Trung Quốc–Triều Tiên: Mối quan hệ nhiều thăng trầm bên dòng sông Áp Lục

Dòng sông Áp Lục là biên giới tự nhiên giữa Trung Quốc và Triều Tiên, nơi chứng kiến bao thăng trầm trong mối quan hệ hai nước mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng ví một cách hình tượng như “môi và răng”.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ảnh: KCNA

Theo trang mạng NKNews, từ năm 2015, mối quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên đã lung lay trông thấy. Ở Bắc Kinh, quan điểm về Triều Tiên chuyển dần từ lạc quan thận trọng năm 2015 sang lo lắng năm 2016, rồi tức giận trước những diễn biến năm 2017 và cuối cùng là ngày càng nồng ấm trở lại kể từ năm 2018 tới nay – thời điểm mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp có chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tiên tới Triều Tiên từ ngày 20-21/6.

Có thể nói trong thời gian qua, quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên thời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Tập Cận Bình đã trải qua những thử thách chưa từng có trong bối cảnh Bình Nhưỡng thử tên lửa, hạt nhân liên tục. Mặc dù truyền thông Trung Quốc luôn nhắc tới quan hệ gần gũi truyền thống giữa Trung Quốc và Triều Tiên, tự hào khi nói tới cuộc chiến tranh “kháng Mỹ viện Triều” năm xưa, nhưng mối quan hệ này phức tạp hơn nhiều.

Khủng hoảng quan hệ

Chú thích ảnh
Triều Tiên có một loạt bài bình luận chỉ trích Trung Quốc. Ảnh: KNNews

Quan hệ Triều - Trung xuống đáy năm 2017. Triều Tiên liên tục thử hạt nhân, tên lửa năm 2016 và 2017, gây ra những trận động đất khiến người dân sống ở vùng Đông Bắc Trung Quốc lo sợ. Các nhà khoa học Trung Quốc sợ núi Mantap, bãi thử hạt nhân của Triều Tiên sẽ sập do bị ảnh hưởng bởi các vụ thử. Năm 2017, báo chí Trung Quốc còn lo núi lửa Trường Bạch sẽ phun trào trở lại.

Trung Quốc khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên khi ủng hộ một số lệnh trừng phạt Triều Tiên mà Liên hợp quốc áp đặt nhằm phản ứng với các vụ thử hạt nhân năm 2016 và 2017. Bước đi đó của Bắc Kinh khiến quan hệ Triều Tiên-Trung Quốc xấu đi nghiêm trọng.

Tại thời điểm đó, theo quan điểm của Trung Quốc, sự thù địch mà Triều Tiên thể hiện đã góp phần thúc đẩy Mỹ thực hiện chiến lược tăng cường quân sự tại Hàn Quốc mà đỉnh điểm là việc triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) năm 2016. 

Do Trung Quốc ủng hộ trừng phạt Triều Tiên, báo chí nhà nước Triều Tiên đã công kích trực diện Trung Quốc ít nhất ba lần năm 2017.

Tháng 2/2017, sau khi Trung Quốc ngừng nhập than từ Triều Tiên, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố: “Quốc gia này, tự cho mình là nước lớn, đang hùa với Mỹ để trừng phạt Triều Tiên, đồng thời biện minh cho hành động nhỏ mọn đó khi nói rằng trừng phạt chỉ nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân chứ không ảnh hưởng tới người dân Triều Tiên”.

Tháng 5/2017, KCNA chỉ trích Trung Quốc chưa từng có tiền lệ, khi nói rằng “ngày nào cũng có những bình luận lố bịch, liều lĩnh ở Trung Quốc chỉ để làm cho tình hình hiện đã xấu còn căng thẳng hơn” và “Trung Quốc tốt hơn hết là cần cân nhắc những hậu quả nghiêm trọng sau khi có hành động liều lĩnh là phá hủy trụ cột quan hệ Trung-Triều”. KCNA cáo buộc Trung Quốc đe dọa một quốc gia hàng xóm trung thực có truyền thống bằng hữu lâu dài và Triều Tiên sẽ không bao giờ cầu xin việc duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.

Sau đó không lâu, tháng 7/2017, KCNA đã chỉ trích các bài bình luận tiêu cực đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo và Thời báo Hoàn cầu, nói rằng một số báo ở Trung Quốc đang làm tổn thương nghiêm trọng hệ thống xã hội và đường lối của Triều Tiên.

Năm 2018 khởi sắc

Chú thích ảnh
Năm 2018 chứng kiến 3 cuộc gặp thượng đỉnh Triều Tiên-Trung Quốc. Ảnh: KCNA

Đến đầu năm 2018, KCNA vẫn chỉ trích báo chí Trung Quốc. Theo KCNA, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã làm hỏng bầu không khí phấn khởi khi phát các bình luận quá tự tin của các chuyên gia; còn tờ Thời báo Hoàn cầu thì “có hành vi rắc tro vào ngày vui của người khác khi đề cập tới vấn đề phi hạt nhân hóa”.

Đến tháng 3, không khí bớt căng thẳng khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh. Chuyến công du Bắc Kinh của ông Kim Jong-un theo lời mời của ông Tập Cận Bình kéo dài 4 ngày và có phu nhân Ri Sol-ju đi cùng. Trong cuộc gặp thượng đỉnh, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi hai nước tăng cường quan hệ đối tác tương lai về ngoại giao và chiến lược. Ông cũng nhấn mạnh hai nước là những quốc gia xã hội chủ nghĩa lâu đời và có nhiều cách để hợp tác trong các lĩnh vực trong tương lai.

Chú thích ảnh
Lễ đón Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (phải) tại Bắc Kinh hồi tháng 1/2019. Ảnh: Xinhua

Từ cuộc gặp đó tới nay, hai nhà lãnh đạo đã có thêm ba cuộc gặp thượng đỉnh nữa, đều diễn ra ở Trung Quốc. Trong cuộc gặp thứ hai tại Đại Liên, Liêu Ninh ngày 7-8/5/2018, hai bên đã thảo luận cách hợp tác trong vấn đề phi hạt nhân hóa, hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời bàn về quan hệ song phương cũng như các vấn đề quan tâm chung.

Xem video tổng hợp những hình ảnh về một chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un (nguồn: VOA):

Cuộc gặp thứ ba diễn ra ở Bắc Kinh trong hai ngày 19 và 20/2018. Theo dư luận đồn đoán, có thể Chủ tịch Kim Jong-un đã tìm kiếm lời khuyên từ Chủ tịch Tập Cận Bình về chiến lược đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ.

Cuộc gặp kéo dài nhất diễn ra trong bốn ngày tại Bắc Kinh đầu năm 2019 và trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội vào tháng 2/2019.

Cuộc gặp ngày 20-21/6 sẽ đánh dấu một mốc mới trong quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên khi lần đầu tiên Chủ tịch Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước Triều Tiên.

Quan hệ đối tác thương mại

 

Chú thích ảnh
Xe tải xếp hàng chờ qua biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Ảnh: Wikipedia

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất, lớn nhất của Triều Tiên, còn Triều Tiên đứng thứ 82 trong số các đối tác thương mại của Trung Quốc. Hàng Trung Quốc chiếm một nửa lượng hàng hóa nhập khẩu vào Triều Tiên và Trung Quốc nhập 1/4 lượng hàng hóa xuất khẩu từ Triều Tiên.

Theo Cơ quan Xúc tiến Thương mại – Đầu tư Hàn Quốc tại Seoul, thương mại song phương Trung Quốc-Triều Tiên tăng gấp 10 trong giai đoạn 2000-2015, đạt đỉnh năm 2014 với giá trị 6,86 tỷ USD. Do bị trừng phạt nặng nề hơn nên tăng trưởng thương mại đã giảm, nhưng Triều Tiên vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc trong các hoạt động kinh tế.

Mặc dù Trung Quốc đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt quốc tế chống Triều Tiên và thực hiện một số biện pháp như ngừng bán dầu, hạn chế hoạt động tài chính, nhưng quan hệ hai bên đã tan băng sau các cuộc gặp thượng đỉnh.

Mối quan hệ giữa hai bên vẫn phát triển cho dù thương mại sụt giảm do Triều Tiên bị trừng phạt. Năm 2018, hàng hóa Trung Quốc nhập từ Triều Tiên tăng 88% mặc dù lượng hàng xuất khẩu vào Triều Tiên giảm 33%. Mặc dù bị trừng phạt thương mại tăng nhưng thương mại không chính thức dọc biên giới vẫn tiếp diễn với các mặt hàng như nhiên liệu, hải sản, tằm, điện thoại di động…

Hai nước đã mở rộng mối quan hệ trong những năm gần đây. Tháng 9/2015, hai bên mở tuyến đường vận tải container và hàng hóa cỡ lớn để tăng cường xuất khẩu than từ Triều Tiên sang Trung Quốc. Trung Quốc đã xây dựng tuyến đường sắt cao tốc giữa thành phố biên giới Đan Đông và Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh. Cùng năm đó, hai bên thiết lập khu vực thương mại biên giới Guomenwan ở Đan Đông nhằm tăng cường trao đổi kinh tế song phương. Ngoài đối tác thương mại, Trung Quốc cũng là quốc gia viện trợ trực tiếp cho Triều Tiên, chủ yếu là lương thực và năng lượng. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Trung Quốc cam kết hợp tác chặt chẽ với Bình Nhưỡng trong vấn đề Bán đảo Triều Tiên 
Trung Quốc cam kết hợp tác chặt chẽ với Bình Nhưỡng trong vấn đề Bán đảo Triều Tiên 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19/6 đã cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Triều Tiên nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hiện đang đình trệ giữa Bình Nhưỡng và Washington. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN