Cuộc đua tàu ngầm giữa Trung Quốc-Nhật Bản dưới lòng biển châu Á

Hai quốc gia đang tham gia vào một ván cờ quân sự dưới lòng các vùng biển châu Á.

Chú thích ảnh
Tàu ngầm Oryu của Nhật Bản được hạ thủy ngày 4/10/ 2018. Ảnh: JMSDF/Twitter

Trong cuộc cạnh tranh uy quyền hàng hải, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đang cơ động khả năng tác chiến đội tàu ngầm của họ ở các vùng biển được cho là nhạy cảm với đối phương. Nhật Bản gần đây lần đầu tuyên bố họ đã tiến hành các cuộc tập trận dưới biển ở Biển Đông. Còn trước đó, Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn chưa từng thấy với Nga ở Biển Nhật Bản vào năm ngoái.

Tháng 10 vừa qua, các chuyên gia quân sự Nhật Bản đã theo dõi sát sao sự di chuyển của 28 tàu Nga tiến vào Biển Nhật Bản từ phía Biển Okshotsk ở phía Bắc. Sự hiện diện của một con tàu đặc biệt thu hút sự chú ý của họ: tàu tìm kiếm cứu nạn Igor Belousov, được thiết kế để hỗ trợ cho các tàu ngầm gặp nạn.

Cứu hộ tàu ngầm được biết đến là một lĩnh vực mà Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện, khi họ hiểu mình tụt hậu so với Hải quân Mỹ cũng như Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản về khả năng này.

"Có khả năng quân đội Trung Quốc đã gửi tàu ngầm đến Biển Nhật Bản để huấn luyện với người Nga, hoặc họ sẽ làm như vậy trong tương lai gần", một nguồn thạo tin an ninh quốc gia Nhật Bản cho biết trên tờ Nikkei Asian Review.

Chú thích ảnh
Đội tàu ngầm Trung Quốc. Ảnh: nationalinterest

Sau khi bị từ chối tham gia Rimpac, cuộc tập trận hải quân đa phương lớn nhất thế giới trên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu, Trung Quốc đã tìm mọi cách để học hỏi các kỹ thuật cứu hộ tàu ngầm từ các quốc gia khác.

Và Nga là đối tác của họ. Vào cuối tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc đã tham gia Vostok-2018, cuộc tập trận lớn nhất được tiến hành trên đất Nga kể từ thời Liên Xô. Khoảng 3.000 lính Trung Quốc đã được điều động tới Siberia cùng với 900 xe quân sự.

Khi Moskva tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở Biển Nhật Bản vào tháng 9/2017, Bắc Kinh đã gửi một tàu tìm kiếm và cứu hộ tàu ngầm tham gia. Do đó, các chuyên gia tin rằng Trung Quốc có thể gửi tàu ngầm đến cùng khu vực với mục đích học hỏi thêm từ Hải quân Nga.

Trong khi các tàu sân bay khổng lồ và máy bay chiến đấu tàng hình nhận được nhiều sự chú ý nhất, thì "nhân tố thay đổi cuộc chơi" thực sự của chiến lược hải quân ngày nay được cho là tàu ngầm.

Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản (JMSDF) có thể phát hiện, với mức độ chắc chắn cao, các tàu ngầm đi qua eo biển gần đó. JMSDF hiếm khi phô trương khả năng này, nhưng luôn duy trì năng lực theo dõi phát hiện.

Về phần mình, Trung Quốc đang bận rộn chế tạo tàu sân bay, nhưng họ vẫn đòi hỏi một đội tàu ngầm hộ tống hiệu quả trong chiến đấu. Các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc cũng yêu cầu được bảo vệ bởi tàu hộ tống. Vì vậy, Trung Quốc đang đề nghị Nga làm giảng viên để phát triển kỹ năng hộ tống, phòng thủ của thủy thủ đoàn.

Theo quy mô, hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc gồm khoảng 60 chiếc, vượt trội so với 22 của Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản lại được cho đánh giá cao ở vị trí hàng đầu trong các hoạt động của tàu ngầm cũng như việc thực hiện những hành trình vô cùng im lặng.

Với một bước đi chưa có tiền lệ là tuyên bố tiến hành tập trận tàu ngầm ở Biển Đông, Nhật Bản đang gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc, đồng thời Tokyo dường như chứng minh cho Washington thấy rằng Nhật Bản có thể đóng một vai trò trong chiến dịch của Mỹ nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.

Quân đội Trung Quốc từ lâu đã dựa vào số lượng để bù đắp cho khoảng cách về chất lượng. Điều đó cho thấy đội tàu ngầm của Trung Quốc cần phải phát triển hơn nữa. Ngoài ra, hải quân của nước này đang tìm cách tăng cường chiến lược bất đối xứng bằng cách triển khai một số lượng lớn tàu không người lái dưới nước. Điều đó sẽ đòi hỏi Nhật Bản phải tập trung vào số lượng cũng như công nghệ tàu ngầm.

Hôm 6/11 vừa qua, Nhật Bản đã hạ thủy tàu ngầm Toryu, chiếc hiện đại và lớn nhất của lớp Soryu, tại nhà máy đóng tàu Kawasaki, và dự kiến bàn giao cho Lực lượng Phòng vệ nước này vào năm 2021.

Chú thích ảnh
Tàu ngầu Toryu được hạ thủy hôm 6/11 tại Kobe, Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asian Review 

Con tàu dài 84 m, đường kính 9,1 m, lượng choán nước 2.950 tấn, lớn nhất trong số các tàu ngầm ở Nhật Bản. Tàu ngầm Toryu được trang bị công nghệ pin lithium-ion mới, giúp kéo dài thời gian hoạt động dưới nước, cùng một số công nghệ khác khiến nó trở thành tàu ngầm hiện đại nhất của lớp Soryu. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, có thể mang theo 30 ngư lôi và tên lửa chống hạm Harpoon. Toryu đạt tốc độ tối đa 20 hải lý/giờ khi lặn, phạm vi hoạt động 6.100 hải lý, và có thể chở theo thủy thủ đoàn 65 người.

Tổng cộng có 12 tàu ngầm lớp Soryu đã được chế tạo, trong kế hoạch 15 tàu được Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề ra. Soryu được đánh giá là một trong những tàu ngầm phi hạt nhân đáng sợ nhất thế giới.

Theo tờ National Interest, tàu ngầm là một trong số ít vũ khí mà những nước cảnh giác với sự quyết đoán của quân đội Trung Quốc có thể gửi tín hiệu rằng họ không có ý định đứng yên trước các hoạt động của Bắc Kinh trên các vùng biển như Biển Đông.

"Đó là bởi vì trong khi Trung Quốc đã chi hàng tỷ đô la để nâng cấp nhiều mảng trong lực lượng vũ trang của mình, từ máy bay chiến đấu đến tàu khu trục, thì khả năng thực hiện chiến tranh chống tàu ngầm vẫn bị tụt lại phía sau", ông Bryan Clark, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (Mỹ), cho biết. Và điều đó đã để lại một lối mở chiến thuật cho các đối thủ của Trung Quốc.

Các quốc gia này đang thực sự coi những chiếc tàu ngầm là tàu chiến chủ lực của hải quân, ông Clark, vốn là cựu thủy thủ tàu ngầm của Hải quân Mỹ, bổ sung.

Còn Jonathan Greenert, cựu Giám đốc Chiến dịch hải quân - một hoạt động hàng đầu của Hải quân Mỹ - cho biết tàu ngầm là vũ khí hấp dẫn đối với các quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương, và các chính phủ trong khu vực có thể sẽ tăng chi tiêu cho hạm đội này trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về kho vũ khí tên lửa của Trung Quốc.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Tàu ngầm Hoàng tử Vladimir của Nga bắn thử thành công tên lửa đạn đạo
Tàu ngầm Hoàng tử Vladimir của Nga bắn thử thành công tên lửa đạn đạo

Bộ Quốc phòng Nga ngày 30/10 cho biết tàu ngầm hạt nhân chiến lược Hoàng tử Vladimir, lớp Borei A của Nga đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo Bulava. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN