Đạt được thỏa thuận Brexit, Chính phủ Anh vẫn còn rất nhiều ‘cửa ải’

Cuối cùng, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc Anh rời EU (Brexit). Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa xong, thậm chí mới chỉ là bước đầu trong tiến trình phức tạp.

Chú thích ảnh
Thủ tướng May rời Số 10 Phố Downing ngày 15/10. Ảnh: Getty Images

Để đạt được thỏa thuận sơ bộ trên, Anh đã mất tới 872 ngày kể từ khi đa số người Anh bỏ phiếu lựa chọn rời EU. Sau khi các nhà đàm phán Anh và EU đạt thỏa thuận sơ bộ ngày 13/11, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ phải thuyết phục nội các ủng hộ thỏa thuận. Cơn đau đầu của bà May sẽ bắt đầu từ đây.

Thuyết phục nội các

Từ lâu, vấn đề lớn nhất của Thủ tướng May chính là thực tế chính trị ở London. Không có nhiều người, dù bên ủng hộ hay phản đối Brexit, tỏ ra yêu thích kế hoạch Brexit của bà May. Sự thờ ơ đó bắt đầu ngay từ trong nội các.

Bà May giờ sẽ phải thuyết phục những người ủng hộ Brexit rằng văn bản thỏa thuận sơ bộ sẽ hoàn thành kết quả của cuộc trưng cầu ý dân năm 2016. Nếu bà không thể thuyết phục thành công, bà có thể phải trở lại đàm phán với EU.

Trở lại EU

Trong trường hợp bà May thành công, sẽ có một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Hội đồng châu Âu với 28 nước thành viên. 

Tại hội nghị này, các nước thành viên EU sẽ nhất trí với văn bản thỏa thuận, cho phép văn bản được đưa tới các cơ quan lập pháp của cả EU và Anh. 

Do trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU là ông Michel Barnier đã phối hợp chặt chẽ với 27 nước còn lại trong EU nên quá trình cơ quan lập pháp EU thông qua thỏa thuận sẽ trở nên đơn giản.

Rắc rối ở Hạ viện Anh

Quá trình khó khăn nhất sẽ là tại Hạ viện Anh.

Chú thích ảnh
Bà May sẽ phải vượt qua một loạt cửa ải tại Quốc hội. Ảnh: news.sky

Sau khi bỏ nhiều tháng đàm phán với EU và chứng kiến một loạt bộ trưởng từ chức trong quá trình đàm phán Brexit, Thủ tướng Anh phải đối mặt với “cửa” Quốc hội.

Tại cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội, các nghị sĩ có cơ hội đưa ra phán quyết về nội dung thỏa thuận rút khỏi EU và thỏa thuận chính trị về mối quan hệ tương lại giữa Anh và EU.

Vì bà May đã mất thế đa số tại Quốc hội sau cuộc bầu cử sớm năm 2017 nên bà sẽ gặp nhiều thách thức tại đây.

Ưu tiên của Công đảng đối lập là “hạ gục” chính phủ của bà Mỹ để dẫn tới một cuộc bầu cử. Vì thế, gần như chắc chắn Công đảng sẽ bỏ phiếu phản đối thỏa thuận. 

Tuy nhiên, bà May cũng biết rằng phần lớn nghị sĩ trong đảng Bảo thủ của bà phản đối thỏa thuận mà bà đạt được với EU và sẵn sàng bỏ phiếu chống.

Tiếp đó, còn có đảng Liên minh Dân chủ Bắc Ireland (DUP). Đảng này đã làm rõ ngay từ đầu rằng bất kỳ thỏa thuận nào làm ảnh hưởng tới vị trí của Bắc Ireland trong Vương quốc Anh sẽ bị họ phản đối.

Chú thích ảnh
Sẽ có nhiều rắc rối tại Quốc hội Anh liên quan thỏa thuận Brexit. Ảnh: paulsvalleydailydemocrat

Nếu bà May thất bại trong cuộc bỏ phiếu lần này, tình hình sẽ rất khó đoán. Chính phủ Anh từ lâu đã có quan điểm rằng chỉ ủng hộ thỏa thuận của bà May chứ không ủng hộ thỏa thuận nào khác. Tuy nhiên, thực tế, chính phủ Anh có thể vẫn phải tìm cách để EU nhượng bộ đôi chút.

Theo lý thuyết, chính phủ Anh có thể mang một thỏa thuận mới trở lại Hạ viện và có thể được thông qua. 

Còn trong trường hợp thất bại hai lần, chính phủ sẽ sụp đổ, tổng tuyển cử sẽ diễn ra và có thể sẽ có một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai.

Trong trường hợp bà May thành công trong cuộc bỏ phiếu, thỏa thuận sơ bộ sau đó cần được luật hóa.

Quá trình này sẽ biến các điều khoản thỏa thuận thành luật, theo đó Anh sẽ thực hiện luật để rời EU.
Thông thường, quá trình bỏ phiếu một dự luật cho phép các nghị sĩ sửa đổi và từ đó có thể khiến chính phủ tức giận.

Tuy nhiên, Brexit là một thỏa thuận giữa Anh và EU nên không cần bỏ phiếu ở Hạ viện Anh. Do vậy, hiện chưa biết các nghị sĩ Anh phản đối thỏa thuận có thể gây tác động thế nào.

Thất bại tại giai đoạn thông qua dự luật về Brexit có thể khiến Anh rời EU mà không có một thỏa thuận nào, để lại một cuộc khủng hoảng chính trị lớn.

Tiếp đó sẽ là vấn đề ít khi được đưa ra bàn bạc: Cải cái hiến pháp và Đạo luật quản lý năm 2010.

Theo Hiến pháp và đạo luật trên, chính phủ Anh phải trình trước Quốc hội văn bản giải trình về bất kỳ thay đổi nào với các hiệp ước quốc tế mà Anh tham gia.

Tại giai đoạn này, có thể giả định rằng một khi được Quốc hội thông qua thì sẽ ổn. Tuy nhiên, Brexit luôn là một cuộc chiến xấu xí. Những người vẫn còn phản đối thỏa thuận có thể sẽ nhân bất kỳ cơ hội nào để công kích chính phủ.

Quay trở lại EU lần nữa

Nếu thỏa thuận Brexit vượt qua được tất cả cửa ải chông gai trên, quy trình cuối cùng để thông qua thỏa thuận sẽ diễn ra ở Nghị viện châu Âu. 

Do thỏa thuận đã được nhất trí tại cấp Hội đồng châu Âu và ở Quốc hội Anh, nên khó có lý do gì Nghị viện châu Âu sẽ làm xáo trộn mọi thứ, đặc biệt là vì phần lớn chính trị gia EU đều muốn tiến hành Brexit để họ có thể tập trung vào các cuộc bầu cử ở châu Âu diễn ra trong năm tới.

Ngày Brexit

Ngày Anh thực sự rời EU sẽ diễn ra vào ngày 29/3/2019. Dù vậy, ngay cả những người ủng hộ Brexit nhiệt thành cũng không có nhiều điều để ăn mừng vì họ có thể cho rằng họ đã thua cuộc trong đàm phán về Brexit.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tạp chí Focus: Đức lật tẩy nhóm sĩ quan, đặc nhiệm âm mưu sát hại các chính trị gia
Tạp chí Focus: Đức lật tẩy nhóm sĩ quan, đặc nhiệm âm mưu sát hại các chính trị gia

Trong lúc điều tra vụ một sĩ quan quân đội giả mạo làm người tị nạn Syria và âm mưu tấn công khủng bố, cảnh sát Đức đã lật tẩy một bí mật ghê gớm trong quân đội và lực lượng đặc nhiệm nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN