Chương trình trợ giá gạo của Thái Lan sẽ đi tới đâu?

Chính phủ của bà Yingluck Shinawatra vừa quyết định khôi phục lại giá thu mua lúa gạo 15.000 bạt/tấn cho tới hết vụ mùa của năm 2013, nhưng dự kiến giá thu mua theo chương trình trợ giá gạo của Thái Lan sẽ bị giảm xuống 13.000 bạt/tấn trong năm tới để giảm bớt gánh nặng về chi phí.


Có nhiều lý do liên quan tới những quyết định trên, nhưng dường như nguyên nhân chính là việc Thái Lan đã thua lỗ hàng trăm tỷ bạt và mất cả vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu gạo. Chương trình trợ giá gạo có mục tiêu là tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần mang lại cuộc sống khá giả hơn cho những người trực tiếp làm ra hạt gạo.


Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn chưa mang lại sự thành công và nó cũng là một trong những nguyên nhân tác động tới quyết định cải tổ Nội các gần đây của bà Yingluck.


Đã thua lỗ bao nhiêu?


Theo tiểu ban giám sát việc kiểm toán chương trình trợ giá gạo thuộc Bộ Tài chính, trong hai vụ của năm 2011-2012, Thái Lan đã thua lỗ tới 136 tỷ bạt (30 bạt đổi được 1 USD). Mặc dù số liệu của năm 2012-2013 vẫn chưa được thông báo chính thức, nhưng nhiều khả năng nước này sẽ thua lỗ thêm 100 tỷ bạt nữa.

 

Quy trình sản xuất gạo ở Thái Lan.


Nguyên nhân của việc thua lỗ này được cho là vì giá thu mua bị đẩy lên quá cao, hơn 40-50% so với giá thị trường, dẫn tới việc giá xuất khẩu không thể giữ nguyên. Trong xu thế thị trường gạo thế giới giảm giá, Thái Lan đã không thể cạnh tranh được và kết quả là gạo xuất khẩu tồn trong kho, gây thua lỗ.


Chương trình trợ giá gạo này bắt đầu được chính phủ của bà Yingluck thực hiện theo cam kết tranh cử từ năm 2011, trong đó giá lúa gạo trắng thông thường được thu mua ở mức 15.000 bạt/1 tấn và lúa gạo hương nhài được mua với giá 20.000 bạt/tấn


Cho tới nay chính phủ Thái Lan đã chi 490 tỷ bạt để thu mua 31,7 triệu tấn lúa gạo theo chương trình trợ giá. Số lúa này sẽ làm ra khoảng 15,16 triệu tấn gạo và như vậy chi phí bỏ ra để thu mua 1 kg gạo vào khoảng 32,32 bạt.


Bộ Thương mại công bố bán 5 triệu tấn gạo trong chương trình này với giá 10,20 bạt/1kg. Điều này có nghĩa mỗi kilôgram gạo đã bị bán lỗ khoảng 22,12 bạt. Nếu chương trình này tiếp tục được thực hiện cho tới hết nhiệm kỳ của Chính phủ hiện nay thì sẽ gây thua lỗ khoảng từ 500-700 tỷ bạt.

Giá thu mua sẽ phải giảm


Quyết định giảm giá thu mua khoảng 20% xuống còn 12.000 bạt hoặc 13.000 bạt/1 tấn từ năm tới dựa trên những tính toán mới nhất của Bộ Thương mại Thái Lan. Một báo cáo của bộ này cho biết việc giảm giá thu mua sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí cho chương trình trợ giá gạo và ấn định được mức trần không vượt quá 200 tỷ bạt mỗi năm.


Tuy nhiên, việc giảm giá thu mua sẽ không được áp dụng với loại gạo hương nhài, bởi đây là sản phẩm đã có thương hiệu và có giá trị cao. Giá thu mua sẽ vẫn là 20.000 bạt/1 tấn. Loại gạo này đang được dự kiến trở thành quà tặng mang thương hiệu quốc gia của Thái Lan, giống như sâm củ của Hàn Quốc, trà xanh của Nhật Bản, hay hoa tulip của Hà Lan.


Hiện nay, giá lúa gạo trắng thông thường trên thị trường Thái Lan dao động vào khoảng từ 8.000-10.000 bạt/1 tấn, vẫn thấp hơn giá thu mua theo chương trình trợ giá kể cả khi nó bị giảm xuống còn 12.000 hoặc 13.000 bạt/1 tấn.


Theo số liệu của Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, nếu Chính phủ thu mua với giá 12.000 bạt/1 tấn trong chương trình trợ giá gạo, giá mỗi tấn gạo trắng xuất khẩu giao lên tầu (FOB) 5% tấm của Thái sẽ vào khoảng 620-630 USD (19.175-19.485 bạt). Mức giá này vẫn cao hơn nhiều so với gạo xuất khẩu của Việt Nam, chỉ vào khoảng hơn 390 USD/1 tấn.


Nếu giá thu mua lúa gạo vào khoảng 13.000 bạt/1 tấn, giá gạo xuất khẩu sẽ lên tới 650 USD/1 tấn, cao hơn 1,5 lần so với mỗi tấn gạo xuất khẩu của Việt Nam. Chương trình trợ giá gạo đang tạo ra một gánh nặng về chi phí, hơn 40%, đối với gạo xuất khẩu của Thái Lan.


Ai được lợi thực sự từ chương trình này?


Việc chi phí đội thêm 40% chính là lý do khiến Thái Lan lỗ 136 tỷ bạt trong chương trình trợ giá gạo. Chương trình này thu hút 5 đối tượng tham gia là người nông dân, chủ cơ sở xay xát, quan chức chính quyền, nhà xuất khẩu và chính trị gia. Nông dân Thái Lan được xác định là những người đầu tiên được hưởng lợi nếu không họ đã không đe dọa tổ chức biểu tình khi Chính phủ muốn điều chỉnh giá thu mua ngay trong năm nay.


Ủy ban chính sách gạo quốc gia Thái Lan vừa công bố một tài liệu nghiên cứu về những lợi ích của người nông dân khi tham gia chương trình, trong đó nói rằng nó đã giúp tăng thêm thu nhập 184 tỷ bạt cho người nông dân. Chương trình cũng đã góp phần giảm nghèo cho khoảng 15-18 triệu nông dân (khoảng 3,7 triệu hộ gia đình), với thu nhập trung bình mỗi hộ 4 người vào khoảng 24.795 bạt/1 tháng.


Chủ cơ sở xay xát được lợi nhờ thu phí cất giữ, xay xát và đánh bóng gạo. Ngoài ra, họ còn được thêm những khoản tiền từ bán cám gạo và vỏ trấu. Quan chức chính quyền là người làm công ăn lương và thường bị dư luận cho là những người tham nhũng bởi họ chỉ cần "lờ đi" quá trình thu mua gạo là có thể hưởng lợi. Nhà xuất khẩu cũng có thể có lợi nếu người ta muốn giải phóng như kho bãi với giá bán thấp để nhập gạo mới thu hoạch.


Riêng chính trị gia là những trường hợp đặc biệt đang hưởng lợi từ sự ủng hộ của người nông dân và tất cả những đối tượng tham gia chương trình. Hiện tại, các chính trị gia của đảng Vì nước Thái đang mắc kẹt trong chương trình này. Để ngăn chặn thua lỗ hơn nữa, họ sẽ làm người nông dân nổi giận vì việc giảm giá thu mua. Nhưng để chiều lòng những cử tri chiếm phần đông dân số này, thì nhà nước sẽ phải chịu thua lỗ thêm nữa.


Tuy nhiên, việc thua lỗ tới 136 tỷ không phải là chuyện đùa và nhiệm vụ của tân Bộ trưởng Thương mại Nivatthamrong Boonsongpaisal trong thời gian tới sẽ là rất khó khăn.



Bài, ảnh:Hà Linh (P/v TTXVN tại Thái Lan)

Thái Lan “tiến thoái lưỡng nan” với chương trình trợ giá gạo

Chính phủ Thái Lan đã quyết định tiếp tục chương trình trợ giá gạo bất chấp cái giá phải trả là hàng tỷ USD thua lỗ và sinh mệnh chính trị của một bộ trưởng.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN