Những nước châu Âu từ chối kế hoạch của Tổng thống Trump về hỗ trợ vũ khí cho Ukraine

Trong khi các nước Bắc Âu ủng hộ mạnh mẽ, nhiều quốc gia như Italy, Pháp và Hungary lại thẳng thừng từ chối kế hoạch viện trợ vũ khí cho Ukraine do Tổng thống Trump đề xuất.

Chú thích ảnh
Tổng thống Volodymyr Zelensky thị sát cuộc tập trận của binh sĩ Ukraine cùng với các thiết bị quân sự, trong đó có hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot, tại một địa điểm ở Đức, ngày 11/6/2024. Ảnh: Reuters/TTXVN

Theo hãng thông tấn độc lập UNIAN (Ukraine) ngày 17/7, kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm cung cấp gói vũ khí lớn cho Ukraine, với chi phí do các đối tác châu Âu chi trả, đang vấp phải những phản ứng trái chiều từ các quốc gia trong khu vực. Trong khi một số nước nhanh chóng bày tỏ sẵn lòng tham gia, nhiều nước khác đã thẳng thừng từ chối, chủ yếu viện dẫn lý do thiếu kinh phí và không tương thích về công nghệ.

Trước đó, Tổng thống Trump đã công bố một kế hoạch viện trợ quân sự quy mô lớn cho Ukraine. Theo đó, Kiev sẽ nhận được 17 khẩu đội Patriot và đạn dược đi kèm, cùng với tên lửa cho máy bay chiến đấu và các hệ thống pháo. Điểm đáng chú ý của kế hoạch này là chi phí cho gói vũ khí khổng lồ đó sẽ do các quốc gia châu Âu chi trả. Những nước khởi xướng và sẵn sàng tham gia dự án này bao gồm Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan và Canada. Thỏa thuận này, được thống nhất giữa Mỹ và NATO vào ngày 14/7, quy định vũ khí của Mỹ, đặc biệt là hệ thống phòng không, sẽ được cung cấp cho Ukraine, với chi phí do các đối tác châu Âu chi trả.

Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia châu Âu đều hưởng ứng nhiệt tình với sáng kiến này. Italy là một trong số những nước đã tuyên bố từ chối tham gia kế hoạch mua vũ khí Mỹ cho Ukraine của Tổng thống Trump. Theo tờ La Stampa, trích dẫn nguồn tin chính phủ, lý do chính cho quyết định này là thiếu kinh phí. Tờ báo nhấn mạnh: "Italy sẽ không thực hiện chiến lược này, không chỉ vì hệ thống vũ khí của không tương thích với các cấu hình công nghệ khác, mà còn vì, Italy thực tế không có đủ khả năng tài chính để tiến hành một hoạt động như vậy".

Tình hình ngân sách của Italy được cho là nghiêm trọng đến mức kế hoạch mua vũ khí duy nhất của nước này từ Mỹ là một lô máy bay F-35 cũ, vốn đã được lên kế hoạch cho thập kỷ tới. Bộ Quốc phòng Italy cũng đã tuyên bố rằng việc mua vũ khí của Mỹ "chưa bao giờ được thảo luận", đồng thời nhấn mạnh rằng tuyên bố của Thủ tướng Đức Friedrich Merz về ý định mua hệ thống phòng không Patriot từ Mỹ cho Ukraine là sáng kiến riêng của Đức. Bộ này cũng làm rõ rằng việc Italy từ chối không nên được coi là cách để xa lánh Mỹ hoặc ngừng sự hỗ trợ của nước này dành cho Ukraine.

Cùng với Italy, Hungary, Cộng hòa Séc và Pháp cũng đã tuyên bố rằng họ không có kế hoạch tham gia vào hoạt động mua sắm vũ khí theo kế hoạch của Tổng thống Trump. Về phần mình, Cao ủy Đối ngoại Liên minh châu Âu Kaja Kallas cho biết bà hy vọng Ukraine sẽ nhận được số vũ khí mà Mỹ đã cam kết, nhưng đề nghị Washington "chia sẻ gánh nặng" cung cấp vũ khí cho Kiev. Bà Kallas cho biết: "Nếu bạnhứa trao vũ khí nhưng lại nói rằng người khác sẽ trả tiền thì thực chất đó không phải là do bạn trao".  

Trong bối cảnh các tuyên bố về viện trợ vũ khí được đưa ra, đã có những thông tin trái chiều, đặc biệt liên quan đến hệ thống phòng không Patriot. Tổng thống Trump gần đây đã nói với các phóng viên ở Washington D.C. rằng những hệ thống Patriot đầu tiên "đã được chuyển đến" Ukraine từ Đức. Tuy nhiên, chính phủ Đức đã nhanh chóng bác bỏ tuyên bố này. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức cho biết: "Tôi không thể xác nhận bất cứ điều gì đang được thực hiện. Tôi không biết bất cứ điều gì", đồng lưu ý rằng một hội nghị trực tuyến của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (định dạng Ramstein) sẽ được tổ chức để tìm ra giải pháp cho các vấn đề chưa được giải quyết nhằm chuyển giao hệ thống Patriot cho Ukraine càng sớm càng tốt.

Trước đó hôm 10/7, Thủ tướng Đức Friedrich Merz phát biểu tại Hội nghị tái thiết Ukraine ở Rome rằng Berlin đã sẵn sàng mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không Patriot do Mỹ sản xuất cho Kiev. "Chúng tôi cũng chuẩn bị mua thêm các hệ thống Patriot từ Mỹ để cung cấp cho Ukraine", ông Merz phát biểu tại hội nghị, nơi vấn đề phòng không được thảo luận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các đối tác khác của Ukraine.

Cho đến nay, Mỹ chỉ chấp thuận chuyển giao ba hệ thống tên lửa Patriot cho Ukraine và việc này được thực hiện dưới thời người tiền nhiệm của Tổng thống Trump là Joe Biden. Hệ thống Patriot được trang bị các tổ hợp tên lửa di động, cùng một trung tâm chỉ huy, một trạm radar phát hiện các mối đe dọa đang bay đến và các bệ phóng. Theo quân đội Đức, hệ thống này có phạm vi hoạt động khoảng 68 km. Radar của nó có thể theo dõi tới 50 mục tiêu và tấn công năm mục tiêu cùng lúc. Tùy thuộc vào phiên bản đang sử dụng, tên lửa đánh chặn có thể đạt độ cao hơn 24 km và bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 160 km.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Đằng sau tuyên bố 'trái chiều' của Tổng thống Trump về cung cấp vũ khí cho Ukraine
Đằng sau tuyên bố 'trái chiều' của Tổng thống Trump về cung cấp vũ khí cho Ukraine

Tổng thống Mỹ vừa đồng ý viện trợ vũ khí, vừa cảnh báo không được tấn công Nga. Liệu Ukraine có bị "trói tay"?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN