Nữ bác sĩ hơn 10 năm vượt sóng cứu ngư dân

Gần 27 năm trong nghề, hơn 10 năm vượt sóng cứu người, bất kể lúc nào khi ngư dân cần trợ giúp là bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, công tác tại Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng lại có mặt kịp thời trên các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để chăm sóc sức khỏe cho ngư dân.

Nghề y đến với bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng như một cơ duyên. Hơn 30 năm trước, cô nữ sinh Phạm Thị Ánh Hồng rất thích học các môn tự nhiên để thỏa sức với niềm đam mê nghiên cứu của mình. Thế nhưng, sau một trận ốm nặng của người thân trong gia đình và được các bác sĩ cứu sống, Hồng đã quyết định nộp đơn thi vào nghành y để sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh, cứu người.


Năm 1990, tốt nghiệp ra trường, về công tác Khoa Hồi sức cấp cứu- Bệnh viện Đà Nẵng. Gần 6 năm, bác sĩ Hồng chấp nhận làm việc không lương để trau dồi, tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp cho bản thân. Cuối năm 1995, bác sĩ Hồng về công tác tại Trung tâm cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng và gắn bó đến nay. Hiện bác sĩ Hồng đang giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng. Dù ở bất cứ cương vị nào, bác sỹ Hồng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Việc cứu chữa ngư dân khi gặp nạn trên biển không phải là chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm cấp cứu 115 nhưng với bác sĩ Hồng đây thực sự là trách nhiệm của một người bác sĩ hết lòng vì sức khỏe nhân dân. Hơn 10 năm vượt sóng cứu người, bác sĩ Hồng không nhớ nổi mình đã cứu sống bao nhiêu ngư dân nhưng câu chuyện về chuyến đi biển đầu tiên vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. Bác sĩ Hồng kể, năm 2006, khi đó trên biển Đông có bão lớn, Trung tâm cấp cứu 115 nhận được thông tin hỗ trợ khẩn cấp từ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 2 đóng tại Đà Nẵng để cấp cứu một thuyền viên trên tàu đánh cá của ngư dân Quảng Nam bị ngã chấn thương sọ não. 


Bất chấp cả tính mạng của mình, bác sĩ Hồng sẵn sàng lên tàu cứu nạn cùng các thủy thủ cấp cứu cho ngư dân bị nạn. Sau hành trình dài tiếng vượt sóng dữ, tàu tiếp cận được tàu cá của ngư dân và tiến hành sơ cấp cứu để đưa về đất liền điều trị.


Theo bác sĩ Hồng, trung bình mỗi năm, Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng cấp cứu từ 30-40 ngư dân bị tai nạn trên biển và tư vấn sơ cấp cứu khẩn cấp cho khoảng 300 ngư dân, trong đó có nhiều ngư dân nước ngoài bị tai nạn. Bác sĩ Hồng chia sẻ, hầu hết các ngư dân gặp nạn trên biển là do thời tiết xấu dẫn đến chấn thương nên công tác cứu nạn của các y, bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là bị say sóng. Nhiều lúc bị say sóng, không ăn được gì vì người mệt, song khi tiếp cận tàu gặp nạn, thấy ngư dân bi đói khát, tinh thần hoảng loạn khiến các y bác sĩ quên hết mệt mỏi, cố gắng gượng dậy để cứu chữa cho ngư dân.


Không chỉ cấp cứu ngư dân trên biển, những lúc trên bờ, bất kể thời gian nào, ngư dân cần là bác sĩ Hồng sẵn sàng trợ giúp thông qua bộ đàm ICom. Với bác sĩ Hồng, việc sơ cấp cứu ngư dân bị nạn tại hiện trường đã khó, việc trợ giúp qua ICom còn khó hơn bởi thời tiết trên biển xấu, sóng to gió lớn, nhiều lúc ngư dân nghe không rõ nên khó khăn cho việc hướng dẫn ngư dân sơ cấp cứu đúng cách. Ngoài ra, nhiều tàu cá của ngư dân còn thiếu các trang thiết bị y tế cần thiết trên mỗi chuyến ra khơi.


Từ thực tế đó, năm 2015, bác sĩ Hồng đã đề xuất với Sở Y tế Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí, tổ chức dạy các lớp sơ cấp cứu cho ngư dân thông qua chương trình “Tiếp sức cho ngư dân ra khơi”. Thông qua chương trình này, ngư dân sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản nhất, cũng như trang thiết bị y tế cần thiết để sơ cấp cứu trên biển khi xảy ra tai nạn. Đến nay, trung bình mỗi năm, Trung tâm cấp cứu 115 mở 8 lớp học sơ cấp cứu, thu hút trên 200 ngư dân tham gia.


Nói về người đã gắn bó với tàu cứu nạn trong suốt hành trình hơn 10 năm vượt sóng cứu ngư dân, thuyền trưởng tàu SAR 412 thuộc Trung tâm cứu nạn Hàng hải khu vực 2 đóng tại Đà Nẵng Phan Xuân Sơn chia sẻ, hơn 10 năm anh cầm lái tàu cứu nạn SAR 412 ra khơi cứu nạn là chừng ấy năm bác sĩ Hồng gắn bó với biển, với ngư dân. Bất kể lúc nào khi có yêu cầu trợ giúp là bác sĩ Hồng luôn trong tư thế sẵn sàng và nỗ lực hết mình sơ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe cho ngư dân như chính người thân trong gia đình.


Với sự hi sinh thầm lặng của mình, bác sĩ Phạm Thi Ánh Hồng đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Cục Hàng hải Việt Nam và Trung tâm phối hợp cứu nạn hàng hải Việt Nam. Càng ý nghĩa hơn, đúng dịp Kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, bác sĩ Hồng nhận được giải thưởng “Tỏa sáng Blouse trắng” do UBND thành phố trao tặng.


Đinh Văn Nhiều (TTXVN)
Nữ bác sĩ 89 tuổi thực hiện hàng trăm cuộc phẫu thuật mỗi năm
Nữ bác sĩ 89 tuổi thực hiện hàng trăm cuộc phẫu thuật mỗi năm

Ở độ tuổi ngoài bát tuần, các bậc cao niên thường nghỉ ngơi an hưởng tuổi già bên con cháu, tuy nhiên một nữ bác sĩ 89 tuổi tại Nga vẫn cần mẫn tự tay thực hiện hàng trăm cuộc phẫu thuật trong một năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN