Vụ căng thẳng tàu ngầm Sang-O giữa Hàn Quốc và Triều Tiên

Năm 1996, một tàu ngầm Triều Tiên bị bỏ lại trên lãnh thổ Hàn Quốc đã suýt châm ngòi chiến tranh giữa hai miền Bán đảo Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Tàu ngầm Sang-O khi mắc kẹt. Ảnh: Wikipedia

Vào 5 giờ sáng ngày 14/9/1996, tàu ngầm do thám của Triều Tiên do sĩ quan Chong Yong-ku chỉ huy đã rời căn cứ. Tàu ngầm Sang-O dài 34 m thường có thủy thủ đoàn gồm 15 người. Tuy nhiên, ngày hôm đó Sang-O còn chở theo 3 đơn vị đặc nhiệm từ Cục Trinh sát và Đại tá Kim Dong-won – giám đốc đơn vị tình báo hàng hải của cơ quan này.

Trước khi rời căn cứ, các thủy thủ đã thề không quay trở về nếu chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao là do thám căn cứ quân sự của Hàn Quốc quanh Gangneung – cách Khu Phi quân sự (DMZ) 145km.

Nhiệm vụ của thuyền trưởng Chong khi đó được đánh giá là không quá khó khăn. Một năm trước đó đã có tàu ngầm khác thực hiện nhiệm vụ tương tự. Trong thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước, Triều Tiên đã tiến hành hàng nghìn vụ thâm nhập Hàn Quốc.

Ngày 15/9/1996, tàu ngầm Sang-O đến vị trí mục tiêu cách Gangneung vài trăm mét. Đến 9 giờ tối, lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên rời tàu ngầm. Họ sau đó lên bờ còn tàu Sang-O di chuyển chậm dọc bờ biển để chụp ảnh cơ sở quân sự Hàn Quốc.

Đến tối hôm sau, tàu ngầm Sang-O quay trở lại để đón đội đặc nhiệm. Tuy nhiên, điều bất thường đã xảy ra khi không hề thấy bóng dáng các đặc nhiệm Triều Tiên. Sang-O quyết định rút ra biển và vào tối 17/9/1996 một lần nữa quay lại tìm các đặc nhiệm.

Nhưng lần này, con tàu 325 tấn đã mắc cạn ngoài khơi biển An-in, cách Gangneung 4,8 km. Mặc dù đã cố gắng cứu hộ tàu ngầm nhưng nỗ lực của thủy thủ đoàn thất bại. Gần đến nửa đêm, thuyền trưởng ChongYong-ku ra lệnh bỏ tàu, phóng hỏa bên trong khoang tàu sau đó rút lui cùng thủy thủ.

Đến 1 giờ 30 phút sáng hôm sau, một lái xe taxi phát hiện dấu hiệu lạ của tàu ngầm mắc cạn cùng hàng chục nam giới gần bờ biển. Người lái xe này liền thông báo cho quân đội Hàn Quốc và lực lượng này lập tức cử cảnh sát cùng binh sĩ tới điều tra.

Quân đội Hàn Quốc phát hiện trên tàu ngầm Triều Tiên một súng máy, một súng trường AK-47, 100 lựu đạn cùng bản ghi nhớ nhấn mạnh: “Chúng ta phải hoàn thành nhiệm vụ không được thất bại”.

Quân đội Hàn Quốc phát báo động trên toàn tỉnh Kangwon. Trên 42.000 binh sĩ Hàn Quốc, nhiều trực thăng và cảnh sát được huy động để truy tìm thủy thủ đoàn Triều Tiên.

Chiều cùng ngày, một người nông dân cho biết đã phát hiện một nam giới lạ mặt đi lại trên cánh đồng của ông.Binh sĩ Hàn Quốc đã tiếp cận địa điểm và bắt giữ được người lái tàu ngầm Lee Kwang-soo (31 tuổi) vào 4 giờ 30 phút chiều.

Ông Lee Kwang-soo nói rằng tàu ngầm của ông bị hỏng động cơ trong quá trình huấn luyện khiến nó trôi đến lãnh thổ Hàn Quốc. Tất nhiên, ông Lee Kwang-soo giấu kín hoàn toàn thông tin về lực lượng đặc nhiệm trên tàu.

Chỉ nửa tiếng sau, quân đội Hàn Quốc phát hiện trên ngọn núi gần đó thi thể 10 người đàn ông mặc áo trắng và đi giày thể thao. Trong số những người này có chỉ huy tàu Chong Yong-ku và các thành viên thủy thủ đoàn.

Cách đó không xa là thi thể của người đàn ông thứ 11, Đại tá Kim Dong-won.Tất cả những người này bị bắn vào đầu ở khoảng cách gần. Chính phủ Hàn Quốc sau đó ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn bộ bờ biển này.

Trong cùng thời điểm, Hàn Quốc thẩm vấn lái tàu Lee Kwang-soo. Ông này sau đó thú nhận tàu ngầm Sang-O thực hiện nhiệm vụ do thám và các thủy thủ đoàn đã được lệnh “tự tử để tránh bị bắt”.

Ngoài ra, ông Lee Kwang-soo tiết lộ thông tin quan trọng là trên tàu ngầm có tổng cộng 26 người, tính cả các thành viên lực lượng đặc nhiệm. Điều này đồng nghĩa với việc còn 14 người chưa rõ tung tích.

Sau đó quân đội Hàn Quốc tìm kiếm quanh khu vực đồi núi Gang dong-myeon và tiêu diệt 7 lính đặc nhiệm Triều Tiên. Trong trận đấu súng vào cuối tháng 9, có 4 đặc nhiệm Triều Tiên khác bị tiêu diệt. Như vậy còn 3 đặc nhiệm khác vẫn lẩn trốn.

Chú thích ảnh
Tàu Sang-O trưng bày tại Công viên Thống nhất Tongil ở Gangneung, Hàn Quốc. Ảnh: National Interest

Tổng thống Hàn Quốc khi đó Kim Young-sam tuyên bố ông sẽ buộc phải ra quyết định trả đũa nếu tiếp tục có khiêu khích. Phía Triều Tiên khẳng định tàu ngầm Sang-O gặp trục trặc về động cơ và trôi dạt xuống phía Nam. Bình Nhưỡng đồng thời cảnh báo đáp trả vì cái chết của các thủy thủ.

Một vụ việc xảy ra ngay sau đó còn khiến tình hình trở nên “nóng” hơn khi chuyên viên lãnh sự quán Hàn Quốc tại Vladivostok (Nga) – ông Choe Deok-geun bị ám sát ngày 1/10/1996. Có ý kiến cho rằng cái chết của ông Choe Deok-geun có thể liên quan tới việc Triều Tiên trả đũa vụ tàu ngầm Sang-O. Ông Choe Deok-geun tử vong do trúng chất độc giống với loại được phát hiện trên tàu ngầm Sang-O. Phía Triều Tiên đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến vụ ám sát Choe Deok-geun.

Chiến dịch truy lùng 3 đặc nhiệm Triều Tiên còn lẩn trốn kéo dài tới 49 ngày. Đến ngày 4/11, một người Hàn Quốc đã gọi báo cảnh sát phát hiện hai người đàn ông lạ mặt tại đường cao tốc gần Inje, cách biên giới với Triều Tiên 19km. Sáng 5/11/1996, binh sĩ Hàn Quốc đã đấu súng với 2 đặc nhiệm Triều Tiên. Kết quả là 2 đặc nhiệm Triều Tiên và 3 binh sĩ Hàn Quốc thiệt mạng.

Như vậy, trong tổng số 26 thủy thủ đoàn trên tàu ngầm Sang-O, chỉ có 2 người còn sống. Đặc nhiệm thứ 3 còn lẩn trốn của Triều Tiên là Li Chul-jin được cho đã trốn thoát.

Ngày 29/12/1996, Chính phủ Triều Tiên trong động thái hiếm có đã bày tỏ lấy làm tiếc về vụ việc.Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết sẽ nỗ lực đảm bảo rằng tai nạn tương tự không xảy ra, đồng thời hợp tác cùng các bên vì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

Đáp trả lại, Hàn Quốc đã trao trả di cốt 24 công dân Triều Tiên vào ngày hôm sau. Tàu ngầm Sang-O hiện được trưng bày tại Công viên Thống nhất Tongil ở Gangneung.

Tàu ngầm Sang-O có thể lặn sâu 150m và đạt vận tốc 9 hải lý/giờ. Sang-O có ống phóng ngư lôi cỡ 533mm. Tờ Business Insider (Mỹ) cho biết Triều Tiên có hạm đội 70 tàu ngầm, trong đó có 40 chiếc lớp Sang-O do nước này tự sản xuất. Tất cả tàu ngầm đều chạy bằng năng lượng điện diesel.

Hà Linh/Báo Tin tức
Người phương Tây tại Triều Tiên sống và làm việc ra sao?
Người phương Tây tại Triều Tiên sống và làm việc ra sao?

Cuộc sống của người nước ngoài, đặc biệt là người phương Tây, ra sao tại một quốc gia vốn dĩ tách biệt với thế giới bên ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN