Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Thủ tướng Merkel cho rằng nhiều bang chưa tuân thủ các biện pháp đã được chính quyền liên bang và các bang nhất trí, trong đó có yêu cầu thực hiện biện pháp khẩn cấp đối với những bang có chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày vượt quá 100/100.000 dân. Bà Merkel đề cập việc sửa đổi Luật Chống lây nhiễm để có thể buộc các bang phải tuân thủ các quy định được Chính phủ liên bang đưa ra, thay vì chỉ khuyến nghị thực hiện như hiện nay.
Theo nhà lãnh đạo Đức, việc thực hiện phong tỏa nhất quán toàn liên bang sẽ giúp kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ ba, trong đó những biện pháp "siêu phong tỏa" như đóng cửa triệt để các trường học hay hạn chế đi lại cả ban ngày, có thể được xem xét thực hiện.
Trước đó, một người phát ngôn Chính phủ Đức cho biết chính phủ liên bang đang cân nhắc cách thức để thực thi biện pháp chống dịch thống nhất trên cả nước trong trường hợp các bang không thực hiện đủ những biện pháp phòng dịch hiệu quả để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ ba.
Ý tưởng của Thủ tướng Merkel đã được Thủ hiến bang Bayern, ông Markus Söder, ủng hộ. Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) cho rằng một lệnh phong tỏa mới áp đặt trong thời gian ngắn nhưng nhất quán hơn sẽ tốt hơn việc phong tỏa nửa vời và kéo dài. Ông cũng cảnh báo không nên mở cửa nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay.
Trước đó, các bác sĩ, các nhà virus học và giới khoa học cũng kêu gọi thực hiện việc phong tỏa nghiêm ngặt hơn nữa để ngăn chặn đà gia tăng số ca lây nhiễm, cho rằng những biện pháp nửa vời hiện nay chưa đủ để ngăn chặn sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, để có thể thực hiện các biện pháp chống dịch nhất quán trên cả nước, Đức cần phải thay đổi quy định trong Luật Chống lây nhiễm. Theo luật hiện hành, các bang có quyền tự ban hành các biện pháp phòng chống dịch theo tình hình dịch bệnh từng bang.
Bộ trưởng Nội vụ liên bang Horst Seehofer ủng hộ việc đưa ra một đạo luật liên bang để áp đặt quy định mang tính thống nhất ở tất cả 16 bang, trong đó quy định rõ lộ trình siết chặt hoặc nới lỏng biện pháp theo chỉ số lây nhiễm tăng hay giảm. Ông Seehofer cho biết một đạo luật như vậy sẽ được thông qua trong vài ngày tới, trong đó cần được Quốc hội liên bang và Hội đồng liên bang phê chuẩn để có tính pháp lý ở mức cao nhất.
Hiện trong số 16 bang ở Đức chỉ có 3 bang có chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày dưới 100 là các bang Schleswig-Holstein, Mecklenburg-Vorpommern và Saarland. Bang Thüringen hiện có chỉ số cao nhất ở Đức (234,5).
Liên quan công tác tiêm phòng COVID-19 tại Đức, ngày 4/4, trung tâm tiêm chủng đầu tiên của quân đội Đức đã chính thức hoạt động theo chế độ 24/24 giờ. Trung tâm này đặt ở Lebach thuộc bang Saarland, làm việc theo 3 ca và có thể tiêm chủng cho 1.000 người mỗi ngày, với 110 binh sĩ được triển khai hỗ trợ công tác tiêm chủng. Hiện quân đội Đức còn một trung tâm tiêm chủng nữa ở Berlin và một trung tâm đang được xây dựng ở thành phố Bonn.
Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp hạn chế và phòng chống dịch bệnh trong nước, Đức cũng siết chặt kiểm soát giao lưu với các nước láng giềng có dấu hiệu dịch bệnh diễn biến xấu. Theo viện Robert Koch, Đức sẽ đưa Hà Lan vào danh sách các vùng có nguy cơ dịch bệnh cao do số ca bệnh tại quốc gia này đang tăng mạnh. Theo đó, từ ngày 6/4, các du khách từ Hà Lan phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mới được phép nhập cảnh Đức và thực hiện cách ly trong 10 ngày, thời gian cách ly có thể được giảm xuống 5 ngày nếu có kết quả xét nghiệm âm tính. Có một số ngoại lệ cho những người đến Đức vì lý do công việc. Trước đó, Đức đã đưa các quốc gia láng giềng như Pháp, CH Séc và Ba Lan vào danh sách các vùng có nguy cơ dịch bệnh cao.
Hà Lan giáp giới bang Hạ Saxony và North Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất của Đức với 18 triệu dân. Quốc gia 17 triệu dân này tới nay đã ghi nhận tổng cộng 1,2 triệu ca bệnh, trong đó có trên 16.000 ca tử vong. Ngày 23/3, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã tuyên bố gia hạn các biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch bệnh tới ngày 20/4 khi số ca mắc mới gia tăng.