Chuyên gia nhận định gì về cơ hội đàm phán Mỹ - Triều?

Đã xuất hiện những hy vọng le lói cho thấy quá trình tan băng trên bán đảo Triều Tiên có thể kéo dài sau Olympic mùa Đông, trong đó có triển vọng về một cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên.

Cơ hội từ Olympic

Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 25/2 cho biết Triều Tiên có thể cởi mở với đối thoại sau khi chưa đàm phán cấp cao với Mỹ trong nhiều năm qua.

Triển vọng đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, dù vẫn mơ hồ và chưa thành hình, xuất hiện sau khi đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên tới thăm Pyeongchang, Hàn Quốc để dự lễ bế mạc Olympic.

Chuyên gia thận trọng đánh giá khả năng đàm phán Mỹ-Triều. Ảnh: Reuters

Tuyên bố từ Phủ Tổng thống Hàn Quốc có đoạn: “Triều Tiên cũng nghĩ rằng quan hệ Triều Tiên-Hàn Quốc và quan hệ Triều Tiên-Mỹ cần phải cùng nhau cải thiện”.

Sự kiện Olympic đã giúp tái khởi động đối thoại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Hai bên đã nhất trí diễu hành dưới một lá cờ chung trong lễ khai mạc, vận động viên hai nước đã cùng tham gia đội tuyển hockey nữ.

Hàn Quốc cũng đã mở cửa đón đoàn đại biểu hùng hậu từ Triều Tiên, trong đó có ban nhạc và đội cổ vũ lên tới hàng trăm người. Đây là một dấu hiệu thiện chí và đoàn kết văn hóa giữa hai quốc gia.

Triển vọng đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên xuất hiện hai tuần sau khi một phái đoàn của bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã mời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tới một hội nghị cấp cao ở Bình Nhưỡng.

Ông Moon cho biết cần phải chuẩn bị điều kiện trước một cuộc họp cấp cao liên Triều mà nếu diễn ra, sẽ là cuộc gặp đầu tiên trong hơn chục năm qua. Đây là một dấu hiệu cho thấy Tổng thống Hàn Quốc mong muốn thấy động thái tích cực trước từ phía Triều Tiên.

Quá trình tan băng quan hệ liên Triều đã được các nhà quan sát quốc tế hoan nghênh.

Khả năng đàm phán Mỹ-Triều


Tuy nhiên, một điểm mấu chốt là liệu Triều Tiên có hòa giải với Mỹ - đối thủ hàng đầu và là đồng minh chủ chốt của Hàn Quốc.

Các chuyên gia về an ninh Triều Tiên vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng dấu hiệu ngoại giao tích cực có thể biến thành điều gì đó thực tế. Dấu hiệu về phía Mỹ là việc con gái của Tổng thống Donald Trump đích thân tới dự lễ bế mạc Olympic ở Hàn Quốc và đứng dậy cổ vũ cho các vận động viên Triều Tiên. Về phía Triều Tiên là tỏ ý sẵn sàng đàm phán với Mỹ.

Mỹ và Triều Tiên mâu thuẫn gay gắt xung quanh chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Chương trình này đã phát triển nhanh trong những năm gần đây, bất chấp Triều Tiên bị chỉ trích và trừng phạt kinh tế.

Hiện chưa rõ liệu chính quyền của Tổng thống Trump hay nhà lãnh đạo Kim Jong-un có đặt điều kiện tiến hành đàm phán hay không. Về mặt lý thuyết, cả hai bên đều tỏ ý sẵn sàng đàm phán nhưng cũng sẵn sàng ra điều kiện mà những điều kiện này có thể phá vỡ cơ hội đàm phán ngay từ trong trứng nước.

Phía Mỹ hôm 25/2 đã phát tuyên bố dường như coi điều kiện đàm phán là Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa. Tuyên bố có đoạn: “Chiến dịch gây sức ép tối đa phải tiếp tục cho tới khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Chúng ta sẽ xem thông điệp hôm nay của Bình Nhưỡng rằng nước này sẵn sàng đàm phán có phải là những bước đầu tiên trên con đường phi hạt nhân hóa hay không. Trong lúc đó, Mỹ và thế giới phải tiếp tục thể hiện rõ rằng chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên là một ngõ cụt”.


Các nhà quan sát từng nhận định Triều Tiên không muốn phi hạt nhân hóa, đặc biệt nếu đó là điều kiện tiên quyết để đối thoại. Ông James Kim, thành viên nghiên cứu Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, Hàn Quốc, nhận định: “Thực tế là có một khoảng cách lớn về quan điểm của hai bên. Không có câu trả lời cho những câu hỏi này nên tôi không chắc hai bên sẽ đến với nhau để đối thoại hay thảo luận nghiêm túc như thế nào”.

Theo tờ Los Angeles Times, các nhà quan sát căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ cũng chung quan điểm trên. Quan điểm này không phải là không có cơ sở khi mà chính quyền Mỹ mới tuần trước thậm chí còn thông báo những biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh hơn nhằm vào Triều Tiên.

Tuyên bố về khả năng đối thoại Mỹ-Triều xuất hiện trong bối cảnh Olympic mùa Đông vừa kết thúc ở Hàn Quốc, sau cuộc đối thoại giữa phái đoàn Triều Tiên và Tổng thống Moon Jae-in.

Đàm phán giữa hai bên là một diễn biến mơ hồ nhưng cũng là một diễn biến có tiềm năng hứa hẹn.

Ông John Delury, Phó giáo sư tại Đại học Yonsei ở Hàn Quốc nhận định: Đó là tín hiệu trực tiếp từ Triều Tiên cho thấy họ đã sẵn sàng đám phán. Tín hiệu này không phải ngày nào cũng có. Nhưng để có kết quả thì đàm phán phải thực sự diễn ra đã.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận khấp khởi hy vọng này sẽ nhanh chóng tan biến một khi Hàn Quốc và Mỹ nối lại tập trận chung – điều vốn từ lâu đã khiến Triều Tiên tức giận.

Theo bà Duyeon Kim, một thành viên nghiên cứu cấp cao thuộc Diễn đàn Tương lai Bán đảo Triều Tiên ở Seoul, chúng ta sẽ cần phải chờ xem Triều Tiên có điều kiện đàm phán hay không và nếu có thì đó là gì.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Sang tận Argentina đánh bắt trái phép, tàu cá Trung Quốc trúng đạn, bị rượt đuổi suốt 8 tiếng
Sang tận Argentina đánh bắt trái phép, tàu cá Trung Quốc trúng đạn, bị rượt đuổi suốt 8 tiếng

Lực lượng bảo vệ bờ biển Argentina đã buộc phải nổ súng sau đó dành 8 giờ đồng hồ truy đuổi tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong hải phận của quốc gia Nam Mỹ này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN