Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Thái Lan Prem Tinsulanonda tại Bangkok ngày 29/8/2011. Ảnh: EPA/TTXVN |
Vậy nhân vật này là ai, và ở độ tuổi 96, ông có thể làm gì với vai trò hiện nay của mình?
Tuổi tác của vị "quan nhiếp chính" này khiến dư luận quốc tế không khỏi lo lắng cho đất nước Thái Lan, song thực tế ông Prem là người nhanh nhẹn và hoạt bát một cách đáng kinh ngạc so với tuổi thực, khi ông vẫn thường xuyên tham dự các cuộc họp hoàng gia, có các bài phát biểu và tự mình di chuyển mà không cần sự trợ giúp. Việc ông đảm nhiệm vai trò tạm thời lãnh đạo nền quân chủ có sức ảnh hưởng và được người dân tôn sùng càng củng cố thêm vị thế của ông - một trong những nhân tố quyền lực và nhạy bén nhất trên chính trường nhiều bất ổn của Thái Lan.
Sinh năm 1920 tại tỉnh miền Nam Songkhla, ông Prem Tinsulanonda đã nhập ngũ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và được thăng cấp hơn nhiều đồng nghiệp có thâm niên cao hơn để trở thành Tổng Tư lệnh quân đội Thái Lan. Hai năm sau, ông trở thành Thủ tướng Thái Lan sau một cuộc đảo chính được cho là có sự hậu thuẫn của Nhà vua và Hoàng hậu Thái Lan. Tám năm làm thủ tướng của ông từ 1980-1988 là giai đoạn hiếm hoi Thái Lan sống trong thời kỳ chính trị và kinh tế ổn định, trái ngược với những năm hỗn độn với các vụ đảo chính và đàn áp. Sau đó, ông Prem nắm chức Chủ tịch Hội đồng Cơ mật, trở thành người cố vấn và bảo hộ thân cận nhất của Nhà vua Bhumibol Adulyadej, người vừa qua đời hôm 13/10 sau 70 năm trị vì.
Sự thay đổi ngai vị trong các vương triều Thái Lan trước đây thường kích động những giai đoạn bất ổn nghiêm trọng khi các hoàng tử cạnh tranh nhau để giành ngôi vương. Đến năm 1924, luật kế vị và Hiến pháp Thái Lan đã được cải tổ để thay đổi điều này với việc trao quyền nhiếp chính cho Chủ tịch Hội đồng Cơ mật trong giai đoạn chờ vị vua mới lên ngôi.
Cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam đã trấn an người dân Thái Lan rằng việc ông Prem đảm nhận vai trò nhiếp chính chỉ là tạm thời và điều này xảy ra là do Hoàng Thái tử Vajiralongkorn mong muốn có thời gian để tang vua cha và có những chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi chính thức đăng cơ.
Nhà Vua Bhumibol là vị vua duy nhất mà đa số người dân Thái Lan hiện nay biết đến và ông được tôn sùng như một chỗ dựa tinh thần tại đất nước luôn chìm trong chia rẽ chính trị và giai cấp này. Vì thế, cái chết của ông chắc hẳn sẽ khiến hàng triệu người dân đau buồn và lo lắng, và sự trì hoãn việc đăng cơ của người kế vị ông cũng không làm nguôi ngoai nỗi buồn này.
Giới lãnh đạo quân sự Thái Lan đã thừa nhận những lo ngại đó khi Thủ tướng Prayut Chan O-cha hôm 15/10 vừa qua cho biết Hoàng Thái tử đã nói với ông rằng người dân Thái Lan không nên “lo lắng hay băn khoăn về việc cai trị đất nước cũng như sự kế vị” của ông.
Hoàng Thái tử đã bày tỏ rõ mong muốn của mình là sẽ đăng cơ vào một “thời điểm thích hợp” sau khi để tang vua cha, song hiện vẫn chưa rõ giai đoạn này sẽ kéo dài bao lâu. Thủ tướng Prayut Chan O-cha cho biết việc đăng cơ sẽ diễn ra sau khi lễ hỏa táng và các nghi thức tôn giáo hoàn tất, song chưa có kế hoạch cụ thể. Hiện vị Hoàng Thái tử đã nhiều năm không tham gia việc triều chính này vẫn chưa thể có được sự tín nhiệm rộng rãi như vua cha của mình.
Về phần mình, ông Prem Tinsulanonda đã củng cố được vai trò Chủ tịch Hội đồng Cơ mật với tư cách là người bảo hộ cho chế độ quân chủ nhờ có mối quan hệ đặc biệt với Nhà vua quá cố. Paul Chambers, một chuyên gia về quân đội Thái Lan, nói với AFP: “Ông ấy không chỉ có khả năng đưa quân đội trở thành một bộ máy hoạt động phục vụ chế độ quân chủ, mà còn giúp quân đội duy trì vai trò của một thể chế quyền lực trên chính trường Thái Lan”. Theo ông Chambers, kể từ khi chế độ quân chủ chuyên chế kết thúc vào năm 1932, quốc gia này đã chứng kiến tới 12 cuộc đảo chính quân sự. Ông Prem chính là người lên kế hoạch hoặc gián tiếp thực hiện 5 trong số các cuộc đảo chính này.
Ông Prem được cho là có mối quan hệ thù ghét với cựu Thủ tướng Thaksin, người được tầng lớp nông dân và người nghèo Thái Lan yêu quý, đặc biệt ở khu vực nông thôn miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan, và đã bị lật đổ sau cuộc đảo chính năm 2006. Ông Thaksin từng giành được chiến thắng vang dội để trở thành Thủ tướng Thái Lan, song bị giới lãnh đạo quân sự ghét bỏ vì coi ông là một kẻ tham nhũng theo đường lối dân túy, là mối đe dọa đến nền tảng quyền lực của họ.
Pavin Chachavalpongpun, một chuyên gia chính trị người Thái Lan tại trường Đại học Kyoto, Nhật Bản, cho biết “Thaksin là ‘mối đe dọa số 1” đối với hoàng tộc và chính ông Prem là người đã hỗ trợ việc lật đổ Thaksin vào năm 2006. Trong 8 năm sau đó, Thái Lan đã chìm trong các cuộc đấu đá chính trị, kể cả bạo lực chết người, xung đột giữa những người ủng hộ gia đình Shinawatra và giới lãnh đạo quân đội hoàng gia, và kết cục là cuộc đảo chính đưa ông Prayut lên làm Thủ tướng cầm quyền.
Giới tướng lĩnh nói rằng họ hành động như vậy là để khôi phục ổn định, song giới phân tích lại cho rằng ở một chừng mực nào đó, cuộc đảo chính này chính là một động thái nhằm đảm bảo cho quân đội nắm giữ quyền kiểm soát trong giai đoạn kế vị của hoàng gia Thái Lan.