Có vaccine, vì sao Đức vẫn chật vật với khủng hoảng làn sóng COVID thứ ba

Bộ máy thiếu linh hoạt, một chiến lược bối rối với nhà cung cấp vaccine AstraZeneca và các biện pháp phong toả không nhất quán, đang bị đổ lỗi cho tình cảnh chật vật hiện tại của nước Đức, khác hẳn hình mẫu thành công ở hai làn sóng đầu.

Chú thích ảnh
Các nhà hàng ở Saarland hiện được phép mở cửa trở lại các khu vực ngoài trời với một số điều kiện nhất định. Ảnh: AP

Ông Gerald Lehmann tự hào mình là một thị trưởng nhanh nhạy và chủ động trong công việc.

Khi nghe tin chỉ có 70 người đăng ký so với 100 liều vaccine đã được gửi đến bệnh viện của thị trấn Luckau để tiêm cho các bác sĩ và nhân viên y tế, ông Lehmann đã gọi điện hỏi xem số lượng còn lại có thể chuyển cho các giáo viên mẫu giáo được không. 

Đề xuất của ông được gửi đến Cơ quan y tế bang Brandenburg. Nhưng câu trả lời là “Không”. Có một danh sách ưu tiên, và nó phải được tuân thủ.

“Tôi rất chán. Bộ máy quan liêu này không thực tế chút nào”, ông than thở với tờ Al Jazeera.

Đây không phải lần đầu tiên các quy định cứng nhắc về vaccine của Đức gây ra những rắc rối ở thị trấn lịch sử Luckau, nằm cách thủ đô Berlin chừng một giờ lái xe.

Chẳng hạn, các cư dân cao tuổi của thị trấn phải chật vật đặt lịch hẹn tiêm trên một nền tảng trực tuyến phức tạp, rồi gọi điện đến đường dây nóng để được trợ giúp và phát hiện nó luôn quá tải.


“Tôi so sánh nó với một trận lụt. Một con đập bị vỡ và chúng tôi nhận ra tình hình, nhưng chúng tôi lại phải ngồi trong văn phòng, viết ra những quy tắc về nơi lấy bao cát và cách dùng nó để ngăn nước”, ông Lehmann giải thích.


“Đó là vấn đề của nước Đức: chúng tôi không còn khả năng hành động. Trước tiên, chúng tôi cần tuân theo các quy định để được làm bất cứ điều gì, và điều đó khiến cuộc sống trở nên khó khăn”, ông thị trưởng Lehmann nói thêm.

Những lời khen ngợi dồn dập dành cho Đức vào năm ngoái vì đã ngăn chặn hiệu quả dịch COVID-19 và duy trì tỷ lệ tử vong tương đối thấp so với các nước láng giềng châu Âu, lúc này nghe như một tiếng vang xa.

Chú thích ảnh
Một khách hàng đứng trước một cửa hàng chỉ mở cửa cho các hoạt động mua sắm có giới hạn, đã đăng ký trước ở Gelsenkirchen, Đức, vào 6/4/2021. 
 

Biến thể mới và những rắc rối trong xử lý dịch

Nước Đức đã bị đóng cửa kể từ tháng 11/2020, mặc dù các hạn chế vẫn còn lỏng lẻo hơn so với một số quốc gia láng giềng.

Cho đến nay, hơn 2,9 triệu người Đức đã nhiễm COVID, trong khi trên 77.000 người đã tử vong vì đại dịch này, theo Tổ chức Y tế Thế giới.

Gần đây, một làn sóng lây nhiễm thứ ba đã và đang hình thành, với gần 90% các ca nhiễm mới do biến thể B.1.1.7 dễ lây lan hơn, được phát hiện lần đầu tiên tại Anh. Viện Robert Koch (RKI) của Đức đã cảnh báo làn sóng này sẽ vượt trội so với làn sóng đầu tiên và thứ hai.

Các nhà phân tích cho rằng, bị cản trở bởi những thủ tục và nguồn cung không đủ, tỷ lệ tiêm chủng chậm chạp của Đức sẽ không mang lại nhiều khả năng bảo vệ vào lúc này.

Theo số liệu mới nhất của tổ chức "Our World in Data", khoảng 12% dân số Đức đã nhận được ít nhất một mũi vaccine, xếp sau mức trung bình của Anh, Pháp và EU nói chung.

Tỷ lệ tiêm chủng còn giảm hơn một chút vào thời điểm lễ Phục sinh, khi các trung tâm tiêm chủng ở một số bang đóng cửa để nghỉ lễ.

Làm phức tạp hơn nữa việc triển khai chiến dịch tiêm chủng chính là phản ứng chính thức của Đức đối với rắc rối mang tên AstraZeneca. Các hướng dẫn của giới chức bị thay đổi nhiều lần. Vaccine Astra chỉ được sử dụng cho những người dưới 65 tuổi, sau đó bị tạm ngừng hoàn toàn do những lo sợ về hiện tượng máu đông cục, rồi lại được khôi phục và hiện tại được giới hạn chủ yếu chỉ tiêm cho những người trên 60 tuổi.

Trong khi đó, tình trạng “dây dưa” vẫn kéo dài trong kỳ nghỉ cuối tuần khi một số bang của Đức từ chối thực hiện các biện pháp "hãm phanh khẩn cấp" ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao, bất chấp những chỉ trích gay gắt từ Thủ tướng Angela Merkel.

Các bang và thành phố lại có những phương pháp tiếp cận khác nhau. ​​Hamburg và Berlin công bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm, Bavaria thực thi các quy tắc liên lạc nghiêm ngặt. Tuy nhiên, bang Saarland, giáp biên giới với Pháp, lại đang thúc đẩy kế hoạch mở cửa trở lại nhà hát, rạp phim và khu ăn uống ngoài trời dành cho những người có kết quả xét nghiệm âm tính.

Cùng lúc đó, giới chức nhà thờ Tin lành và Công giáo lại nhất quyết yêu cầu trực tiếp thực hiện lễ Phục sinh, và mặc dù du lịch nội địa bị cấm, hơn 500 chuyến bay đã chở hàng chục nghìn người Đức đến nghỉ ngơi trên những dãy ghế xếp bên hồ ở Majorca.

Tình hình nguy hiểm đến mức Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer và lãnh đạo bang Bavaria Markus Söder muốn bỏ qua các đặc quyền của tiểu bang để áp đặt một lệnh phong toả nghiêm ngặt trên toàn quốc.

Ông Seehofer nói với tờ Welt am Sonntag: “Cộng đồng đang mong đợi rất lớn về những quy tắc thống nhất. Do đó, gợi ý của tôi là thiết lập các quy tắc thống nhất thông qua luật liên bang.”

Chú thích ảnh
Mọi người đeo khẩu trang tại một phố mua sắm ở Gelsenkirchen, Đức. Ảnh: AP

Chỉ 1/5 dân số hài lòng 

Theo một cuộc thăm dò gần đây do đài truyền hình Tagesschau ủy quyền, chỉ có 19% người Đức hài lòng với cách xử lý khủng hoảng của chính phủ liên bang và tiểu bang; 2/3 dân chúng ủng hộ việc thắt chặt lệnh phong toả ngay lập tức.

“Nếu chúng ta có một chiến lược quốc gia chống lại loại virus này, chống lại đại dịch, thì mọi người có lẽ sẽ đồng ý các biện pháp thực sự nghiêm ngặt vào lúc này sẽ là điều đúng đắn. Sẽ không hiệu quả nếu mỗi bang có cách riêng”, nghị sĩ đảng Xanh kiêm bác sĩ y khoa Janosch Dahmen nói với tờ Al Jazeera.

Jurgen Zastrow, người điều hành một trong những trung tâm tiêm chủng lớn nhất của Đức đặt tại trung tâm triển lãm đồ sộ ở Cologne, nhận thấy cần phải cải thiện tình hình. Các luật sư khẳng định, mỗi người trước khi tiêm đều phải đọc 15 trang tài liệu in. Ông Zastrow nói: “Việc này còn mất thời gian hơn là tiêm vaccine cho người dân”.

Trong khi đó, sự ủng hộ dành cho đảng CDU của Thủ tướng Merkel đã giảm xuống mức trước đại dịch, một phần do bê bối tham nhũng mua khẩu trang giá cao. 

Chú thích ảnh
Đường phố Berlin vắng vẻ hơn nhiều so với trước đại dịch. Ảnh: EPA-EFE

Những tín hiệu tốt

Tuy vậy, có một số dấu hiệu cho thấy chiến dịch tiêm chủng của Đức cuối cùng có thể đã sẵn sàng để cất cánh.

Tuần này, Đức bắt đầu tiêm chủng cho các bệnh nhân, một bước đi mà Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho là “không quá lớn nhưng quan trọng”.

Khoảng 940.000 liều vaccine sẽ được cung cấp cho 35.000 cơ sở y tế vào tuần tới, sau đó tăng lên 3 triệu liều vào cuối tháng 4.

Việc Cơ quan Dược phẩm Châu Âu chấp thuận nhà máy mới của công ty BioNTech của Đức tại Marburg cũng sẽ thúc đẩy nguồn cung. Là một trong những cơ sở sản xuất vaccine lớn nhất trên thế giới, nhà máy này có công suất hàng năm là một tỷ liều.

Và nguồn cung cũng sẽ được hỗ trợ vì Đức dự kiến ​​sẽ nhận thêm 15 triệu liều từ AstraZeneca trong quý II và 40 triệu liều từ BioNTech.

Các quan chức chính phủ và y tế vẫn tin rằng nước này có thể bắt kịp và đạt được mục tiêu của EU là có 70% người lớn được tiêm chủng trong vòng vài tháng, một mức được cho là để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera)
Bộ trưởng Y tế Đức kêu gọi thực hiện chống dịch COVID-19 đồng bộ trên cả nước
Bộ trưởng Y tế Đức kêu gọi thực hiện chống dịch COVID-19 đồng bộ trên cả nước

Ngày 6/4, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn kêu gọi triển khai các biện pháp chống đại dịch COVID-19 một cách đồng bộ trên cả nước để ngăn chặn sự bùng phát mạnh của làn sóng lây nhiễm thứ ba hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN