Trung Quốc chạy đua giành lợi thế chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 với Mỹ

Trung Quốc tuyên bố đang đạt được tiến bộ vững chắc với chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 trong một diễn biến có thể làm nghiêng cán cân sức mạnh trên không ở Thái Bình Dương về phía Bắc Kinh nếu Mỹ không theo kịp chương trình của đối thủ.

Chú thích ảnh
Mỹ đã hạ thấp những tiến bộ của máy bay chiến đấu Trung Quốc nhưng cán cân sức mạnh không quân ở Thái Bình Dương có thể đã thay đổi theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Trong ảnh là hình đồ họa về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Trung Quốc. Ảnh: Tactical Report

Theo trang Asiatimes, mặc dù hiện nay không có định nghĩa nào thống nhất về những gì cấu thành máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, nhưng loại máy bay này có thể sẽ có các công nghệ tiên tiến và mới nổi như thiết kế mô đun, máy học, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo và tùy chọn có/không người lái.

Một bài báo đăng tháng 9 trên tạp chí Lực lượng Hàng không và Vũ trụ đề cập rằng Trung Quốc đang nỗ lực phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 nhằm đáp trả chương trình Thống lĩnh Hàng không Thế hệ tiếp theo (NGAD) của Mỹ. Theo Tướng Mark Kelly, người đứng đầu Bộ Chỉ huy tác chiến đường không (ACC) của Không quân Mỹ, nỗ lực của Trung Quốc phản chiếu cùng cách tiếp cận “Hệ thống của hệ thống” như của Không quân Mỹ.

Tại Hội nghị Hàng không, Không gian và Mạng thường niên của Không quân Mỹ vào tháng 9 năm nay, Tướng Kelly lưu ý rằng Trung Quốc đã nhận thấy sự thống trị của không quân thế hệ thứ 6 nhờ sự gia tăng theo cấp số nhân của việc giảm dấu vết, tăng sức mạnh xử lý và khả năng cảm biến, năng lực sử dụng hệ thống sứ mạng mở và lập trình lại.

Ông Kelly tuyên bố rằng Mỹ dẫn đầu với khoảng cách rất hẹp trong phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 6, nhấn mạnh rằng Washington có thể chỉ nắm được ưu thế thế hệ thứ 6 hơn một tháng trước đối thủ của mình bởi Trung Quốc đang tập trung vào đạt được những năng lực tương tự.

Trên trang Warzone, tác giả Thomas Newdick cũng lưu ý rằng Trung Quốc đã có được máy bay chiến đấu hạng nặng Su-27 của Nga và đã sử dụng những chiếc phi cơ này để tạo ra những bản sao cải tiến. Ông Newdick nhấn mạnh việc Trung Quốc mua Su-27 của Nga cho phép nước này tạo ra những “bản sao” cải tiến J-15 và J-16.

Chú thích ảnh
Máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc bay theo đội hình tại một triển lãm hàng không. Ảnh: China Daily

Hơn nữa, việc Trung Quốc mua Su-35 của Nga cũng cho phép nước này hiểu rõ hơn các công nghệ của thế hệ thứ 5 như động cơ vectơ lực đẩy, hệ thống tác chiến điện tử và vũ khí.

Do đó, việc Trung Quốc sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ 5 J-20 làm cơ sở công nghệ cho máy bay chiến đấu thế hệ 6 là điều hoàn toàn hợp lý.

Ngoài ra, trang Asia Times trước đây cũng đưa tin rằng J-20 trong tương lai có thể được nâng cấp với các công nghệ có trong máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 như vũ khí năng lượng dẫn đường hoặc năng lực tùy chọn có người lái.

Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy của Trung Quốc có thể bị cản trở bởi những hạn chế trong sản xuất động cơ phản lực. Các mẫu máy bay của Bắc Kinh được cho là có tuổi thọ ngắn và năng lượng điện thấp. Do đó, Trung Quốc hiện đang phụ thuộc vào động cơ của Nga để dùng cho máy bay chiến đấu J-20, đồng nghĩa với một lỗ hổng về công nghệ và chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương ở một trong những máy bay quân sự tiên tiến nhất của họ.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể đã gần giải quyết được vấn đề động cơ phản lực của mình. Vào tháng 3/2022, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin rằng chiếc J-20 của Trung Quốc đã được thử nghiệm với động cơ phản lực cánh quạt đốt sau WS-15 mới, giúp tăng khả năng cơ động và chiến đấu.

Bài báo cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ thay thế toàn bộ động cơ AL-31F của Nga được trang bị cho J-20 bằng động cơ WS-15 sản xuất trong nước. Điều này có thể đồng nghĩa với việc Trung Quốc ngày càng tin tưởng vào phương pháp luyện kim và chế tạo động cơ phản lực của họ.

Tướng Kelly lưu ý rằng cách tiếp cận gia tăng này có thể cho phép Trung Quốc chuyển đổi dễ dàng hơn từ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 sang thứ 6. Ngược lại, các chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Mỹ và Anh lại nhắm mục tiêu đi trước máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Trung Quốc và Nga.

Chú thích ảnh
Mỹ đang tin tưởng F-35 có thể thống trị kỷ nguyên mới của chiến tranh. Ảnh: Không quân Mỹ

Tuy nhiên, Tiến sĩ Brent Eastwood, chuyên gia người Mỹ về an ninh quốc tế, rủi ro địa chính trị, quân sự và các mối đe dọa mới, lại có cái nhìn hoài nghi về chiến đấu cơ thế hệ thứ 6. Ông đặt câu hỏi liệu chúng có cần thiết cho chiến tranh hiện đại hay không, và lưu ý rằng F-35 đã là một chương trình quốc tế và năng lực của nó có thể khiến Mỹ không cần đến chiến đấu cơ thế hệ thứ 6.

Ông Eastwood cũng đề cập rằng mặc dù có rất nhiều khái niệm về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, nhưng những chiếc máy bay như vậy có thể chỉ mang đén những cải tiến nhỏ so với thế hệ thứ 5 trong khi chi phí chế tạo lại rất lớn.

Chuyên gia này lưu ý rằng các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Mỹ như F-35 có lẽ đã đủ để đạt được ưu thế trên không, và sẽ khôn ngoan hơn nếu mua nhiều khung máy bay như vậy thay vì phát triển một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 hoàn toàn mới.

Hiện tại Mỹ vẫn tự tin vào vị thế dẫn đầu về công nghệ máy bay chiến đấu. Hồi tháng 9, Tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương của Không quân Mỹ, Tướng Kenneth Wilsbach tuyên bố rằng phi đội chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc “không có gì đáng để mất ngủ”. Ông cũng lưu ý rằng Mỹ quan sát chặt chẽ cách Trung Quốc sử dụng J-20.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asiatimes)
Vì sao chiến đấu cơ F-35 thắng lớn ở châu Âu
Vì sao chiến đấu cơ F-35 thắng lớn ở châu Âu

Bốn năm qua đã chứng tỏ hiệu quả lớn đối với “người khổng lồ” vũ khí Mỹ Lockheed Martin ở châu Âu, khi sáu quốc gia đã mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 do họ sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN