Ngày 8/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Triều Tiên sẽ phải hứng chịu “lửa cháy và thịnh nộ”. Ngày hôm sau, phía Triều Tiên liền đáp trả, dọa phóng tên lửa vào Guam - nơi đặt căn cứ không quân Andersen với máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer.
Thậm chí, Tướng Kim Rak-gyom, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Triều Tiên còn cho biết quân đội nước này đã lên kế hoạch phóng 4 quả tên lửa liên tiếp, với thời gian bay chính xác là 17 phút 45 giây trên quãng đường 4.805 km trước khi chuẩn bị tiếp đất cách đảo Guam khi còn 38 km.
Theo lời của Tướng Kim Rak-gyom, căn cứ quân sự Mỹ tại đảo Guam nằm trong tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên do căn cứ này chỉ cách 3.379 km so với Bán đảo Triều Tiên.
Không chỉ có vậy, Tướng Kim Rak-gyom còn gây quan ngại khi tuyên bố nói với binh sĩ “chờ nghe mệnh lệnh” của ông.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) dự một sự kiện tổ chức trong năm 2016. Ảnh: Reuters |
Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), Trung Quốc - hiện là đồng minh và đối tác thương mại quan trọng nhất của Triều Tiên - đã kêu gọi bình tĩnh trong tình hình hiện tại. Trung Quốc bày tỏ thất vọng với cả các cuộc thử hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên cũng như hành động của Hàn Quốc và Mỹ mà Trung Quốc đánh giá đã làm leo thang căng thẳng.
Tờ Thời báo Hoàn cầu, phiên bản tiếng Anh của Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc), ngày 11/8 đã đăng bài viết đánh giá Bắc Kinh không có khả năng thuyết phục cả Washington hay Bình Nhưỡng nhượng bộ.
Trong bài viết có đoạn: “Trung Quốc cần làm rõ lập trường với tất cả các bên và để những quốc gia này nhận thức được rằng các động thái của họ gây nguy hại tới lợi ích của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ phản ứng với thái độ cứng rắn”.
Theo nội dung bài viết trên Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc cần vạch rõ rằng trong trường hợp Triều Tiên đe dọa lãnh thổ của Mỹ trước và phía Washington trả đũa thì Bắc Kinh nên đứng ở vị trí trung lập. Tuy nhiên, trong viễn cảnh Mỹ và Hàn Quốc “động thủ” trước, chủ ý lật đổ chính quyền Triều Tiên thì Trung Quốc sẽ trực tiếp ngăn chặn hành vi này.
Từ lâu, Trung Quốc đã lo ngại rằng bất cứ xung đột nào trên Bán đảo Triều Tiên có thể tạo ra làn sóng người di cư từ Triề Tiên vào hoặc Triều Tiên cuối cùng sẽ thống nhất với Hàn Quốc trở thành quốc gia đồng minh của Mỹ.
Tờ Thời báo Hoàn cầu khẳng định Trung Quốc sẽ “cương quyết phản đối bất cứ bên nào muốn thay đổi hiện trạng tại khu vực có liên quan tới lợi ích của Trung Quốc”. Theo đó, Bán đảo Triều Tiên là lợi ích chiến lược của tất cả các bên và không phía nào nên tìm cách nắm “quyền bá chủ trong khu vực”.