Canh bạc nguy hiểm của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS

Mặc dù là thành viên chính thức của NATO, nhưng cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn im lặng trước những yêu cầu cấp bách của phương Tây yêu cầu Ankara mở cửa biên giới với Syria để hỗ trợ cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq (IS) tự xưng, trong bối cảnh thành phố Kobane của người Kurd ở miền Bắc Syria đang bị IS vây hãm. 

Hiện tại, Ankara đã triển khai xe tăng đến sát biên giới Syria và cho phép binh sĩ Mỹ hiện diện tại căn cứ Incirlik ở miền Nam, tuy nhiên, trên thực tế, những xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chỉ "đứng nhìn" cuộc giao tranh ác liệt đang diễn ra ở thị trấn chiến lược trên và quân đội Mỹ vẫn không được phép sử dụng căn cứ này tấn công trực tiếp IS. 

Xe tăng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ áp sát biên giới với Syria, gần thị trấn Kobane.


Thái độ lưỡng lự trên của Ankara có thể xuất phát từ một số lợi ích tương đồng với các phần tử Hồi giáo, cụ thể là có chung "kẻ thù" là chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và chính quyền tự trị người Kurd. Với Syria, bất hòa ban đầu xuất phát ở vấn đề lãnh thổ, khi Syria tuyên bố sáp nhập một tỉnh biên giới cực Nam Thổ Nhĩ Kỳ do Pháp bảo hộ nhượng lại trong lịch sử. 

Sau đó, mâu thuẫn gia tăng liên quan đến các vấn đề tư tưởng do biên giới hai nước đã trở thành một trong những ranh giới phân định Tây và Đông thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã là thành viên NATO, trong khi Syria chịu ảnh hưởng lớn của Liên Xô. Mặt khác, nước này coi mối đe dọa từ các phần tử ly khai Đảng Lao động người Kurd (PKK) nghiêm trọng hơn mối đe dọa từ IS. Ankara không muốn thắng lợi của người Kurd ở Kobane sẽ trở thành biểu tượng cho sự kháng chiến ly khai và từ đó mở ra cơ hội tự trị cho người Kurd Syria đang theo gương người Kurd Iraq.

Bất luận thế nào thì Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bị phương Tây chỉ trích vì đã nhắm mắt làm ngơ trước hoạt động của IS trên lãnh thổ của mình và các động thái khác được coi là "ủng hộ" IS. Do đó, Ankara đã cam kết với phương Tây cho phép quân đội tham gia một chiến dịch quân sự tiềm tàng chống IS ở Iraq và Syria, và mở đường cho quân đội nước ngoài đồn trú trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Đầu tháng 10, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua kiến nghị cho phép nước này tham gia liên minh quốc tế chống IS, cụ thể là cho phép quân đội can thiệp vào Syria, Iraq và quân đội nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ. 

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ đương nhiên trở thành một phần của các chiến dịch tấn công IS trên không và trên bộ. Chính Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã khẳng định: "Chúng ta sẵn sàng cộng tác chống chủ nghĩa khủng bố, nhưng thế giới cũng cần biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tham gia vào việc tìm kiếm các giải pháp lâm thời". Đối với Ankara, hai ưu tiên hàng đầu là sự sụp đổ của chế độ Bashar al-Assad và tránh xa kịch bản tự trị của người Kurd Syria.

Những động thái trên của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Phó Tổng thống Mỹ Biden mới đây bất ngờ tiết lộ sự thật khi ông cáo buộc các đồng minh của nước này trong khu vực đang chơi trò nước đôi - ủng hộ các tay súng thánh chiến ở Iraq và Syria, sau đó tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu chống lại IS. Mặc dù ông Biden đã xin lỗi các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất  và Saudi Arabia, nhưng lời cáo buộc trên có vẻ là đúng.

Cột khói bốc lên sau các cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm vào IS ở thị trấn Kobane.


Bị tố cáo đã ủng hộ, thậm chí trang bị vũ khí cho các phiến quân cực đoan nhất trong cuộc chiến chống chế độ Assad ở Syria, và lẩn khuất trong đó có cả tổ chức mang tên Nhà nước Hồi giáo (IS), Ankara từ lâu đã biện minh cho việc từ chối can thiệp (để tấn công IS) là do sự cần thiết phải bảo vệ 46 con tin người nước này bị IS bắt giữ. Tuy nhiên, ngay sau khi những người này được thả vào hôm 20/9 vừa rồi, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức tuyên bố có thể gia nhập cuộc chiến chống các tay súng thánh chiến ở Syria. 

Quyết định hợp tác với Mỹ và gia nhập “liên minh tự nguyện” của ông Erdogan là kết quả của cuộc tấn công ngoại giao từ Mỹ, mà đỉnh điểm là cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ Obama với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, với cam kết mục tiêu số một là thay đổi chế độ ở Damascus của Tổng thống Bashar al-Assad, sau đó mới là truy quét IS. Mỹ cũng cam kết giúp tái tổ chức và ủng hộ phe đối lập Syria (thân Thổ Nhĩ Kỳ) để có thể thành lập một chính phủ thay thế, trước mắt sẽ thành lập và huấn luyện các đơn vị quân sự mới của phe đối lập Syria ngay trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, để trở thành hạt nhân của một quân đội Syria mới. Và đương nhiên, cam kết này rất làm vừa lòng Ankara, vì thế ông Erdogan đã ngay lập tức ghi tên mình vào “liên minh tự nguyện” chống khủng bố của Mỹ. 

Tuy vậy, người Mỹ vẫn hiểu rằng những hành động dã man của IS chống các dân quân người Kurd lại chính là điều Thổ Nhĩ Kỳ đang trông đợi, bởi từ nhiều thập kỷ nay nước này luôn phải đối mặt với cộng đồng thiểu số người Kurd “ương ngạnh và khó bảo” của mình, nay bỗng xuất hiện IS chống lại cộng đồng đó, đương nhiên Thổ Nhĩ Kỳ là bên kiếm lợi mà không mất một xu. Vì thế, Washington thừa biết tuy cam kết như vậy, nhưng trên thực tế, xét trên phương diện nào đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn muốn IS mạnh lên để đánh đuổi hết người Kurd. 

Chiến lược hai mặt này của ông Erdogan đương nhiên là rất mạo hiểm đối với cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ tính riêng việc hiện có khoảng 1.000 người Thổ Nhĩ Kỳ đang cầm súng trong hàng ngũ IS, bất cứ người nào trong số đó cũng có thể được sử dụng để gây ra các vụ khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ và gây nguy hiểm cho ngành công nghiệp du lịch mang về trên 35 tỷ USD cho nước này mỗi năm. Trong trường hợp ngược lại, nếu không mặn mà với cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, chắc chắn chính phủ của ông Erdogan sẽ không đủ sức để chống chọi với các loại sức ép đến từ Washington và các đồng minh phương Tây của Mỹ.


Công Thuận (Tổng hợp)
Không kích khiến IS giảm nguồn thu từ dầu mỏ
Không kích khiến IS giảm nguồn thu từ dầu mỏ

Trong tháng 6, những phần tử Hồi giáo cực đoan này đã kiếm được khoản tiền khổng lồ từ 1-3 triệu USD mỗi ngày bằng việc bán dầu ra thị trường chợ đen, biến chúng trở thành một trong những nhóm khủng bố giàu nhất lịch sử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN