Thời niên thiếu của Nữ hoàng Elizabeth II - Kỳ 1

Nữ hoàng Anh Elizabeth II là người trị vì lâu nhất Vương quốc Anh (từ năm 1953 đến nay) nhưng vẫn còn nhiều điều mà chúng ta chưa biết về một con người mà bản thân đã trở thành biểu tượng của nước Anh.

TUỔI THƠ ÊM ĐẸP

Tháng 4/1926, nước Anh đứng bên bờ vực một cuộc tổng đình công do Công đoàn Lao động Anh (TUC) kêu gọi. Trước đó, một “cơn bão” đã đánh vào kinh tế nước này, giá than thời hậu chiến sụt giảm khiến ngành khai mỏ chịu nhiều sức ép. Việc chính phủ đề xuất giảm lương thợ mỏ đã kích động cuộc tổng đình công của các thợ mỏ và công nhân dưới sự lãnh đạo của TUC, bao gồm cả các công nhân đường sắt và vận tải.

Giữa lúc khủng hoảng, một em bé hoàng gia sau này bất ngờ trở thành người thừa kế ngai vàng của Anh đã chào đời. Vương tử Albert - Công tước xứ York, con trai của Nhà vua George V - và vợ là bà Elizabeth Bowes - Lyon khi đó đang chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng. Mặc dù em bé này không trực tiếp là người thừa kế ngai vàng, nhưng Bộ trưởng Nội vụ Sir William Joynson Hicks vẫn đích thân tới căn nhà số 17 Đường Bruton ở Mayfair, London của gia đình Bowes - Lyon để chào đón đứa trẻ này đến với thế giới. Đứa bé đã được sinh mổ vào lúc 2 giờ 40 ngày 21/4/1926. Trong bức thư gửi tới Nhà vua George V, Công tước Albert viết: “Chúng con vẫn luôn ao ước về một đứa trẻ để hạnh phúc của chúng con được trọn vẹn. Con hy vọng cha cũng hạnh phúc như chúng con khi chào đón một cô cháu gái”. 

Công chúa Elizabeth và em gái Margaret năm 1932.

Đứa trẻ hoàng gia này là người thứ ba trong danh sách kế vị ngai vàng, nhưng bởi cha của cô chỉ là con thứ của Vua George V, nên mọi người đều cho rằng bác của đứa trẻ - Vương tử Edwar, Thân vương xứ Wales và cha cô sẽ là người nối ngôi. Đứa trẻ được đặt tên là Elizabeth Alexandra Mary, theo tên bà cố là Nữ hoàng Alexandra và bà ngoại là Nữ hoàng Mary. Công chúa được hy vọng sẽ có cuộc hôn nhân êm đẹp và nhiều niềm hạnh phúc khác.

Hai tuần sau, Elizabeth Alexandra Mary đã được một tổng giám mục xứ York tại Cung điện Buckingham rửa tội. Cô công chúa bé bỏng này được cha mẹ cưng chiều và là một trong số ít người trong gia đình không sợ hãi trước Nhà vua, người mà cô gọi là ông nội. Đầu năm 1927, cha mẹ cô có chuyến công du tới Australia và New Zealand và để cô ở lại với các bà vú. Khi trở về nước, họ đã chuyển tới ngôi nhà mới ở số 145 Piccadilly gần Công viên Hyde. Ngôi nhà này có 25 phòng ngủ, một thang máy, một phòng khiêu vũ, nhưng theo tiêu chuẩn hoàng gia, Elizabeth lớn lên trong một ngôi nhà bình thường ấm cúng và những người bạn của cô là các con gái của các doanh nhân và bác sĩ, chứ không phải các công chúa khác.

Hai chị em Elizabeth và cô giáo Marion Crawford.

Năm 1930, em gái của Elizabeth là công chúa Margaret ra đời. Lần này, Bộ trưởng Nội vụ John R Clynes đã đích thân tới Lâu đài Glamis - ngôi nhà được tổ tiên truyền lại của Công nương xứ York. Khi lớn lên, hai chị em thể hiện các tính cách hoàn toàn khác biệt. Elizabeth tỏ ra cẩn thận, có trách nhiệm và ngăn nắp, cô không thể đi ngủ nếu như chưa tháo yên và cho ngựa ăn. Trong khi đó, Margaret lại nghịch ngợm, quyết đoán và thích trêu đùa.

Năm 1933, khi công chúa Elizabeth lên 7 tuổi, cô được gửi gắm cho cô giáo mới là bà Marion Crawford. May mắn rằng Công nương xứ York không mong muốn công chúa có lịch học dày đặc. Cả bà và Công tước từng rất ghét tới trường. Điều mà cặp vợ chồng hoàng gia mong muốn ở những đứa con gái là “một tuổi thơ thực sự hạnh phúc, với những kỷ niệm đẹp”, tức là ít bài học. Nhà vua chỉ có một yêu cầu duy nhất, đó là “Hãy dạy Elizabeth và Margaret thành người tử tế”. Thời khóa biểu mà bà Crawford đề ra khá nhẹ nhàng. Công chúa Elizabeth học từ 9  giờ 30 đến 11 giờ sáng và thời gian còn lại được tham gia các hoạt động ngoài trời, nhảy múa và ca hát, cùng thời gian nghỉ là một tiếng rưỡi.

Không giống như cha mẹ cô, Elizabeth có năng khiếu học và yêu thích môn lịch sử và văn học, nhưng cô không có nhiều cơ hội để duy trì việc học. Trong thời gian rảnh, Elizabeth dành thời gian chăm sóc chó và ngựa. Cô từng tuyên bố rằng cô muốn cưới một người nông dân để cô có thể chăm sóc bò, ngựa và chó.

Tháng 1/1936, Nhà vua George V băng hà và  Hoàng tử xứ Wales lên ngôi Vua với tước hiệu Edward VIII. Khi trở thành nhà vua, ông trở nên phụ thuộc hơn vào người tình Wallis Simpson hơn bao giờ hết. Từ lâu, báo chí nước ngoài đã đề cập đến mối quan hệ của ông với người đàn bà Mỹ đã ly dị chồng này. Cuối tháng 10/1936, bà Wallis đã nộp đơn ly dị người chồng thứ hai và rõ ràng Nhà vua Edward VIII sẽ cưới bà. Chính phủ quyết định ngăn chặn việc này, lấy lý do rằng người dân sẽ không chấp nhận một hoàng hậu đã ly dị chồng. Sự việc khiến hoàng gia Anh chìm trong một bầu không khí nặng nề. 

Ngày 10/12/1936, khi công chúa Elizabeth chuẩn bị ghi lại các bài học ở lớp bơi, cô đã nghe thấy bài hát “Thượng đế hãy phù hộ cho Nhà vua” bên ngoài. Cô đã hỏi người lính hầu chuyện gì xảy ra bên ngoài và ông ta nói rằng bác của cô đã thoái ngôi và cha của cô đã lên ngôi vua. Cô đã chạy đến kể cho em gái Margaret thông tin này. Margaret đã hỏi: “Có phải điều đó đồng nghĩa rằng chị sẽ phải trở thành nữ hoàng tiếp theo?”. Elizabeth trả lời: “Đúng vậy, một ngày nào đó”. Giữa lúc khủng hoảng và thay đổi, Elizabeth bắt đầu sống theo những thủ tục nghiêm ngặt hơn, với mong muốn được xuất hiện với phong thái điềm tĩnh.

Những ngày tháng êm đẹp ở số nhà 145 Piccadilly đã kết thúc. Gia đình cô đã chuyển tới Cung điện Buckingham và cha mẹ cô - những người vẫn luôn sống cuộc đời tao nhã - giờ phải bận rộn với các cuộc họp, tiếp đón và chính trị. Elizabeth đã tham dự lễ đăng quang của cha cô, với sự có mặt của Nữ hoàng Marry.

Kể từ đó, Elizabeth trở thành người sẽ thừa kế ngai vàng sau này. Hoàng hậu Mary đã thúc đẩy kế hoạch giáo dục cho cô. Năm 1938, Elizabeth bắt đầu được Phó hiệu trưởng trường Eton, ngài Henry Marten, giảng dạy về lịch sử Hiến pháp. Các bài giảng của ngài Marten rất quan trọng đối với Elizabeth để cô nhận thức được vai trò của mình sau này.

Kỳ cuối: Thời bom đạn Chiến tranh Thế giới thứ hai 
Bích Hạnh
Elizabeth II, người già không phải là người ra đi
Elizabeth II, người già không phải là người ra đi

Nữ hoàng Beatrix của vương quốc Hà Lan, ở tuổi 75, vừa qua đã quyết định nhường lại ngai vàng cho con trai trưởng, Thái tử Willem-Alenxander. Vậy tại sao ở tuổi bát tuần, Nữ hoàng Elizabeth II của nước Anh vẫn chưa đưa ra một quyết định tương tự?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN