Tuy nhiên, nỗ lực đó dường như đã thất bại sau cuộc họp quan trọng ngày 5/10 của OPEC +, nhóm các nhà sản xuất dầu quốc tế bao gồm cả Nga, với thông báo cắt giảm đáng kể sản lượng khai thác dầu trong nỗ lực tăng giá dầu. Diễn biến này có thể sẽ khiến giá xăng ở Mỹ tăng lên vào thời điểm "nhạy cảm" với chính quyền Tổng thống Biden khi chỉ còn 5 tuần là đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Vào sáng 5/10, các bộ trưởng dầu mỏ OPEC+ họp tại Vienna đã đồng ý cắt giảm sản lượng thậm chí lớn hơn cả mức mà Nhà Trắng đã lo ngại, với 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11. Các bộ trưởng giải thích quyết định cắt giảm là cần thiết "do sự bất ổn đang bao vây triển vọng kinh tế và thị trường dầu mỏ toàn cầu".
Cùng ngày, Tổng thống Joe Biden phát biểu rằng ông “lo ngại” về quyết định cắt giảm mà ông cho là “không cần thiết”.
Theo đài CNN, trong nhiều ngày qua, các quan chức chính sách năng lượng, kinh tế và đối ngoại cấp cao nhất của ông Biden đã tranh thủ vận động các đồng minh Trung Đông của, bao gồm Kuwait, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), bỏ phiếu phản đối cắt giảm sản lượng dầu. Nhưng rốt cuộc, quyết định cắt giảm hôm 5/10 là mức lớn nhất kể từ đầu đại dịch COVID-19 và có thể khiến giá dầu tăng đột biến.
Văn bản được Nhà Trắng chuyển tới Bộ Tài chính hôm 3/10 mà CNN thu thập được, đã đề cập khả năng cắt giảm sản lượng dầu là một “thảm họa toàn diện” và cảnh báo đây có thể bị coi là một “hành động thù địch”.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Nhà Trắng đang “co thắt và hoảng sợ”, đồng thời mô tả nỗ lực mới nhất của chính quyền giống như “tháo găng tay”.
Với Tổng thống Biden, việc cắt giảm mạnh sản lượng dầu không thể đến vào một thời điểm tồi tệ hơn. Chính quyền Mỹ trong nhiều tháng qua đã xúc tiến nỗ lực chính sách đối nội và đối ngoại tích cực nhằm giảm giá năng lượng vốn đã tăng cao do xung đột ở Ukraine. Nỗ lực đó đã mang lại thành quả tích cực với việc giá xăng Mỹ đã giảm trong gần 100 ngày liên tiếp.
Nhưng khi chỉ còn một tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng, giá xăng ở Mỹ đã bắt đầu tăng trở lại, gây ra rủi ro chính trị mà Nhà Trắng đang cố gắng hết sức để tránh. Tin tức về một quyết định lớn của OPEC+ đã đặt ra một thách thức đặc biệt nghiêm trọng.
Amos Hochstein, đặc phái viên năng lượng hàng đầu của Tổng thống Mỹ, đã đóng vai trò dẫn đầu trong nỗ lực vận động hành lang quy mô lớn nhằm tránh việc OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu. Hochstein cùng với quan chức an ninh quốc gia hàng đầu Brett McGurk và đặc phái viên Mỹ tại Yemen, Tim Lenderking, đã đến Jeddah (Saudi Arabia) vào cuối tháng 9 để thảo luận về một loạt các vấn đề an ninh và năng lượng.
Các quan chức trong nhóm kinh tế và chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ cũng liên hệ với các chính phủ OPEC trong nỗ lực ngăn cản cắt giảm sản lượng.
Nhà Trắng đã yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đích thân đưa vấn đề tới một số bộ trưởng tài chính các nước Vùng Vịnh, như Kuwait, UAE, và cố gắng thuyết phục họ rằng việc cắt giảm sản lượng sẽ gây tổn hại cực lớn cho nền kinh tế toàn cầu.
Phía Mỹ lập luận rằng về lâu dài, việc cắt giảm sản lượng dầu sẽ tạo ra nhiều áp lực giảm giá hơn - điều ngược lại với những gì mà quyết định cắt giảm có thể làm được trước mắt. Logic của Washington là "cắt giảm ngay bây giờ sẽ làm tăng rủi ro lạm phát", dẫn đến lãi suất cao hơn và cuối cùng là nguy cơ suy thoái lớn hơn.
Theo CNN, một quan chức cấp cao của Mỹ thừa nhận rằng chính quyền đã vận động liên minh do Saudi dẫn đầu trong nhiều tuần để cố gắng thuyết phục họ không cắt giảm sản lượng dầu.
Quyết định của OPEC+ diễn ra chưa đầy 3 tháng sau khi Tổng thống Joe Biden đến Saudi Arabia, gặp gỡ Thái tử Mohammed bin Salman trong một chuyến đi xuất phát từ mong muốn thuyết phục Riyadh tăng sản lượng dầu.
Một quan chức ngoại giao trong khu vực mô tả chiến dịch của Mỹ nhằm ngăn chặn cắt giảm sản lượng đã nhấn mạnh bối cảnh nền kinh tế yếu kém, cộng với ảnh hưởng của cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Một nguồn tin thân cận cho biết một cuộc gọi đã được lên kế hoạch với UAE nhưng nỗ lực này bị từ chối. Đại sứ quán UAE đã từ chối bình luận, và đại sứ quán Saudi Arabia có phản ứng tương tự khi được CNN hỏi về vấn đề này.
Về mặt công khai, Nhà Trắng đã thận trọng tránh nhắc đến khả năng cắt giảm sản lượng mạnh sản lượng dầu trước cuộc họp của OPEC+. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên hôm 3/10 rằng: “Chúng tôi không phải là thành viên của OPEC +, và vì vậy tôi không muốn nói trước những gì có thể xảy ra từ cuộc họp đó”. Bà Jean-Pierre lưu ý Mỹ vẫn "thực hiện mọi bước đi để đảm bảo các thị trường được cung cấp đủ nhằm đáp ứng nhu cầu cho một nền kinh tế toàn cầu đang phát triển."
Trong các cuộc thảo luận của Nhà Trắng với Bộ Tài chính Mỹ, một đề xuất đã được đưa ra là nếu OPEC+ quyết định phản đối cắt giảm trong tuần này, Mỹ sẽ thông báo mua lại lên tới 200 triệu thùng để nạp vào Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR). Mỹ đã xả kho SPR trong năm nay để giúp giảm giá dầu.
Quan chức cấp cao của Mỹ cho biết chính quyền đã nói rõ với OPEC + trong nhiều tháng qua rằng Mỹ sẵn sàng mua dầu của OPEC để bổ sung cho SPR. Quan chức này giải thích ý tưởng này là nhằm truyền đạt cho OPEC + rằng Mỹ "sẽ không để họ bị treo cổ" nếu vẫn giữ sản lượng, và do đó, giá sẽ không giảm cả khi nhu cầu toàn cầu giảm.
Tất nhiên, những nỗ lực của Mỹ đến phút chót đã không thành.