Chính phủ Thái Lan đã quyết định tiếp tục chương trình trợ giá gạo bất chấp cái giá phải trả là hàng tỷ USD thua lỗ và sinh mệnh chính trị của một bộ trưởng. Điều này cho thấy dường như các nhà làm chính sách đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, không dễ gì tìm lối thoát cho ngành xuất khẩu gạo vốn là thế mạnh của nước này
Được bắt đầu cách đây 2 năm, tới nay chương trình trợ giá của Thái Lan đã bỏ ra 490 tỷ bạt để thu mua lượng thóc tương đương 15,16 triệu tấn gạo. Sau khi bán ra, mỗi kg gạo Thái bị lỗ khoảng 22,12 bạt (15.000 đồng VN). Tổng cộng trong hai vụ 2011 và 2012, Thái Lan đã bị lỗ 136 tỷ bạt (4,5 tỷ USD). Vụ năm nay con số thua lỗ có khả năng tăng thêm 100 tỷ bạt nữa.
Ngoài ra, nếu cứ mua vào mà không xuất khẩu được thì các kho bãi sẽ không còn chỗ chứa, dẫn đến chất lượng gạo bị giảm sút. Chưa hết, giá cao ảnh hưởng mạnh tới khả năng cạnh tranh của gạo Thái trên thị trường quốc tế, khiến vị trí số một thế giới về xuất khẩu gạo mà nước này nắm giữ nhiều năm đã rơi vào tay các đối thủ. Đó còn là chưa kể đến các vấn đề khác, chẳng hạn nông dân ít đầu tư cho khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, tình trạng gạo nhập lậu gia tăng, nông dân các lĩnh vực khác ghen tị với người trồng lúa... Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s đã dọa đánh tụt hạng nền kinh tế Thái Lan nếu không giải quyết được các vấn đề này. Những bức xúc cộng dồn khiến Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom hôm 30/6 vừa qua đã bị Thủ tướng Yingluck Shinawatra cách chức.
Vấn đề nằm ở chỗ chương trình trợ giá gạo được chính phủ Thái Lan thực hiện theo cam kết lúc tranh cử của Thủ tướng Yingluck. Mục đích của chương trình này là nhằm nâng cao đời sống cho những người trực tiếp làm ra hạt gạo - một phần trong chính sách dân túy của bà Yingluck. Tuy nhiên, đằng sau nó là ý định thao túng thị trường gạo thế giới. Với vị thế là nhà xuất khẩu lớn, chính phủ Thái Lan mua gạo của nông dân “găm” trong kho để tạo thiếu hụt nguồn cung, đợi thị trường lên giá rồi mới bán ra. Không ngờ nguồn cung ngay lập tức được bù đắp bởi các nước xuất khẩu lớn như Việt Nam và Ấn Độ.
Để giảm gánh nặng chi phí, chính phủ Thái Lan đã quyết định duy trì nhưng thu hẹp dần chương trình trợ giá, bằng cách giảm giá thu mua xuống còn 15.000 bạt/tấn cho tới hết vụ năm nay, và giảm còn 13.000 bạt/tấn trong năm tới. Rõ ràng, Thái Lan đã ở vào thế “đi không được, ở không xong”, bởi nếu rút lại họ sẽ đối mặt với làn sóng biểu tình của nông dân trồng lúa, những người cho rằng chính sách này thất bại chủ yếu là do tham nhũng và tư thương trục lợi. Còn nếu tiếp tục thì không biết khả năng tài chính sẽ cho phép cầm cự đến bao giờ.
Thành Vinh