Vladimir Rouvinski, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành (CIES) tại Đại học Icesi ở Cali, Colombia bình luận trên tờ Thời báo Moskva mới đây rằng trong một thế giới mà các vấn đề quốc tế có sự chia rẽ về ý thức hệ, mối quan hệ giữa Nga và Brazil luôn có một chút khác biệt, phù hợp với lợi ích của cả hai quốc gia.
Giám đốc CIES Rouvinski cho rằng, cuối giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Brazil đã trở thành một trong những đối tác thương mại lớn của Liên Xô, mặc dù quốc gia Nam Mỹ này được điều hành bởi một chế độ quân sự đã bị Moskva chính thức không công nhận. Brazil một lần nữa trở thành đối tác hàng đầu của Nga vào đầu những năm 2000, khi Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu tái tập trung và khôi phục vai trò của Nga ở Mỹ Latinh.
Brazil nhanh chóng nổi lên ở Mỹ Latinh nhờ có tỷ trọng ngoại thương lớn nhất với Nga trong khu vực và được mệnh danh là “đối tác chiến lược” về chính trị của Moskva- một trong những đối tác đầu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga.
Tuy nhiên, bất chấp mối quan hệ nồng ấm, Brazil chưa bao giờ đứng về phía Moskva vì một số lý do. Trái ngược với Venezuela, Nicaragua hay Cuba, lợi ích chung của Brazil và Nga không dựa trên tình cảm chống Mỹ chung, vốn là động lực thúc đẩy mối quan hệ chính trị của Moskva với Caracas, Managua và Havana. Trong trường hợp của Brazil, mối quan hệ đối tác được xây dựng dựa trên sự thực dụng rằng nếu không có mối quan hệ ổn định, thì không bên nào có thể thúc đẩy chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của mình một cách đầy đủ.
Brazil cần Nga vì nhiệm vụ phấn đấu có một ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cả hai nước đều coi trọng tư cách thành viên trong nhóm BRICS, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi. Mặc dù phạm vi thực tế của khối BRICS còn hạn chế, nhưng nó hỗ trợ Brazil vươn lên trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng toàn cầu - nước duy nhất ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe có tầm ảnh hưởng như vậy.
Trong khi đó, Nga cần Brazil ủng hộ quan điểm của mình, thông qua nhóm BRICS, về một trật tự thế giới đa cực mới. Đây là điều mà Moskva tính đến khi coi Brazil là “đối tác chiến lược”.
Một điểm khác cần lưu ý là ngay cả khi Brazil có sự thay đổi mạnh mẽ trong đường hướng chính trị nội bộ kể từ đầu thế kỷ 21, chính sách đối ngoại của họ vẫn tương đối không thay đổi với các mục tiêu dài hạn. Trái ngược với các nước láng giềng phía Bắc, Brazil chưa bao giờ quan tâm đến việc thách thức vị thế thống trị đã được thiết lập của Mỹ ở Tây bán cầu, nhưng nước này cũng tìm cách cân bằng và duy trì mức độ tự chủ chính trị trong việc lựa chọn những mối quan hệ với bên ngoài.
Ví dụ, dù Brazil có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, nhưng điều này cũng không gây ảnh hưởng đến sự hợp tác của nước này với Washington về các lĩnh vực an ninh và quân sự. Tương tự, sự hợp tác với Nga cũng không khiến Mỹ phải lo ngại nhiều.
Do đó, mối quan hệ chiến lược giữa Brazil và Nga vẫn tồn tại, ngay cả khi quan hệ kinh tế hiện còn ở mức thấp so với tiềm năng. Mặc dù Brazil là đối tác thương mại hàng đầu của Nga trong khu vực Mỹ Latinh, nhưng tỷ trọng thương mại của nước này trong tổng kim ngạch ngoại thương của Nga chưa đến 1%.
Do triển vọng tăng trưởng thương mại hạn chế, đặc biệt là do các nhà sản xuất Brazil và Nga thường cạnh tranh trong các lĩnh vực quan trọng như sản xuất máy bay, nên cả Trung Quốc và Mỹ đều đánh giá thấp những tuyên bố đầy tham vọng về một bước đột phá trong quan hệ thương mại giữa Moskva và Brasilia.
Với bối cảnh này, nếu chuyến thăm hiện tại của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đến Moskva diễn ra cách đây vài tháng, nó sẽ không gây ra bất kỳ sự cảnh báo nào đối với Washington. Nhưng chuyến vừa diễn ra của ông Bolsonaro lần này lại trùng với thời điểm căng thẳng Mỹ-Nga về vấn đề Ukraine, điều này có thể dẫn đến một cách hiểu khác.
Không còn nghi ngờ gì nữa, tất cả các bên liên quan đều hiểu tầm quan trọng của thời điểm này và đang tìm cách tối đa hóa cơ hội: "cố gắng bắt con cá lớn trong vùng nước nhiều sóng gió".
Đối với ông Bolsonaro, cuộc gặp với người đồng cấp Nga là một thông điệp gửi tới Chính quyền Biden rằng trong môi trường quốc tế đầy thách thức ngày nay, Washington nên quan tâm hơn đến các tác nhân quan trọng trong khu vực lân cận của mình, bất kể sự khác biệt về ý thức hệ.
Báo Nga Nezavisimaya Gazeta cũng dẫn lời chuyên gia Andrey Shchelchkov thuộc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Latinh tại Viện Lịch sử Thế giới thuộc Viện Khoa học Nga, cho rằng chuyến thăm của ông Bolsonaro là quan trọng từ góc độ chính trị vì Tổng thống Brazil muốn làm cho cử tri thấy rằng ông không phụ thuộc nhiều vào Mỹ.
Nhà nghiên cứu Shchelchkov nhận xét: "Mối quan hệ kinh tế khá đơn giản: Nga mua nhiều thịt từ Brazil, trong khi nước này mua phân kali", lưu ý thêm chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đối với Tổng thống Brazil trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử mùa Thu. "Tình hình không có lợi cho Tổng thống Bolsonaro vì ông ấy có thể sẽ thua đối thủ cạnh tranh Lula da Silva, do đó con át chủ bài mà vị tổng thống này đang theo đuổi là chính sách độc lập với Mỹ. Điều đó cho thấy, ông Bolsonaro muốn chứng tỏ rằng ông ấy cũng không phụ thuộc vào Washington", ông Shchelchkov nói.
Theo chuyên gia Rouvinski, đối với ông Putin, đây là cơ hội tuyệt vời để thể hiện cho công chúng Nga thấy rằng Moskva không bị cô lập với phần còn lại của thế giới, bất chấp những nỗ lực của Mỹ. Điều này cũng cho phép Điện Kremlin có thể duy trì mối liên kết chặt chẽ với các quốc gia ở sân sau của Washington.
Việc Mỹ tìm cách thuyết phục ông Bolsonaro không tới thăm Moskva cũng cho Điện Kremlin thấy rằng Washington thực sự cảm thấy không yên tâm về sự hiện diện của Nga ở Tây bán cầu, và từ góc độ đó, nó cho thấy chiến lược của Moskva đang phát huy tác dụng.