BRICS có thể đưa Argentina thoát khỏi vũng lầy khủng hoảng?

Mới đây, Argentina thông báo rằng nước này sẽ sử dụng đồng nhân dân tệ, thay vì đồng USD, trong các giao dịch thương mại với Trung Quốc - bước phát triển mới nhất trong quá trình phi đô la hóa toàn cầu rộng lớn hơn.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: AFP

Động thái tích cực

Theo đài RT (Nga), động thái này xảy ra khi Argentina đang thúc đẩy quá trình chính thức gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), với sự hỗ trợ của Brazil, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc. Argentina là nền kinh tế lớn thứ hai Nam Mỹ có tiềm năng đóng góp đáng kể cho BRICS, nhưng quốc gia này cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng nghiêm trọng với lạm phát tăng cao mỗi tuần.

Vậy liệu một hệ thống tài chính đa cực có thể hỗ trợ các nền kinh tế đang gặp khó khăn như Argentina? Và gia nhập BRICS có thể giúp Argentina thoát phụ thuộc vào đồng USD, cứu đất nước khỏi thảm họa tiềm tàng hay không?

Theo giới chuyên gia, khủng hoảng kinh tế của Argentina đã đạt đến mức nguy hiểm, là hệ quả của những khoản nợ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thiếu khả năng tiếp cận đồng USD và hạn hán lịch sử đã phá hủy xuất khẩu các mặt hàng nông sản quan trong của nước này.

Trong khi tỷ giá hối đoái chính thức là 222 peso đổi 1 USD, tỷ giá không chính thức trên thị trường chợ đen đã lên tới 500 peso trong những ngày gần đây. Trong khi đó, vào năm 2014 dưới thời Tổng thống cánh tả Cristina Kirchner, tỷ giá chính thức là 8 peso đổi 1 USD và tỷ giá không chính thức dao động trong khoảng 12-14 peso.

Argentina cũng đang ứng phó với lạm phát ở mức 109%, một trong những tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới. Người dân đang chật vật đối phó với tình trạng này bằng cách tiết kiệm tiền USD và thậm chí tiền điện tử. Thị trường tiền điện tử không còn tăng giá như vài năm trước và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cùng với hoạt động đầu cơ ở Argentina đã khiến việc tiếp cận đồng USD trở nên rất khó khăn và tốn kém. Quan trọng hơn, khoản nợ khổng lồ với IMF lại được tính bằng đồng USD.

Chú thích ảnh
Nhân viên ngân hàng kiểm tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà kinh tế học người Argentina Gisela Cernadas giải thích cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hiện nay xảy ra do sự phụ thuộc vào đồng USD.

“Argentina đã phải chịu đựng trong thời gian dài, từ một tài khoản vãng lai mất cân bằng về cấu trúc. Điều này có nghĩa là đất nước này cần nhiều USD hơn để hoạt động. Để tiếp tục thực hiện các hoạt động sản xuất, Argentina cần các nguồn nhập khẩu nhanh chóng, chẳng hạn như máy móc và thiết bị phải nhập khẩu bằng đồng USD”, bà Cernadas nói.

Nhà kinh tế học Cernadas giải thích Argentina càng muốn sản xuất nhiều thì càng cần nhiều USD. Vì vậy, tài khoản vãng lai mất cân bằng về cấu trúc này đang gây áp lực lên thị trường ngoại hối.

Trong bối cảnh đó, việc phi đô la hóa thương mại với Trung Quốc rõ ràng là một động thái tích cực. Theo giới chuyên gia, trong một chừng mực nào đó điều này sẽ giảm bớt tình trạng đồng USD kìm hãm nền kinh tế và giúp bảo vệ dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương.

“Thanh toán một phần hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bằng nhân dân tệ thay vì đồng USD sẽ giúp giảm bớt áp lực thâm hụt tài khoản vãng lai. Điều này tuy không giải quyết được vấn đề cơ cấu, là cần thêm ngoại tệ để sản xuất và thực hiện hoạt động sản xuất, nhưng ít nhất sẽ giải tỏa một phần nhu cầu của đất nước”, bà Cernadas giải thích.

Bà lưu ý rằng kim ngạch thương mại của Argentina và Trung Quốc vào năm 2021 là 20 tỷ USD, so với mức thâm hụt 7,4 tỷ USD và thỏa thuận này chắc chắn sẽ giúp giảm bớt tình trạng khó khăn và thâm hụt USD.

BRICS mở ra cơ hội?

Chú thích ảnh
Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2019 tại Brasilia, Brazil. Ảnh: AFP

Động thái chuyển sang sử dụng đồng nhân dân tệ để giao dịch với Trung Quốc đã trở thành hiện thực. Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa cho biết Argentina sẽ chuyển 1 tỷ USD giá trị thương mại sang nhân dân tệ.

Các nhà quan sát cho rằng lợi ích của việc Argentina tham gia hội nhập kinh tế với các nước BRICS là không thể phủ nhận. Vậy Argentina cần làm gì để điều đó trở nên khả thi?

Thỏa thuận với Trung Quốc thể hiện cam kết của chính phủ đối với một hệ thống tài chính đa cực. Tuy nhiên, những bất ổn chính trị trong nước khiến quá trình này có thể rất khó khăn, ngay cả khi Argentina trở thành thành viên của BRICS.

Ngay trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống đương nhiệm Alberto Fernandez đã tới Nga và Trung Quốc. Ông bày tỏ Argentina muốn trở thành một phần của thế giới đa cực, trong đó Moskva và Bắc Kinh đóng vai trò quan trọng. Song kể từ đó, ông luôn mơ hồ về mối quan hệ với Nga.

Hơn nữa, và có lẽ là quan trọng nhất, Argentina sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới. Điều này chắc chắn sẽ thay đổi đáng kể cục diện chính trị của đất nước.

Tổng thống Fernandez đã nói rằng ông sẽ không tái tranh cử. Theo một số nhà phân tích, tình hình kinh tế tồi tệ của Argentina khiến ông khó có thể giành chiến thắng hoàn toàn.

Chú thích ảnh
Người dân Argentina chứng kiến giá thực phẩm tăng vọt. Ảnh: AP

Trong khi đó, các cuộc thăm dò cho thấy kết quả có thể xảy ra nhất đó là thách thức từ cánh tả, nếu Phó Tổng thống đương nhiệm Cristina Kirchner - người đã chỉ trích cách tiếp cận của Tổng thống Fernandez đối với IMF, thay đổi quyết định rút lui khỏi chính trường và quay trở lại tranh cử. Kịch bản thứ 2 là chiến thắng sẽ rơi vào tay cánh hữu bảo thủ của ông Horacio Larreta, đương kim Thị trưởng thủ đô Buenos Aires.

Nếu giành chiến thắng, bà Kirchner sẽ củng cố cam kết của Argentina đối với hệ thống đa cực. Tuy nhiên, nếu cánh hữu giành được quyền lực, họ sẽ quay trở lại với các chính sách ủng hộ Washington của cựu Tổng thống Mauricio Macri, và có khả năng chấm dứt mọi nỗ lực trở thành thành viên BRICS của Argentina.

Một kịch bản thậm chí còn cực đoan hơn, nhưng cũng có khả năng xảy ra không kém, sẽ là chiến thắng của ông Javier Milei, một nhân vật cực hữu đang lên trên chính trường Argentina. Ông Milei đang dẫn đầu các cuộc thăm dò với tỷ lệ ủng hộ khoảng 23%, so với 19% của cánh hữu bảo thủ, và 17% của cánh tả. Đề xuất chính của ông Milei là đô la hóa nền kinh tế Argentina - tức là biến đồng USD thành đồng tiền quốc gia và bãi bỏ đồng peso. Rõ ràng, điều này sẽ chấm dứt hoàn toàn vai trò của Argentina trong việc xây dựng một hệ thống tài chính đa cực trong tương lai.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Argentina đưa vào lưu thông tiền giấy mệnh giá mới 2.000 peso  
Argentina đưa vào lưu thông tiền giấy mệnh giá mới 2.000 peso  

Tiền giấy mệnh giá mới 2.000 peso của Argentine - mệnh giá lớn nhất của nước này - đã được đưa vào lưu thông từ ngày 22/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN