Không tìm cách tái thiết một quốc gia thông qua triển khai quân sự. Không giao tranh liên miên trong cuộc chiến mà không mang lại lợi ích cho Mỹ. Không lao vào can thiệp nội chiến ở nước ngoài. Ở tầm chiến thuật, Mỹ sẽ can dự chống chủ nghĩa khủng bố, nhưng không phải chống các phong trào nổi dậy. Mỹ cũng sẽ sử dụng mọi sức mạnh sẵn có để diệt trừ các mối đe dọa trực tiếp với Mỹ.
Một ngày nào đó, đây có thể chính là những trụ cột chính trong lý thuyết được biết đến với tên gọi “Học thuyết Biden”.
Những nguyên lý này khác biệt so với những gì được cựu Tổng thống George W. Bush – người ra quyết định đưa quân vào Afghanistan 20 năm trước đây, từng đưa ra. Trong học thuyết Bush, Mỹ được định danh là một “bá chủ nhân từ”, người phát triển tự do và dân chủ trên toàn thế giới để từ đó giảm thiểu nguy cơ, đe dọa nhằm vào nước Mỹ.
Giới phân tích nhận định các đồng minh của Mỹ sẽ theo dõi sát những động thái can dự mới của Mỹ ở nước ngoài cùng với đó là diễn biến bất ổn ở Afghanistan. “Nếu so sánh vận hành chính sách giữa thời chính quyền Bush và chính quyền Biden, chúng ta sẽ nhận thấy sự khác biệt lớn về xây dựng quốc gia, gây dựng dân chủ, trợ giúp các nước khác để tránh mối đe dọa từ chính họ”, nhà khoa học chính trị cao cấp Jeffrey Hornung thuộc Trung tâm RAND (Mỹ) nhận định. Theo Hornung, một đặc điểm chính trong “Học thuyết Biden” có thể sẽ là điểm nhấn về lợi ích quốc gia thiết yếu, điều mà ông Biden chưa bao giờ nói rõ đó là gì.
Michael Green, Phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhìn nhận tình huống tại Afghanistan là “một lỗi tự đánh hỏng của ông Biden và tình thế rối loạn đó có làm suy giảm lòng tin vào Mỹ và đồng minh”. Nhưng mức độ cũng không quá nghiêm trọng, không đủ sức gây rạn nứt quan hệ liên minh Mỹ-Nhật hay Mỹ-Hàn. Thất thế của Mỹ tại Afghanistan cũng không phải là một “chiến thắng chính trị với những người theo chủ nghĩa biệt lập”, ông Green nói.
Mike Mochizuki, Chủ tịch phụ trách quan hệ Mỹ-Nhật Bản tại Trường Đại học Quan hệ quốc tế Elliot trực thuộc Đại học George Washington cho rằng có sự khác biệt khi sử dụng sức mạnh quân sự để thúc đẩy dân chủ tại một quốc gia thiếu truyền thống dân chủ với một thể chế là đối tác, đồng minh của Mỹ biết đề cao giá trị dân chủ.
Trách nhiệm trước hết thuộc về nước sở tại, chứ không phải là Mỹ và điều này áp dụng với đối tác, đồng minh của Mỹ. Ở góc độ này, Nhật Bản – đồng minh của Mỹ, nơi có 50.000 lính Mỹ đồn trú, sẽ được coi là “lợi ích quốc gia thiết yếu” đối với Mỹ, buộc Mỹ sẽ ra tay can thiệp một khi Nhật Bản bị tấn công, ông Mochizuki nhìn nhận.
Theo Tom Shugart, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), việc Mỹ thất bại trong ngăn chặn Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan không phải là một minh chứng cho thấy Mỹ có thể sẽ làm điều tương tự như ở eo biển Đài Loan.
“Nền hòa bình kiểu Mỹ được thiết lập và duy trì bởi sức mạnh của Mỹ trên các đại dương. Khi nền hòa bình đó chấm dứt, thì đó là bởi sự thống trị của Mỹ đã chấm dứt ở đó, chứ không phải ở những dãy núi cao vùng Trung Á”, ông Shugart lý giải.
Trong phát biểu hôm 16/8, ông Biden tuyên bố: “Lợi ích quốc gia thiết yếu duy nhất của Mỹ trong ngày hôm nay vẫn không thay đổi so với trước đó: Ngăn chặn tấn công khủng bố nhằm vào đất liền Mỹ”. Những người nắm quyền tại Kabul có thể đã không hiểu điều này. Còn về phía Mỹ, chống chủ nghĩa khủng bố giờ được thu hẹp hơn về nội hàm, không còn bao gồm cả chống nổi dậy.
“Kỉ nguyên của các cuộc phiêu lưu quân sự dài hơi, kiến tạo nhà nước chấm dứt trong tương lai gần. Các chiến dịch chống khủng bố tới đây sẽ giống như cách Mỹ đang triển khai ở châu Phi – đó là hiện diện quân sự hạn chế, dựa nhiều hơn vào đối tác là lực lượng an ninh nước bản địa”, nhà nghiên cứu Simon Frankel Pratt thuộc Đại học Bristol nêu quan điểm.
Năm 1996, hai học giả theo đường lối tân bảo thủ William Kristol và Robert Kagan từng viết trên tạp chí Foreign Affairs rằng vai trò của Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh sẽ là “bá chủ nhân từ”. Ở địa vị đó, Mỹ chủ động thúc đẩy các nguyên tắc về quản trị ra nước ngoài, như về dân chủ, tự do thị trường hay tôn trọng tự do.
Lý luận của Kristol và Kagan đóng vai trò nền tảng cho sự ra đời của học thuyết Bush. Nhưng sau 1/4 thế kỉ và sau hai cuộc chiến tranh, chính sách đối ngoại của Mỹ đang nhất quyết dịch chuyển sang một đường hướng mới.