Bệnh nhân trải lòng về những ‘chiến sĩ’ áo trắng

Đồng cảm, chia sẻ với những bệnh nhân HIV, hết lòng cứu sống người bệnh hoặc giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn thỏa ước nguyện có được những thiên thần đáng yêu… Đó chỉ là số ít trong rất nhiều nỗ lực mà những chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm vất vả, thầm lặng giúp người, giúp đời.

Nối dài những ước mơ làm mẹ


“Có người phụ nữ nào mà không khao khát được làm mẹ. Chuyện tưởng chừng rất đỗi tự nhiên, nhưng với nhiều người đó chỉ là mơ ước. Tôi cũng đã có lúc ở trong tình cảnh tuyệt vọng ấy”, chị Trần Thu Hà (Kim Ngưu, Hà Nội) bắt đầu câu chuyện của mình.


Lấy chồng đã 8 năm, nhưng vợ chồng chị Hà vẫn chưa có con. Từ quê Nam Định lên Hà Nội để tiện cho việc chạy chữa, vợ chồng chị Hà phải thuê nhà ở, chồng chị làm xe ôm ở trước cửa Bệnh viện Quân đội 108. Cả hai vợ chồng đều chắt bóp, dành dụm tiền để “tìm con” bằng mọi cách.


Khát khao có được một em bé để ẵm bồng đến mức, còn miếng đất là tài sản cuối cùng, chị Hà và chồng cũng quyết định thế chấp và cầm thêm số tiền anh em họ hàng thương tình mỗi người cho vay một ít, để vào Sài Gòn chữa trị. Nhưng rồi, cố gắng này cũng không có kết quả. Khi mọi thứ đều “đội nón ra đi” mà kết quả vẫn là số 0, vợ chồng chị Hà đều buồn rã rời, tưởng như đã phải bỏ cuộc


Trong lúc tuyệt vọng ấy, nhân duyên đã đưa chị Hà tới gặp BS Nguyễn Thanh Hà, Phó khoa Sản, Bệnh viện Quân đội 108. Nhờ sự “mát tay” của bác sĩ, ngay lần đầu tiên áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, “mầm sống” đã hiện diện, cho chị Hà cảm giác lần đầu tiên được làm mẹ.


“Tôi không dám tin điều kỳ diệu ấy lại xảy đến với mình. Nhiều lúc cứ tự hỏi, liệu có đúng là mình mang bầu thật không? BS Hà đã cho tôi niềm hạnh phúc quá lớn lao”, đôi mắt ngân ngấn nước chị Hà nhớ lại.


Nhiều lần, cơ thể có dấu hiệu bất thường vào đúng 2 - 3 giờ sáng, dù rất ngại sẽ làm phiền giờ nghỉ ngơi của bác sĩ, nhưng chị Hà vẫn phải điện thoại để xin tư vấn. Nghe kể chuyện, bác sỹ căn dặn: “Em đừng ngại gì, bất cứ khi nào, dù đêm khuya nhưng nếu có dấu hiệu lạ thì phải gọi điện ngay!”.


Cảm kích trước tấm lòng của bác sĩ, nhưng giờ kinh tế gia đình thiếu trước hụt sau, nên chị Hà chỉ có con gà, mớ rau gọi lại chút quà quê để bày tỏ lòng biết ơn. Thế nhưng, chẳng lần nào BS Hà nhận, BS còn cười bảo: “Để đấy mà tẩm bổ cho cháu, hai mẹ con khỏe mạnh là tôi no cái bụng rồi”. “Có lần bác sĩ còn tặng sữa bầu cho tôi, tôi biết ơn lắm”, chị Hà xúc động chia sẻ.


Chị Thu Hà cho biết, sau này, chắc chắn chị sẽ kể con nghe về tình nghĩa này, về tấm gương của người bác sĩ đáng kính, hết lòng vì người bệnh. Chị muốn con trẻ biết chuyện để trân trọng và làm theo những nghĩa cử cao đẹp, mai này trở thành người có ích cho xã hội.


“Chiến đấu” vì bệnh nhân HIV


Kể về hoàn cảnh của mình khi vừa từ cửa phòng bệnh của người nhiễm HIV, Bệnh viện Đống Đa đi ra, bà Nguyễn Thị Hồng (Giảng Võ, Hà Nội), cho biết: "Chăm con trai nhiễm HIV đã gần chục năm nay rồi nên tôi ra vào đây suốt. Nhờ vậy, cũng được chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về các bác sĩ".


Bà Hồng nói tiếp: “Ở đây, có nhiều trường hợp khi được đưa vào viện,bệnh nhân kiên quyết không nói địa chỉ gia đình, ngay cả tên cũng cố tình khai sai. Dù nằm viện điều trị nhưng họ lại không hợp tác, muốn tìm đến cái chết. Nhờ bác sĩ động viên, người bệnh hợp tác thì lại không thể cứu được vì bệnh quá nặng. Những lúc ấy, các bác sĩ luôn cảm thấy áy náy, day dứt không nguôi”.


Hơn một năm trước, có một bệnh nhân nữ mắc AIDS giai đoạn cuối vào viện. Bệnh nhân đòi ma túy nhưng không được đáp ứng. Do đó, khi điều dưỡng đến, nữ bệnh nhân này đã giật xi lanh tự hút máu ở cơ thể mình và phun khắp xung quanh, để tạo áp lực đòi ma túy. 


Lúc này, BS Nguyễn Bình An, cũng là bác sỹ đang điều trị cho con trai bà Hồng, đứng ra khuyên nhủ bệnh nhân, nên bị dọa đâm xi lanh vào người. Vậy nhưng bác sĩ vẫn cố gắng nói chuyện và phải rất lâu, bệnh nhân mới chịu về phòng bệnh.

Các bác sĩ luôn quan tâm, chia sẻ với bệnh nhân HIV.

“Mới đây, bác sĩ An chia sẻ với tôi, đến bây giờ bác sĩ vẫn bị ám ảnh về trường hợp một bệnh nhân trước khi “ra đi” cứ khóc và lắc đầu khi được hỏi có muốn gọi cho người nhà đến không. Tấm lòng ấm áp và sự nhiệt tình của bác sĩ khiến tôi cảm kích vô cùng. Họ luôn nhiệt tình giúp đỡ tôi và nhiều bệnh nhân khác bao năm nay, đối với tôi, họ là người thân”, bà Hồng trải lòng.


Sẵn sàng săn sóc, cứu giúp người bệnh


Ngồi chờ đưa cơm cho ông xã trước cửa Chuyên khoa hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, chị Nguyễn Trần Phương Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ: “ Chuyện tình của chúng tôi bắt đầu từ đêm muộn cách đây 3 năm. Hôm đó, tôi đi vào cửa hàng tiện lợi 24h để mua thức ăn khuya thì đột nhiên bị lên cơn hen, liền ngã quỵ xuống và không thể thở được. May mắn, khi ấy có một người khách khác là bác sĩ ở trong cửa hàng. Anh ấy đã cấp cứu, giúp tôi thở được, chính xác là đã cứu tôi thoát chết”.


Người bác sĩ này đã đưa chị Thảo đi cấp cứu. Vào viện rồi, chị mới biết bản thân bị bệnh hen. Trên người chị Thảo khi đó không mang giấy tờ, nên người bác sĩ tốt bụng đã ở lại theo dõi tình hình sức khỏe cho chị cả đêm.


Đó là câu chuyện từ 3 năm trước, mở đầu cho câu chuyện tình bác sỹ và bệnh nhân, bây giờ người bác sĩ đó đã trở thành người bạn đời của chị Thảo. Chị kể tiếp: “Làm nghề bác sỹ vất vả sớm hôm, sinh hoạt của cuộc sống gia đình cũng có nhiều thất thường, nhưng tôi hiểu tính chất nghề nghiệp của anh như vậy. Và hơn ai hết, tôi luôn cảm thông, tự hào về công việc của các bác sĩ, cũng như những người làm trong ngành y”


Chị Phương Thảo vào đưa cơm cho chồng, rồi trở ra với khuôn mặt rạng rỡ. Lúc này, vị bác sỹ, chồng chị Thảo vẫn đang miệt mài với công việc điều trị cho người bệnh. Có lẽ, anh cũng rất hạnh phúc với công việc mình đã chọn và một hậu phương vững chắc luôn sẵn lòng ở bên.


Kiều Hà
Những trăn trở của 'Tư lệnh' ngành Y
Những trăn trở của 'Tư lệnh' ngành Y

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ sau nhiều nỗ lực hướng tới sự hài lòng của người bệnh, ngành y tế vẫn phải đối mặt với không ít thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN