Mỹ có đang đẩy châu Âu về phía Trung Quốc?

Áp thuế mạnh tay với EU, Mỹ liệu có đang tạo cơ hội cho Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu? Một sai lầm chiến lược có thể làm suy yếu vị thế địa chính trị của Washington.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen (phải) cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa (giữa) - trong cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU ở Brussels, Bỉ ngày 3/2/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo Ilaria Mazzocco, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, D.C. mới đây, chính sách "Nước Mỹ trên hết" cùng chiến thuật áp thuế quan mạnh tay của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang làm dấy lên những lo ngại về khả năng định hình lại mối quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc. Thay vì tăng cường liên minh, những động thái này của Washington có nguy cơ đẩy Brussels xích lại gần Bắc Kinh hơn, làm suy yếu các lợi ích chiến lược dài hạn của Mỹ.

Căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương: Mối lo ngại tiềm ẩn

Chính quyền Trump, với ưu tiên hàng đầu là cán cân thương mại, tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế quan 30% với EU từ 1/8 tới, bất chấp mối quan hệ lịch sử và an ninh chặt chẽ. Động thái này, được cho là nhằm cải thiện vị thế đàm phán của Mỹ, lại vô tình tạo ra những động lực bất lợi cho Washington về lâu dài. Mối quan hệ thiếu tin cậy với Mỹ và nguy cơ tổn thất kinh tế do thuế quan đang làm suy yếu đòn bẩy của Liên minh châu Âu (EU) trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, trong bối cảnh xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đang gia tăng đáng kể.

Chuyên gia Mazzocco lưu ý châu Âu, vốn là một đối tác quan trọng của Mỹ, đang đứng trước áp lực lớn. Do đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần đánh giá kỹ lưỡng cách hành động của mình tác động đến các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Brussels và Bắc Kinh về nhiều vấn đề, bao gồm thuế chống trợ cấp, kiểm soát xuất khẩu và tiếp cận thị trường. Một cách tiếp cận tốt hơn sẽ giúp trao quyền cho EU khi đàm phán với Trung Quốc theo hướng có lợi cho lợi ích lâu dài của Mỹ.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đã mô tả hành động "trên thực tế" của Trung Quốc hỗ trợ nền kinh tế thời chiến của Nga, cùng với các vấn đề an ninh thương mại và kinh tế khác. Đặc biệt, sự gia tăng đột biến trong xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu trong các lĩnh vực công nghệ cao như xe điện (EV) và pin, trong khi khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc còn hạn chế đối với các nhà sản xuất châu Âu, đang gây ra những lo ngại sâu sắc.

Trong thập kỷ qua, xuất khẩu từ Trung Quốc đã tăng 44%, trong khi nhập khẩu từ châu Âu chỉ tăng 22%. Điều này đặt ra câu hỏi liệu các ngành công nghiệp tiên tiến của châu Âu có thể bị thay thế bởi sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đóng góp vào sự tăng trưởng thặng dư xuất khẩu lại nằm trong nhóm công nghệ mới nổi, bao gồm pin, chất bán dẫn và xe điện.

Lý tưởng nhất, áp lực từ châu Âu và cả Mỹ, có thể khiến Trung Quốc xem xét lại một số chính sách gây tranh cãi nhất của mình. Tuy nhiên, cả chính quyền Biden trước đây và chính quyền Trump hiện nay đều chưa đưa ra một bộ yêu cầu rõ ràng để Trung Quốc hành động. Hơn nữa, việc chính quyền Trump dường như đang tránh xa việc phối hợp với các đối tác và đồng minh khi nói đến chính sách đối với Trung Quốc càng làm gia tăng sự phức tạp.

Hệ lụy từ cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương

Chuyên gia Mazzocco cho rằng một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương chắc chắn sẽ làm suy yếu châu Âu trong ngắn hạn. Ngoài những tác động rộng hơn đối với chi tiêu quốc phòng và xuất khẩu của Mỹ, một triển vọng kinh tế ảm đạm sẽ làm suy yếu quyết tâm của các chính phủ châu Âu đối với Trung Quốc.

Việc châu Âu chấp nhận mức thuế quan cao hơn đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ và cam kết mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn có thể là mục tiêu của chính quyền Trump, nhưng không rõ liệu Nhà Trắng có cân nhắc đến một hiệu ứng dây chuyền là các chính phủ châu Âu sẽ giảm bớt áp lực trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc và dễ dàng tiếp nhận hơn các đề nghị của Trung Quốc về việc tăng mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong lĩnh vực xe điện và ô tô.

Việc đàm phán tăng FDI của Trung Quốc vào các lĩnh vực then chốt có thể mang lại lợi ích cho đổi mới sáng tạo và sản xuất của châu Âu, nhưng việc tăng cường hội nhập giữa châu Âu và Trung Quốc theo các điều khoản của Trung Quốc sẽ không có lợi cho Mỹ. Điều này không chỉ làm giảm thiện chí và khả năng của châu Âu trong việc hỗ trợ Mỹ khi ứng phó với Trung Quốc về nhiều vấn đề, mà còn có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty Trung Quốc trong các công nghệ then chốt thông qua đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuyển giao công nghệ.

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa các nhà lãnh đạo châu Âu và Trung Quốc tại Bắc Kinh (dự kiến diễn ra vào ngày 24/7 tới), đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ song phương, được kỳ vọng sẽ mang đến cơ hội giải quyết các tranh chấp còn tồn đọng. Tuy nhiên, kỳ vọng về một bước đột phá hiện đang ở mức thấp ở cả hai bên. Mặc dù Bắc Kinh đã có một số nhượng bộ nhỏ nhằm xoa dịu Brussels, nhưng dường như vẫn chưa có thiện chí giải quyết các vấn đề lớn hơn, khiến mối quan hệ giữa hai bên vẫn còn căng thẳng.

Chuyên gia Mazzocco kết luận: Để tránh những tổn thất chiến lược dài hạn, Mỹ cần lưu ý đến những tác động rộng hơn của việc làm suy yếu vị thế địa kinh tế của châu Âu. Thay vào đó, Washington nên xem xét một cách tiếp cận phù hợp hơn để giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại trên toàn cầu, bao gồm chiến lược toàn diện kết hợp ngoại giao, mục tiêu thương mại và tầm nhìn chiến lược trong việc hợp tác với cả đối tác và đối thủ. 

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Chia rẽ trong EU về 'cuộc chiến' ngân sách 2 nghìn tỷ euro
Chia rẽ trong EU về 'cuộc chiến' ngân sách 2 nghìn tỷ euro

Đề xuất ngân sách lớn chưa từng có của EU vấp phải làn sóng phản đối dữ dội, phơi bày rạn nứt sâu sắc giữa các quốc gia thành viên về chi tiêu, thuế và ưu tiên chiến lược.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN