Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc một tuần lễ của sự leo thang căng thẳng với Triều Tiên bằng những câu tuyên bố cứng rắn nhất của ông.
Sau khi chia sẻ trên Twitter rằng các giải pháp quân sự đã “hoàn tất, mục tiêu đã được khóa và đạn đã lên nòng”, ông sau đó lại nhấn mạnh các bình luận của mình, cho rằng thông điệp gửi tới Bình Nhưỡng là “khá rõ ràng”.
“Tôi hy vọng rằng họ sẽ hoàn toàn hiểu được tính trầm trọng”, nhà lãnh đạo Mỹ nói, “Điều tôi đã nói là điều tôi dự định. Những từ ngữ này rất rất dễ hiểu”.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói: “Nếu họ nổ súng nhằm vào Mỹ, nó sẽ leo thang thành chiến tranh rất nhanh chóng”.
Tuy nhiên, ông Mattis nói thêm rằng nếu đạn phóng ra không gây ra mối đe dọa trực tiếp nào thì các nhà lãnh đạo sẽ phải quyết định làm gì tiếp theo.
“Chiến tranh tùy thuộc của tổng thống, và có thể là Quốc hội. Điểm mấu chốt là chúng ta sẽ bảo vệ đất nước khỏi bị tấn công”, Tướng Mattis nói cùng với cam kết sẽ hạ bất cứ tên lửa nào hướng tới Guam.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng các quan chức quân sự chỉ đạo một cuộc tập trận. Ảnh: KCNA |
Nguy cơ tình trạng căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng có thể lan tràn thành một cuộc xung đột ở Thái Bình Dương đã leo thang rõ rệt trong những ngày qua, phản ảnh lên sự sụt giảm của thị trường chứng khoán hay cái còn gọi là “chỉ số lo sợ” - một biện pháp dự đoán sự biến động của thị trường.
Sau đó, vào ngày 15/8, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA cho biết nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã nghe báo cáo về kế hoạch tấn công tên lửa gần đảo Guam, nhấn mạnh Mỹ nên có “lựa chọn đúng” để ngăn chặn xung đột giữa hai quốc gia.
Ông Kim Jong-un cũng ra lệnh cho các tướng lĩnh chuẩn bị tấn công nếu cần thiết, nhưng trước khi đưa ra quyết định tấn công sẽ quan sát những hành động của Mỹ.
Cựu Giám đốc Ban Đông Bắc Á tại Cục Tình báo và Nghiên cứu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Carlin đã mô tả động thái của Triều Tiên giống một điệu bộ hơn là một lời đe dọa để thực sự tấn công Guam, ngay cả với vũ khí thông thường, bởi lẽ nó sẽ dẫn đến một sự trả đũa quân sự từ phía Mỹ.
Ông Carlin cho rằng lời đe dọa của Bình Nhưỡng chỉ nhằm thông báo: “Chúng tôi sẽ đặt các tên lửa của chúng tôi cách bờ biển 25 hay 30 km. Máy bay ném bom của các anh vào sâu hàng chục km trong Vùng Phi quân sự. Nếu các anh ‘vượt quá và động chạm’ chúng tôi, chúng tôi sẽ ‘vượt quá và động chạm’ các anh”.
Khoảng cách từ Triều Tiên tới Guam là trên 3.000 km. |
Trong khi một biện pháp giảm leo thăng cho tình trạng hiện nay vẫn có thể đạt được thông qua các kênh ngoại giao, bản chất của những lời đe dọa từ ông Kim Jong-un và lời tuyên bố của nhà lãnh đạo này với nhân dân tuần qua, hiện đã đưa ông vào một con đường khó xử. Đó là nhận định của chiến lược gia Kevin Lai tại ngân hàng đầu tư Daiwa Capital Markets của Nhật Bản.
Chuyên gia này lưu ý, ông Kim đã làm rõ với dân chúng của mình về một kế hoạch dang được tiến hành để phóng 4 quả ICBM vào vùng biển Guam trong giữa tháng 8. Nhà lãnh đạo Triều Tiên hiểu rõ Guam là một cơ sở quan trọng của quân đội Mỹ để tiến hành bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào đất nước của ông, và
các máy bay ném bom chiến lược có thể đóng một vai trò quan trọng, trong khi đa số chúng đang được lưu trữ tại Guam.
Với việc đưa ra lời hứa hẹn như trên, ông Kim Jong-un đã chọn con đường không lối thoái lui. Nếu ông tiến hành kế hoạch, Mỹ hầu như chắc chắn đáp trả dữ dội bằng một loạt các lựa chọn quân sự - và tình hình sẽ leo thang thành một xung đột quân sự lớn liên quan tới nhiều bên, bao gồm cả Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo chiến lược gia Lai, cả hai bên sẽ không còn đường lui. Nếu ông Kim không thực thi kế hoạch, ông lại mạo hiểm tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị cho chính bản thân và vĩnh viễn làm suy yếu chế độ của mình. Ông hiện trong tình thế tương tự với nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein trước thời điểm chiến dịch “Bão táp Sa mạc” của Mỹ năm 1991. Hơn tất cả, mục tiêu chính của nhà lãnh đạo này chính là sự sống còn của chế độ.
Từ bỏ vũ khí hạt nhân đồng nghĩa với việc từ bỏ mục tiêu trên, khuất phục trước áp lực của Mỹ sẽ khiến sự nghiệp chính trị của ông lụi bại. Có lẽ ông Kim tin tưởng Mỹ sẽ sớm “thay đổi chế độ” thông qua các cuộc tấn công quân sự nên ông muốn nó thà xảy ra sớm còn hơn.
Có lẽ ông Kim nghĩ rằng, bằng cách tạo ra một lời đe dọa đáng tin cậy với Mỹ, ông có thể rút ra được thỏa thuận tốt nhất trong các cuộc đàm phán (nếu như các bên mở lại trong tương lai).
Đó chính là điều mà chúng ta cho rằng mọi chuyện sẽ vô cùng sai lầm. Đã có nhiều phép tính sai trước đây và thêm một lần nữa sẽ dẫn chúng ta tới một tình thế thảm họa.
Hồi đầu năm, ông Lai đã vạch ra 4 viễn cảnh cuối cùng của mối căng thẳng này. “Chúng tôi tin có 60% cơ hội rằng một giải pháp ngoại giao sẽ thất bại, trong đó xung đột quân sự là 20%. 40% đơn giản rằng Mỹ sẽ tha thứ và sống với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên vĩnh viễn. Khi mọi thứ còn giá trị, đánh giá của chúng tôi vẫn giữ nguyên”, ông Lai nói.