Dân ca Nùng làm nên sự đa dạng, phong phú trong bản sắc văn hóa của dân tộc Nùng ở Bắc Giang. Tuy nhiên, các làn điệu dân ca Soong hao của người Nùng lại đang đứng trước nguy cơ mai một. Ý thức được điều ấy, ông Nông Dũng Long, dân tộc Nùng, ở xã Phồn Xương, Yên Thế, chủ nhiệm CLB dân ca Nùng của xã đã tìm cách lưu giữ, truyền dạy các làn điệu Soong hao cho cộng đồng dân tộc Nùng nơi đây.
Ông Nông Dũng Long đang chỉ bảo thế hệ trẻ từng câu, chữ hát Soong hao. |
Ở tuổi 73, dù sức khỏe không còn được dẻo dai, nhưng ngày ngày ông Long vẫn lặng lẽ ghi chép lại những bài hát Soong hao do chính ông sưu tầm từ thời trai trẻ. Nhiều bài được ông ghi chép lại theo trí nhớ từ hội hát ở những phiên chợ Tết xưa, thậm chí có nhiều làn điệu do ông tự đặt lời mới. Với ông, việc ghi lại lời những bài hát vừa là cách lưu giữ tư liệu về văn hóa của dân tộc, vừa giúp ông ôn lại những làn điệu Soong hao theo thời gian đã bị lãng quên.
Không chỉ là người chủ nhiệm tâm huyết của câu lạc bộ dân ca Nùng xã Phồn Xương, 4 năm thành lập CLB là từng ấy năm ông Long đóng vai trò người thầy truyền dạy dân ca cho các thành viên. Mỗi tháng một lần, nhà văn hóa thôn Đồng Nhân lại là điểm đến của các thành viên trong câu lạc bộ. Mỗi buổi sinh hoạt là dịp ông Long truyền dạy vốn hiểu biết về làn điệu Soong hao cho mọi người bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ. Hiện nay, hầu hết các thành viên lớn tuổi trong câu lạc bộ đã thành thạo rất nhiều bài hát đối đáp giao duyên của dân ca Nùng.
Dưới sự dẫn dắt của chủ nhiệm Long, nhiều thành viên trong câu lạc bộ đã đi biểu diễn ở các hội thi dân ca của huyện, của tỉnh. Trước mỗi chuyến đi, ông Long tự tổ chức nhiều buổi tập luyện, truyền dạy cho các thành viên phong cách biểu diễn cũng như cách ứng đối linh hoạt khi ra sân khấu. Đối với những em nhỏ tuổi trong câu lạc bộ, ông Long tỉ mỉ dạy từng câu, từng chữ, từng cách nhấn nhá, lên giọng hát đến cách ứng đối một câu hát.
Dân ca Nùng ở Bắc Giang đến nay vẫn tồn tại trong đời sống của dân tộc Nùng, chính là nhờ những người nặng lòng với tình yêu văn hóa dân tộc như ông Long.
Bài và ảnh: Đồng Thúy