Theo nhận định của Pascal Boniface - chuyên gia người Pháp và hiện là Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) - việc Mỹ cô lập Iran sẽ khiến Trung Quốc và Nga được hưởng lợi.
Trong ngày đầu tiên khai mạc khóa họp Đại Hội đồng (ĐHĐ) LHQ, ngày 25/9, Tổng thống Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã âm thầm "đọ sức" với nhau thông qua 2 bài diễn văn chỉ cách nhau vài giờ. Washington kêu gọi cộng đồng quốc tế cô lập Tehran, còn Iran lên án Mỹ muốn thay đổi chế độ tại nước Cộng hòa Hồi giáo này. Ngày hôm sau (26/9), khi chủ trì cuộc họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ ban hành những biện pháp trừng phạt “cứng rắn hơn bao giờ hết nhằm vào Iran”.
Trước mắt, đa số các thành viên HĐBA LHQ không mấy hưởng ứng lời kêu gọi quốc tế cô lập Iran mà Trump nêu ra. Nga, một đồng minh của Iran, qua lời Ngoại trưởng Sergei Lavrov đáp trả: “Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 là một mối đe dọa đối với Hiệp định Chống Phổ biến Vũ khí Hạt nhân”.
Hai thành viên thường trực khác trong HĐBA LHQ là Anh và Pháp - những đồng minh then chốt của Mỹ - cũng không tán thành quan điểm của Washington về vấn đề hạt nhân Iran. Thủ tướng Anh Theresa May cho rằng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ký tại Vienna giữa Iran và 5 nước thành viên thường trực HĐBA cùng với Đức là “phương tiện tốt nhất để ngăn ngừa Iran phát triển vũ khí hạt nhân”.
Theo chuyên gia Pascal Boniface, Tổng thống Mỹ chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran bởi ông nổi tiếng là người có quan điểm cứng rắn với Tehran. Ông Trump cũng ý thức được rằng một phần công luận Mỹ vẫn căm ghét Iran kể từ năm 1979 và từ sau vụ bắt con tin Mỹ tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran. Tổng thống Trump cũng biết rằng Iran là một quốc gia thù nghịch với Israel, đồng minh thân cận nhất của Washington ở Trung Đông. Thêm vào đó, Tổng thống Trump tố cáo Iran gây bất ổn ở Trung Đông. Washington quy trách nhiệm cho Teheran từ cuộc khủng hoảng ở Yemen đến việc Iran hậu thuẫn chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Chuyên gia Pascal Boniface cho rằng Tổng thống Trump sẽ không đối xử với Iran giống như với Triều Tiên bởi nhiều lý do. Thứ nhất, trong vấn đề Iran, ông chủ Nhà Trắng còn phải tính tới chiến lược của Mỹ ở khu vực. Điều đó liên quan tới chính sách của Mỹ đối với Saudi Arabia, mối liên hệ đồng minh giữa Mỹ và Israel. Thứ hai, đối với ông Trump, bài toán Triều Tiên dễ giải hơn.
Theo Pascal Boniface, Iran đã bắt đầu chiến thuật công kích, tố cáo các nước thù nghịch dùng lá bài khủng bố đe dọa Tehran. Nước này cũng lên án Mỹ có chính sách thù nghịch đối với Iran, tố cáo Washington không tôn trọng luật pháp quốc tế. Tổng thống Rouhani khẳng định Iran tuân thủ hiệp định hạt nhân ký với nhóm P5+1, đồng thời tuyên bố Iran sẽ chứng minh rằng chính Mỹ mới là yếu tố đe dọa an ninh khu vực. Chuyên gia người Pháp nói: "Tôi nghĩ Tổng thống Rouhani sẽ tạo cho Iran một hình ảnh tốt, hình ảnh của một quốc gia yên bình nhưng lại bị kẻ thù đe dọa".
Ông Pascal Boniface đánh giá việc Tổng thống Trump liên tục "tấn công Iran" sẽ không mang lại lợi ích cho Mỹ, mà ngược lại, Washington càng muốn cô lập Teheran, điều đó lại càng có lợi cho Nga và Trung Quốc. Nói cách khác, Mỹ đang đẩy Iran xích lại gần Nga và Trung Quốc hơn.
Trên thực tế, mối quan hệ Nga-Iran chủ yếu chỉ dừng lại ở mối liên minh giữa Teheran với Moskva tại Syria. Còn với Trung Quốc, chính nước này mới là người thắng trong "ván bài cân não" này. Trung Quốc ngày càng có quan hệ mật thiết hơn với Iran. Iran có nguồn dầu lửa mà Trung Quốc đang cần. Trong khi đó, Iran cần nguồn vốn đầu tư mà Trung Quốc thì thừa sức đáp ứng nhu cầu của Teheran. Ông nhấn mạnh: "Đây hẳn không phải là một tin vui đối với các nước phương Tây".