Các nhà phân tích cho rằng cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã đánh dấu một bước thất bại cho Bắc Kinh, khiến những lời kêu gọi Mỹ đàm phán với Triều Tiên không còn sức nặng và làm tăng nguy cơ chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể tìm đến giải pháp quân sự đối phó với chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên.
Cuộc thử nghiệm cũng tạo ra một đòn bẩy chính trị cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo các nước khác tại Hội nghị thượng đỉnh G20.
Tổng thống Trump được mong đợi sẽ tìm cách kêu gọi giới lãnh đạo quốc tế tham gia các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên và thúc giục Trung Quốc mạnh tay hơn nữa kiềm chế lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
“Lần phóng tên lửa này là sức ép đối với Trung Quốc. Bắc Kinh muốn Mỹ đối thoại với Triều Tiên và không chỉ là nhấn mạnh các lệnh trừng phạt và cô lập. Nhưng Triều Tiên lại cứ khiến căng thẳng leo thang”, Zhu Feng – một chuyên gia an ninh quốc tế tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) nhận xét.
Đối với Mỹ, từ trước đến nay Chủ tịch Tập Cận Bình luôn cẩn trọng. Trước sức ép từ Mỹ, Trung Quốc một mặt ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và cấm nhập khẩu than đá Triều Tiên. Tuy nhiên quốc gia này cũng phản đối các biện pháp mạnh hơn có thể khiến Bình Nhưỡng bất ổn, lo sợ tạo làn sóng người tị nạn tràn sang khu vực Đông Bắc Trung Quốc và đưa quân đội Mỹ tiến đến sát biên giới Trung Quốc.
Về phía Mỹ, ngay trước khi đợt Triều Tiên phóng thử tên lửa, Tổng thống Trump cũng có nhiều động thái thể hiện sự giận dữ đối với Bắc Kinh, trong đó gồm việc đồng ý với thỏa thuận bán vũ khí trị giá 1,42 tỷ USD cho Đài Loan, điều tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Stethem của Hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tuần tra tự doa hàng hải (FONOP) ở Biển Đông, trừng phạt hai công ty và cá nhân Trung Quốc do nghi ngờ có liên hệ với Triều Tiên.
Và sau lần Triều Tiên thử tên lửa hôm 4/7, lại một lần nữa, chia sẻ dòng trạng thái tweet,
Tổng thống Trump thúc ép Trung Quốc phải có “động thái mạnh hơn” lên Triều Tiên và chấm dứt tất cả những điều vô lý này “một lần và mãi mãi”.
Theo chuyên gia Zhu Feng, Trung Quốc có thể lựa chọn việc tăng cường sức ép lên Bình Nhưỡng thông qua việc cắt giảm lượng dầu xuất và nhu yếu phẩm sang đó, cắt giảm việc nhập khẩu hàng hóa như quặng sắt và cấm khách Trung Quốc du lịch Triều Tiên.
Thậm chí, Bắc Kinh có thể xem xét bàn luận kế hoạch bất ngờ với Mỹ nếu trong trường hợp có xung đột quân sự nổ ra chống lại Bình Nhưỡng.
Trong buổi họp báo ngày 4/7, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lên tiếng cho rằng vấn đề Triều Tiên rất “phức tạp và nhạy cảm”, và khẳng định lại, Bắc Kinh phản đối bất kỳ hành động nào phía Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trung Quốc trước đó nhiều lần gợi ý Triều Tiên tạm dừng chương trình hạt nhân của mình để đối lấy các cuộc tập trận Mỹ - Hàn cũng phải dừng theo. Tuy nhiên, đề xuất ngừng tập trận chung đã bị chính quyền Washington bác bỏ.
Một ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thành công một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành tập trận tên lửa, phóng một loạt các loại tên lửa Hyunmoo-2 và ATACMS ra vùng biển phía Đông.