Javad Heydarian tại Đại học De La Salle ở Manila nhìn nhận, nhiều khả năng ông Duterte sẽ nỗ lực xây dựng các kênh tiếp xúc cấp cao với Trung Quốc, đàm phán về các thỏa thuận hợp tác chung ở Biển Đông, tìm kiếm nguồn đầu tư từ Trung Quốc, nhất là đối với các dự án cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, kể cả có theo đuổi cách tiếp cận mới hay là không, thì tổng thống tương lai của Philippines sẽ vẫn phải theo sát động thái của Trung Quốc. “Tôi nghĩ là trái bóng đang nằm ở phần sân của Trung Quốc. Nếu họ xây tiền đồn ở bãi cạn Scarborough thì không một tổng thống Philippines nào có thể theo đuổi mãi quan điểm mềm mỏng trong giải quyết tranh chấp, nhất là với một người hay đưa ra những tuyên bố mạnh bạo như ông Duterte”, ông Malcolm Cook, chuyên gia cao cấp tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore bày tỏ.
Đối với một vấn đề nhạy cảm, gai góc như tình hình Biển Đông, rất khó để ông Duterte “đóng đinh” chính sách. Có lẽ vậy mà ngay sau khi nói Scarborough hiện ở thực trạng “không phải của anh, cũng chưa phải của tôi”, Tổng thống đắc cử Phillipines đã phải nó thêm “sẽ kêu gọi đàm phán đa phương” trong xử lý tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có cả Mỹ và Nhật Bản - ý tưởng mà Trung Quốc luôn khước từ.