Đến nay, Thái Bình có 174.748 người lao động, người dân và 2.814 doanh nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ, với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng. Trong điều kiện dịch kéo dài, phức tạp, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ kịp thời triển khai trên địa bàn đã góp phần quan trọng trong việc tiếp thêm nguồn lực cho doanh nghiệp, người lao động có thể duy trì sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn do COVID-19 gây ra.
Cùng với các chính sách hỗ trợ, các địa phương, đơn vị của Thái Bình tổ chức vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân gặp khó khăn tại các địa phương, khu cách ly. Các ngành kịp thời triển khai chính sách khác theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của ngành dọc cấp trên như Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền đóng vào quỹ được giảm trên 22 tỷ đồng cho 168.000 lao động đang làm việc tại 2.628 đơn vị.
Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo lùi thời gian đóng kinh phí Công đoàn đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến ngày 31/12/2021, bổ sung đối tượng miễn đóng Công đoàn phí từ 1/5-31/12/2021, xét hỗ trợ kinh phí cho 696 đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng trong đợt dịch lần 4 với số tiền 385,9 triệu đồng, ủng hộ Quỹ “Vaccine cho công nhân” với số tiền 1,156 tỷ đồng...
Theo UBND tỉnh Thái Bình, năm 2021, với tinh thần “tương thân tương ái”, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh đã trao tặng, hỗ trợ UBND tỉnh Hải Dương khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế trị giá 1 tỷ đồng; hỗ trợ người dân Thái Bình bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đắk Lắk với số tiền 1,1 tỷ đồng.
Đoàn công tác của tỉnh đã trực tiếp tới thăm, tặng sản phẩm thiết yếu cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề do dịch với trị giá gần 5 tỷ đồng. Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các doanh nghiệp trên địa bàn đã ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Nam 60 tấn gạo. Thái Bình đã cử gần 800 cán bộ ngành y tế, giảng viên, sinh viên trực tiếp tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh phía Nam. Tỉnh tổ chức, hỗ trợ chi phí vận chuyển, chi phí cách ly y tế, đón trên 1.200 công dân, người lao động của địa phương có nguyện vọng trở về từ Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh.
Tuy vậy, qua giám sát thực tế, HĐND tỉnh Thái Bình cho rằng, một số thủ tục, hồ sơ còn rườm rà, khó thực hiện khiến người lao động chưa được hưởng chính sách hỗ trợ. Việc xác định điều kiện đối với hộ kinh doanh còn vướng mắc về cách tính thời gian dừng hoạt động. Việc xác định đối tượng, tiêu chí, điều kiện hỗ trợ đối với nhóm lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác còn có những ý kiến khác nhau, khó xác định đối tượng. Việc ban hành chính sách hỗ trợ đột xuất, thời gian thực hiện ngắn làm phát sinh khối lượng công việc lớn ở các cấp, ngành. Một số địa phương lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là đối với cán bộ trực tiếp ở cấp xã, huyện. Một số doanh nghiệp còn tâm lý e ngại các quy định về thủ tục hồ sơ, quy trình liên quan đến chính sách mất nhiều thời gian nên không đề xuất cho người lao động...
HĐND tỉnh Thái Bình đề nghị, Trung ương tiếp tục có hướng dẫn, quy định cụ thể thống nhất cho người sử dụng lao động khi nhận được số tiền hỗ trợ, cách hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi đại dịch.
Ngoài ra, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo yêu cầu tại điểm 12 mục II Nghị quyết 68/NQ-CP, phù hợp tình hình diễn biến dịch bệnh trên cơ sở cân đối khả năng điều kiện ngân sách của tỉnh.
UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng số tiền giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo thống nhất danh mục chi hỗ trợ người lao động phòng, chống dịch bệnh. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thống nhất tham mưu hướng dẫn thực hiện chính sách, tránh tình trạng mỗi cơ quan có hướng dẫn riêng gây khó khăn trong việc lập hồ sơ của người được thụ hưởng. Ngành Y tế trên cơ sở quyết định cách ly y tế của cơ quan có thẩm quyền, hồ sơ bệnh án điều trị bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm chủ động thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các đối tượng theo quy định. UBND huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ rà soát, chi trả hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và đề xuất vấn đề vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, đảm bảo chính sách hỗ trợ đúng người, công khai, minh bạch.