Xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran đang xảy ra một cuộc “thi gan” giữa quốc gia Trung Đông này với thị trường dầu mỏ thế giới xem ai sẽ là người chịu thiệt trước. Song, dù kết quả thế nào thì thiệt hại cuối cùng vẫn là nền kinh tế toàn cầu.
Một đoạn đường ống dẫn dầu từ Iran sang Ấn Độ và Pakixtan. Ảnh: Internet |
Theo bài phân tích đăng trên mạng tin “Dự báo Thị trường” (Anh) ngày 22/2, giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 2% vào ngày 21/2 lên mức cao nhất trong 9 tháng, chủ yếu do giới đầu tư lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột sau những căng thẳng leo thang xung quanh Mỹ, châu Âu, Ixraen và Iran. Gói cứu trợ thứ hai được châu Âu tung ra cho Hy Lạp, trị giá 130 tỷ euro, cũng góp phần làm thị trường dầu mỏ lên giá. Tuy nhiên trên thực tế, những động thái trên và đằng sau nó là cán cân cung - cầu trên thị trường dầu thô không thay đổi nhiều tới mức để giá mặt hàng này tăng hơn 2% chỉ trong một ngày.
Nhân tố Iran đang đứng đằng sau giá dầu. Trong khi Mỹ và các đồng minh tin rằng Iran đang phát triển vũ khí hạt nhân thì Têhêran quả quyết họ chỉ nghiên cứu vì mục đích hòa bình. Tuần trước, EU ra lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Iran và phong tỏa tài sản của ngân hàng trung ương nước này kể từ ngày 1/7 tới. Trước đó, Mỹ nói rằng sẽ đưa các công ty Mỹ làm ăn với ngân hàng trung ương Iran vào “danh sách đen” để trừng phạt. Để trả đũa, cuối tuần qua, Iran tuyên bố ngừng xuất khẩu dầu thô sang Pháp và Anh, đồng thời cảnh báo các công ty châu Âu là sẽ ngừng cung cấp nếu họ không ký các hợp đồng nhập khẩu lâu dài.
Mặc dù người phát ngôn Bộ Dầu mỏ Iran nói rằng nước này sẽ tìm “khách hàng mới”, song Têhêran sẽ rất khó tìm ra đủ khách hàng nhập khẩu khoảng 500.000 thùng dầu thô thừa ra mỗi ngày sau khi nước này ngừng xuất khẩu sang Pháp và Anh. Theo Reuters, những diễn biến mới nhất cho thấy, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đang có kế hoạch cắt giảm ít nhất 10% lượng dầu thô nhập khẩu từ Iran do lệnh cấm vận của Mỹ khiến việc làm ăn giữa các công ty với Iran ngày càng khó khăn. Ba quốc gia lớn của châu Á này chiếm tổng cộng 45% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran. Vì vậy, một sự cắt giảm từ ba nước này là một đòn giáng mạnh đối với xuất khẩu của Iran.
Iran là thành viên lớn thứ hai của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), xuất khẩu 2,5 triệu thùng/ngày và chiếm 3% sản lượng dầu thô của thế giới. Trong đó 500.000 thùng được xuất sang châu Âu và hầu hết phần còn lại được chuyển tới Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đầu tháng này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô của thế giới lần thứ hai chỉ trong vòng vài tuần, cho rằng nhu cầu giảm sẽ giúp thị trường dầu thô có được sự linh hoạt cần thiết trong trường hợp nguồn cung từ Iran thắt chặt do lệnh cấm vận có hiệu lực kể từ tháng 7 tới. Vì vậy, cũng giống như “cuộc khủng hoảng dầu mỏ Libi” năm ngoái, ngay cả khi toàn bộ nguồn cung từ Iran chấm dứt, sự thiếu hụt này cũng không thể lớn đến mức khiến các nhà đầu tư phải phản ứng mạnh như ngày 21/2 vừa qua.
Tuy nhiên, giá dầu thế giới thường bị bóp méo và không chịu sự kiểm soát của các yếu tố cung - cầu mỗi khi xảy ra căng thẳng hay xung đột địa chính trị. Giới phân tích dự đoán, giá dầu thô sẽ tiếp tục tăng khiến giá xăng ở Mỹ có thể lên tới 5 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) vào mùa hè này. Nếu dự đoán trên đúng, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào quá trình hồi phục còn non yếu của kinh tế Mỹ, cũng như kinh tế châu Âu đang gặp vấn đề về nợ công. Kinh tế đi xuống khiến nhu cầu dầu mỏ giảm và kéo giá dầu thô giảm trở lại. Dù thị trường dầu thô hay Iran phải “xuống nước” trước, một điều chắc chắn người tiêu dùng sẽ phải gánh chi phí giá dầu thô tăng và toàn bộ nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu thiệt hại.
Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)