Turkmenistan cùng Uzbekistan và Kazakhstan đóng vai trò trung tâm trong chính sách "hướng Bắc mới” của Seoul, chính sách được Tổng thống Hàn Quốc công bố lần đầu tiên hồi tháng 9/2017 nhằm tăng cường đáng kể hợp tác kinh tế và ngoại giao giữa quốc gia Đông Bắc Á này với các nước Trung Á và Á-Âu, trong đó còn có Nga.
Chuyến công du này được cho là sẽ củng cố các mối quan hệ hợp tác truyền thống với các nước đã có quan hệ với Hàn Quốc trong hơn 27 năm qua, giúp tạo nền tảng cho sự hợp tác hướng tới tương lai vì sự thịnh vượng chung. Đây cũng là chuyến công du đầu tiên tới khu vực này của Tổng thống Moon Jae-in kể từ khi ông nắm quyền tháng 5/2017.
Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan là 3 quốc gia nằm ở trung tâm khu vực châu Á, có vị trí địa chiến lược quan trọng cả về kinh tế và quân sự. Bên cạnh đó, đây là 3 nước có nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt lớn, có thể trở thành nguồn cung ứng năng lượng quan trọng của Hàn Quốc khi Seoul vốn là một nước nhập khẩu năng lượng hàng đầu thế giới, năm ngoái nhập khẩu 60,94 triệu thùng dầu.
Trung Á cũng đang trở thành một khu vực kinh tế năng động, là điểm kết nối không chỉ các quốc gia ở châu Á với nhau mà còn cả các quốc gia châu Á và châu Âu ở khu vực lục địa Á-Âu. Bởi vậy, Hàn Quốc coi trọng quan hệ với các nước Trung Á và coi đây là các đối tác chiến lược để triển khai chính sách "hướng Bắc mới".
Mục tiêu của chuyến thăm Trung Á lần này là tăng cường hợp tác kinh tế cùng có lợi, nâng tầm đối tác chiến lược, qua đó củng cố lòng tin giữa các nước.
Tại chặng dừng chân đầu tiên, thủ đô Ashgabat của Turkmenistan, Tổng thống Moon Jae-in đã nhất trí với Tổng thống nước chủ nhà Gurbanguly Berdymuhamedow tiếp tục tăng cường hợp tác năng lượng giữa hai nước, đồng thời mở rộng quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực mới, trong đó có giáo dục, y tế, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và bảo vệ môi trường. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao hồi năm 1992, hai nước đã cải thiện không ngừng mối quan hệ song phương, trong đó hợp tác về năng lượng có thể nói là điểm sáng.
Turkmenistan là nước sở hữu nhiều tài nguyên dầu khí, trong khi Hàn Quốc lại là quốc gia có công nghệ khai thác tiên tiến, có nhu cầu dầu lọc-khí đốt cao. Tổng thống Hàn Quốc đã đến thăm công trình xây dựng nhà máy hóa dầu đầu tiên ở Turkmenistan với số vốn đầu tư lên tới 30 tỷ USD, nơi đang có nhiều công nhân xây dựng Hàn Quốc làm việc và được coi là biểu tượng của tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Sau Turkmenistan, Tổng thống Moon Jae-in đã tới Uzbekistan, với kết quả lớn nhất trong chuyến thăm là hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt, đồng thời cam kết mở rộng hợp tác kinh tế. Tổng thống Moon Jae-in và người đồng cấp Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev đều ghi nhận quan hệ giữa hai nước đã góp phần quan trọng vào mở rộng hợp tác giữa Hàn Quốc và toàn khu vực Trung Á.
Cũng giống như Turkmenistan, trọng tâm hợp tác giữa hai bên là lĩnh vực năng lượng, đồng thời hai nước nhất trí thúc đẩy hợp tác y tế, thương mại và công nghệ - những thế mạnh của Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã đánh giá cao vai trò đáng kể của Uzbekistan trong việc đưa Diễn đàn hợp tác Hàn Quốc-Trung Á, thành lập từ năm 2007, phát triển thành một cơ chế thảo luận đa phương thành công.
Chặng dừng chân cuối trong chuyến du của Tổng thống Hàn Quốc tới Trung Á là Kazakhstan. Mục đích chính thăm Kazakhstan cũng là nhằm tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt là về kinh tế và thương mại. Dường như chính sách kinh tế “Đường tới tương lai" (Nurly Zhol) của Chính phủ Kazakhstan, tập trung vào phát triển các ngành vận tải, hậu cần, năng lượng và cơ sở hạ tầng công nghiệp, rất phù hợp với chính sách “hướng Bắc mới” của Hàn Quốc.
Tại đây, Tổng thống Moon Jae-in đã đề xuất 3 hướng hợp tác kinh tế hướng tới tương lai giữa hai nước: thứ nhất là mở rộng hợp tác song phương từ năng lượng, tài nguyên và xây dựng cơ sở hạ tầng sang các lĩnh vực mới như chăm sóc sức khỏe, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài chính, văn hóa và du lịch; thứ hai, nỗ lực chung chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có việc sử dụng các công nghệ mới như 5G, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo; thứ ba, hợp tác trong lĩnh vực hậu cần để tận dụng vị trí địa lý chiến lược của Kazakhstan kết nối châu Âu và khu vực Trung Đông với châu Á.
Theo Tổng thống Moon Jae-in, vị trí của Kazakhstan – trung tâm kinh tế và hậu cần của Trung Á - sẽ càng trở nên quan trọng hơn khi Hàn Quốc kết nối được đường sắt với Triều Tiên.
Năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc đã thăm Nga, chuyến thăm được xem là bước đầu tiên trong tiến trình triển khai chính sách "hướng Bắc mới", một chiến lược đầy tham vọng của Seoul hướng tới việc thiết lập một khu vực kinh tế rộng lớn thống nhất bao trùm bán đảo Triều Tiên, vùng Viễn Đông Nga và khu vực Á-Âu.
Thông qua sự hợp tác giữa Hàn Quốc với Nga, Mông Cổ và các nước Trung Á, một Cộng đồng kinh tế Á-Âu kết nối Hàn Quốc với các đối tác có thể đem lại sự thịnh vượng cho tất cả các bên. Năm nay, với chuyến công du Trung Á, chính sách "hướng Bắc mới" của Hàn Quốc lại tiến xa thêm với những bước đi năng động và hiệu quả.
Chuyến công du của Tổng thống Moon Jae-in đi 3 nước Trung Á có thể nói khá thành công khi ông đã đạt được nhiều mục tiêu, đó là sự nhất trí tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích chung của Hàn Quốc và các nước này, và điều quan trọng hơn là mở ra một con đường kết nối bán đảo Triều Tiên với lục địa Á-Âu.
Nỗ lực của Tổng thống Moon Jae-in trong tái định hướng các mối quan hệ, thông qua các chính sách như "hướng Nam mới" hay hướng Bắc mới", mở rộng hợp tác kinh tế để cùng phát triển và hướng tới sự thịnh vượng chung, đã góp phần đáng kể thúc đẩy vai trò và gia tăng tầm ảnh hưởng quốc tế của Hàn Quốc.