Đánh giá năng lực hạt nhân của Israel

Kênh CNN đưa tin Israel có thể nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Iran để đáp trả cuộc tấn công bằng tên lửa của Tehran. Trong khi đó, trang The Guardian nhận định các động thái leo thang mới nhất có thể thúc đẩy Iran chế tạo bom hạt nhân.

Chú thích ảnh
Cuộc diễn tập sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược. Ảnh minh họa: Sputnik

Những lập luận trên được đưa ra sau khi Iran khai hỏa 180 tên lửa đạn đạo nhằm vào Israel tối ngày 1/10, để đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và chỉ huy Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Abbas Nilforoushan. Đây là cuộc tấn công thứ hai của Iran vào các địa điểm quân sự của Israel kể từ tháng 4 năm nay.

Sau cuộc tấn công trên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Iran “đã phạm sai lầm và sẽ phải trả giá”. Ngay sau đó, hôm 2/10, ông Netanyahu đã triệu tập cuộc họp với các quan chức an ninh hàng đầu tại sở chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở Tel Aviv nhằm thảo luận về các biện pháp đáp trả đòn tập kích của Iran.

Đáng chú ý, truyền thông Israel dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay Tel Aviv có thể đáp trả Tehran bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng chiến lược - như giàn khoan dầu, hoặc tập kích các cơ sở hạt nhân nước này. Các vụ ám sát và tấn công và hệ thống phòng không Iran cũng được xem xét, nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra.

Nguy cơ các cơ sở hạt nhân của Iran bị tấn công

Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Herzi Halevi cho hay Israel sẽ đáp trả cuộc tấn công của Iran. Ông lưu ý quân đội nước này có khả năng tiếp cận và tấn công bất kỳ địa điểm nào ở Trung Đông.

“Chúng tôi sẽ phản ứng. Chúng tôi biết cách xác định vị trí các mục tiêu quan trọng và biết cách tấn công chính xác và mạnh mẽ”, ông cảnh báo.

Giới phân tích quân sự cũng cho rằng Israel có thể nắm bắt cơ hội này để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran - vốn là mục tiêu mà Tel Aviv đã đe dọa từ lâu.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X ngày 2/10, cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã kêu gọi một cuộc tấn công như vậy, nhấn mạnh rằng Israel phải “hành động ngay để phá hủy chương trình hạt nhân của Iran”. Ông nói: “Chúng tôi có lý do chính đáng. Chúng tôi có công cụ để thực hiện điều đó”. 

Chú thích ảnh
Toàn cảnh cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh tư liệu: IRNA/TTXVN

Ông Ali Vaez, Giám đốc Dự án Iran tại Tổ chức nghiên cứu International Crisis Group, nhận định nguy cơ Israel tấn công chương trình hạt nhân đặc biệt cao vì lá chắn phòng thủ Hezbollah của Iran đang bị đe dọa.

Vị chuyên gia này cho biết các lực lượng Mỹ đã có mặt trong khu vực để bảo vệ Israel. Đối với Israel, đây chính là cơ hội “nghìn năm có một” để giải quyết mối đe dọa lớn mà họ nhận thấy từ Iran trong những thập kỷ qua.

“Và có lẽ họ cũng biết rằng ngay cả khi vấn đề này được giải quyết bằng con đường ngoại giao, thì cũng không làm Israel hài lòng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng có nguy cơ thực sự về một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran”, vị chuyên gia giải thích.

Ông Vaez nói thêm rằng bất kể Israel có nhắm vào cơ sở hạ tầng hạt nhân hay các cơ sở quân sự của Iran hay không, một phản ứng lớn của Israel vẫn có thể gây ra một cuộc chiến tranh rộng lớn .

Năng lực hạt nhân của Israel

Các nhà quan sát lưu ý câu hỏi bỏ ngỏ về năng lực hạt nhân của Israel đang khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tính đến tháng 1/2024, Israel sở hữu khoảng 90 đầu đạn hạt nhân. Trong số đó có 30 quả bom trọng lực để máy bay F-16 hoặc F-15 phóng đi, 50 đầu đạn cho tên lửa đạn đạo Jericho III trên đất liền và 10 tên lửa hành trình hạt nhân cho tàu ngầm lớp Dolphin.

Các tài liệu giải mật của Chính phủ Mỹ vào năm 2015 cũng cho biết Washington lần đầu tiên biết về chương trình hạt nhân bí mật của Israel tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Negev (NNRC), gần Dimona vào năm 1960. Đến năm 1974, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) ước tính Israel đã tích lũy được một kho vũ khí hạt nhân. Kho hạt nhân này được cho là xây dựng vào cuối những năm 1950 với sự hỗ trợ của Pháp.

SIPRI cho biết Israel có thể sở hữu 750 – 1.110 kg plutoni vào đầu năm 2023, đủ để chế tạo tới 277 đầu đạn hạt nhân.

Israel chưa từng chính thức xác nhận hay phủ nhận sở hữu vũ khí hạt nhân. Tel Aviv cũng không tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Trong bài xã luận đăng trên tờ Washington Post ngày 20/2, các chuyên gia an ninh Mỹ cho rằng chính sách này là hợp lý trong Chiến tranh Lạnh vì Israel lo ngại Liên Xô có thể chia sẻ công nghệ hạt nhân với Ai Cập hoặc Syria vì mục đích cân bằng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Di sản Israel Amichai Eliyahu và nhà lập pháp Likud Tally Gotliv đã công khai đề xuất sử dụng vũ khí hạt nhân ở Dải Gaza sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023.

Theo tiết lộ của truyền thông Israel vào năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Dayan đã từng đề xuất sử dụng vũ khí hạt nhân vào ngày thứ hai của Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.

Israel từ lâu coi chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa hiện hữu, dù Tehran khẳng định không phát triển vũ khí hạt nhân. Các cơ sở hạt nhân Iran nằm rải rác ở nhiều địa điểm, một số trong đó nằm sâu dưới lòng đất.

Năm 2015, Iran đã đạt thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) với 6 cường quốc. Theo thỏa thuận này, Tehran sẽ hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lại được dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt.

Tới năm 2018, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc với Iran. Tehran cũng từ bỏ cam kết trong thỏa thuận để đáp trả, đồng thời mở rộng chương trình làm giàu urani, rút ngắn khoảng thời gian họ cần để sản xuất đủ uranium cấp vũ khí cho một quả bom hạt nhân xuống còn vài tuần, thay vì ít nhất một năm như trước.

Trong động thái liên quan, ngày 3/10,  Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Israel có quyền đáp tương xứng trước cuộc tấn công tên lửa đạn đạo của Iran, nhưng ông phản đối khả năng Tel Aviv nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạt nhân của Tehran.

“Câu trả lời là không”, tờ Times of Israel dẫn lời ông Biden khi được hỏi liệu ông có ủng hộ Israel thực hiện cuộc tấn công trả đũa nhằm vào các địa điểm liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran hay không.

Tổng thống Biden cho biết “Iran đã đi chệch hướng” khi thực hiện cuộc tấn công tên lửa đạn đạo vào Israel hôm 1/10, đồng thời tuyên bố Washington cùng các đồng minh G7 đã có cuộc điện đàm thảo luận về việc phối hợp áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Tehran.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik, Reuters, Al Jazeera)
Thủ lĩnh Hezbollah đã đồng ý ngừng bắn với Israel trước khi bị ám sát
Thủ lĩnh Hezbollah đã đồng ý ngừng bắn với Israel trước khi bị ám sát

Ngoại trưởng Liban Abdallah Bou Habib tiết lộ thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã đồng ý ngừng bắn với Israel trong 21 ngày, chỉ vài ngày trước khi ông bị ám sát trong một cuộc không kích tại Beirut.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN