Chị H’Hương Byă, ở Buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) là một tấm gương phụ nữ công giáo người Êđê vừa biết làm kinh tế giỏi, vừa có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, đẹp như một sắc hoa Pơ Lang giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.Trước đây gia đình chị H’ Hương thuộc diện nghèo nhất buôn do không biết canh tác, lại đẻ đến 5 con. Cuộc sống của gia đình chị chỉ thực sự thay đổi sau khi chị tham gia Hội Nông dân và Hội Phụ nữ trong buôn. Nhờ siêng năng và ham học hỏi kỹ thuật, nên vườn cà phê nhà chị luôn xanh tốt.
Bên cạnh đó, chị H’Hương còn mạnh dạn vay vốn của ngân hàng để mua bò, phân bón phục vụ sản xuất. Được sự hỗ trợ của các tổ chức Hội, cộng với sự siêng năng của hai vợ chồng, cũng như việc biết chi tiêu hợp lý, mà “cái túng bấn” của gia đình chị H’Hương đã nhanh chóng qua đi.
Hiện tại gia đình chị có 2,6 ha cà phê, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Thu nhập từ cây sầu riêng và chăn nuôi cũng đạt gần 100 triệu đồng/năm. Từ nghèo khó, chị H’Hương đã trở thành người phụ nữ làm kinh tế giỏi nhất buôn Cuôr Đăng B, khiến ai cũng phải nể phục.
Chị H’Hương còn rất tâm huyết trong việc giữ gìn nét văn hóa của dân tộc Êđê, gần 30 năm qua chị gắn bó với nghề làm rượu cần được truyền từ nhiều đời trước của gia đình.
Thương hiệu “Rượu cần Amí Dzoan” của chị đã có mặt ở thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện, xuất hiện ở các khu du lịch sinh thái trong tỉnh, đến Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… và theo chân du khách ra cả nước ngoài. Ngoài thương hiệu “Rượu cần Amí Dzoan” nổi tiếng, chị còn sưu tập và gìn giữ những vật dụng sinh hoạt của người Êđê, như: Chiêng, ché, ghế kpan…một cách cẩn thận, trân trọng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chị H’Hương còn tích cực tham gia công tác xã hội và giúp đỡ các chị em phụ nữ trong buôn phát triển kinh tế. Hiện nay, chị là đại biểu Hội đồng nhân dân xã Cuôr Đăng, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Cư M’gar và phụ trách về mặt tài chính của Giáo xứ Thiên Đăng.
Anh Dũng