Căng thẳng Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ: Giọt nước tràn ly

Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trong vài ngày đã leo thang đến mức chưa từng có tiền lệ, khi hai bên ngừng cấp thị thực không định cư cho công dân của nhau, thậm chí Ankara lần đầu tiên trong lịch sử không công nhận Đại sứ Mỹ.

Có vẻ những gì đang diễn ra giữa hai nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” trong một mối quan hệ phức tạp với những xung đột lợi ích khó tháo gỡ. Cuộc khủng hoảng thị thực giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay chủ yếu xoay quanh giáo sĩ Hồi giáo người Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen, 75 tuổi, đang sống lưu vong tại bang Pennsylvania, người bị Ankara cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ, sự kiện đẩy quan hệ hai nước trượt dần theo chiều hướng xấu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa, phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (giữa, trái) trong cuộc gặp ở New York, Mỹ ngày 21/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Ankara nhiều lần đề nghị Mỹ dẫn độ Giáo sĩ Gulen về nước, song không được Washington đáp ứng, khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt đầu hoài nghi về vai trò của mối quan hệ thời hiện đại giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ. Chính quyền Ankara thậm chí truyền đi thông điệp “Mỹ không còn là quốc gia bảo trợ cho an ninh và thịnh vượng của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khiến Washington tức giận bởi những vụ bắt giữ hàng chục công dân Mỹ vì nghi có dính líu tới phong trào của ông Gulen mang tên FETO.

Việc Mỹ phát lệnh bắt giữ 12 nhân viên an ninh trong đoàn tháp tùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thăm Mỹ hồi tháng 5 vừa qua, hay cuối tháng trước từ chối thương vụ bán vũ khí cho lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ làm gia tăng sự thất vọng của Ankara đối với Washington, khoét sâu thêm những chia rẽ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Động thái mới đây nhất của Thổ Nhĩ Kỳ giống như "giọt nước tràn ly", đẩy quan hệ hai bên thêm căng thẳng. Việc Ankara bắt giữ một nhân viên địa phương làm việc cho lãnh sự quán Mỹ tại Istanbul và phát lệnh triệu tập một nhân viên khác, đều với cáo buộc có quan hệ với vị giáo sĩ Gullen, bị giới chức Mỹ cho rằng nhằm làm nặng hơn cán cân trao đổi trong việc dẫn độ giáo sĩ Gulen và những người thân cận.

Chính vì vậy, Washington đã phản ứng mạnh hơn, lập tức ra quyết định ngừng cấp thị thực không định cư đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn tới việc Ankara áp dụng biện pháp trả đũa tương tự. Căng thẳng đã lên đến cao trào khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố giới chức nước này không công nhận Đại sứ Mỹ tại Ankara John Bass. Đây là sự việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quan hệ hai nước vốn đầy thăng trầm này.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thị thực hiện nay chỉ là bước leo thang căng thẳng trong mối quan hệ song phương luôn xuất hiện nhiều rạn nứt giữa Washington và Ankara, với những xung đột lợi ích giằng xé, nhất là liên quan đến cuộc chiến tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay không hài lòng với việc Mỹ vũ trang và huấn luyện cho lực lượng người Kurd (Cuốc) ở phía Bắc Syria, mà Ankara coi là một “cánh tay nối dài” của Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria, nhánh vũ trang của đảng Công nhân Người Kurd (PKK) vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.

YPG thường đụng độ với nhóm "Quân đội Syria tự do", được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại miền Bắc Syria. Trong khi Washington lấy lý do là dồn sức cho cuộc chiến chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng để tiếp tế cho các lực lượng chống đối ở Syria, thì Ankara lo ngại hơn về mối đe dọa từ người Kurd tại Syria và Iraq. Mỹ nỗ lực ngăn chặn Iran “lấp chỗ trống” khi IS bị đánh bại tại Đông Syria, và hầu như chắc chắc sẽ tiếp tục ủng hộ người Kurd tại đây.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ các nhóm Hồi giáo như Hamas (của Palestine), Anh em Hồi giáo (ở Ai Cập) và các lực lượng nổi dậy ở Libya, đặc biệt là quan hệ mới nảy nở với Qatar. Mọi chuyện càng trở nên phức tạp hơn khi hai đồng minh NATO này không thể phát động một chiến dịch phối hợp nào chống IS tại Raqqa - “thành trì” của IS tại Syria, dù Mỹ với tư cách đồng minh trong NATO vẫn được quyền tiếp cận căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ để khởi hành các chuyến không kích tại Syria.

Việc Washington hỗ trợ các tay súng YPG và FETO bị các nhà hoạch định chính sách tại Ankara nhìn nhận như là “mối đe dọa sống còn” đối với lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ. Khi lòng tin rạn nứt, Ankara bắt đầu tìm đến một giải pháp là bắt tay với các “đối thủ” của Mỹ và áp dụng một chính sách đối ngoại độc lập hơn trong khu vực. Ankara đã phối hợp với Moskva khởi động tiến trình hòa bình Syria tại Astana, bước đầu tạo ra các “vùng giảm căng thẳng” và tiến hành một chiến dịch quân sự chung với Nga và Iran tại tỉnh Idlib của Syria. Mới đây, Ankara còn đặt mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, bất chấp sự khó chịu ra mặt của đồng minh Mỹ. Ông Erdogan gần đây thậm chí đề xuất rằng Moskva và Ankara có thể trở thành đồng minh.

Tất cả những xung đột về lợi ích, xáo trộn trong quan hệ và sự hoài nghi lẫn nhau nói trên là những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy sự “lạnh giá” trong quan hệ Ankara-Washington. Một số chuyên gia cảnh báo cuộc khủng hoảng thị thực có thể báo hiệu “hồi kết” của một quan hệ đối tác hứa hẹn, được mở ra kể từ thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Sau những tranh cãi giữa hai nước kéo dài vài tháng cuối nhiệm kỳ của ông Obama, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã hy vọng "một trang mới" trong quan hệ Ankara-Washington khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, mọi chuyện có vẻ không diễn biến suôn sẻ.

Dù vậy, phải thừa nhận là trong cuộc tranh cãi ngoại giao mới nhất, ông Erdogan vẫn rất thận trọng để không “động chạm” đến Tổng thống Mỹ Trump, thay vào đó chỉ nhắm vào Đại sứ John Bass. Nói cách khác, cuộc khủng hoảng hiện nay vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, nhờ cam kết giữa hai tổng thống. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là Tổng thống Trump dù không muốn tiếp nối chính sách của chính quyền tiền nhiệm, nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra được chính sách mới về Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc khủng hoảng thị thực cho thấy các cơ quan của Mỹ đã bắt đầu có các bước đi có thể làm suy yếu một giải pháp chung giữa hai tổng thống.

Thực tế là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vốn là đồng minh lâu năm và quan hệ mật thiết giữa hai nước có tầm quan trọng về nhiều phương diện. Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí đặc biệt ở khu vực Biển Đen, Địa Trung Hải, lâu nay vốn được coi là “tiền đồn” của NATO với lực lượng quân sự lớn thứ nhì khối, chỉ sau Mỹ. Việc hai đồng minh trong NATO quay lưng lại với nhau đang tạo ra những rủi ro về lâu dài cho khối quân sự này, trong khi khả năng hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ để đối phó với các thách thức an ninh chung, như khủng bố hay chủ nghĩa cực đoan, cũng bị hạn chế đáng kể.

Đối với Mỹ, gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến hình ảnh và vị thế của Washington trong khu vực Trung Đông bị ảnh hưởng, nhất là khi những đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực này, như Saudi Arabia, cũng đang tỏ thái độ “không mặn mà” với Mỹ. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần kiềm chế tối đa, bởi thêm một “mặt trận đối đầu” mới sẽ không có lợi trong bối cảnh quan hệ “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” giữa Ankara với Đức, Hà Lan... và cả Liên minh châu Âu (EU) chưa thể giải quyết. Trong tình hình phức tạp hiện nay, việc “bớt thù, thêm đồng minh” là hết sức quan trọng với cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Mỹ.

Bạch Dương (TTXVN)
Bốn nguyên nhân gây ra ‘khủng hoảng thị thực’ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ
Bốn nguyên nhân gây ra ‘khủng hoảng thị thực’ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ

“Khủng hoảng thị thực” bắt đầu từ vụ bắt giữ Metin Topuz, nhân viên người Thổ Nhĩ Kỳ làm việc cho Lãnh sự quán Mỹ với cáo buộc hoạt động gián điệp và có liên hệ với giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN