Xuất khẩu 2011: Thuận về thị trường, khó về giá

Lợi thế giá bán cao do nhu cầu lớn trong khi nguồn cung khan hiếm, là nguyên nhân chính khiến kim ngạch các mặt hàng nông, lâm, thủy sản năm 2010 bội thu. Tuy nhiên, thuận lợi này khó lặp lại trong những năm tới. Do vậy, tăng giá trị của nông sản xuất khẩu (XK) mới là mục tiêu bền vững mà chúng ta phải dồn sức đạt được.

Câu chuyện hồ tiêu

Không thuộc nhóm những mặt hàng nông sản có kim ngạch XK cao nhưng sự tăng trưởng ổn định của hồ tiêu trong nhiều năm qua đáng để các ngành hàng nông, lâm, thủy sản khác nhìn nhận như một hướng đi tất yếu.


Trong 11 tháng qua, Việt Nam đã XK 112.000 tấn tiêu, đạt giá trị 397 triệu USD, giảm 11,5% về lượng nhưng tăng gần 23% về giá trị. Với những con số lạc quan về sản lượng và kim ngạch XK hồ tiêu của Việt Nam, từ cuối tháng 11/2010, Hiệp hội Hồ tiêu thế giới đã khẳng định Việt Nam sẽ vươn lên thành nước XK hồ tiêu lớn nhất thế giới, vượt qua Ấn Độ, Braxin và Inđônêxia.


Hiệp hội Hồ tiêu thế giới đặc biệt đánh giá cao những thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực XK hồ tiêu Việt Nam, nhất là khi lĩnh vực này có tuổi đời chỉ mấy chục năm, trong khi Ấn Độ đã XK hơn 1.000 năm nay.

Anh Trang Đức Ninh ở ấp Suối Đá, xã Dương Tơ, tỉnh Kiên Giang chăm sóc vưởn hồ tiêu. Ảnh : Thế Thuần-TTXVN.

Theo ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, đây là năm chúng ta đạt kim ngạch XK hồ tiêu cao nhất kể từ năm 1996. Nguyên nhân là do Việt Nam đã phần nào kiểm soát được giá bán thông qua chiến lược cung - cầu trên thị trường thế giới.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng cho biết: Hiện hồ tiêu Việt Nam chiếm đến 60% nguồn cung thị trường. Cũng theo ông Nam, các nhà kinh doanh hồ tiêu quốc tế thừa nhận ngành hồ tiêu Việt Nam có ảnh hưởng lớn đến cán cân cung - cầu và giá cả trên thị trường hồ tiêu thế giới.


Mặc dù, không ít các mặt hàng nông sản Việt Nam thuộc “top” các quốc gia có sản lượng XK cao trên thế giới, song dường như chưa có mặt hàng nào giữ được vị trí chi phối thị trường thế giới như tiêu. Vị trí này là kết quả của một quá trình phát triển hướng đến chất lượng của ngành hồ tiêu.


Kể từ năm 2002 đến nay, khi giá hồ tiêu trên thị trường đứng ở mức thấp, trong lúc nhiều nước đã giảm mạnh sản lượng tiêu sản xuất thì Việt Nam vẫn duy trì được sự tăng trưởng về sản lượng. Bên cạnh ưu thế chất lượng và sản lượng ổn định, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) XK đã đầu tư vào công nghiệp chế biến, đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao giá trị gia tăng cho hạt tiêu, đẩy giá bán tăng lên so với cách bán hồ tiêu thô như trước đây.

Nếu như những năm trước đây, có tới 95% sản lượng hồ tiêu XK của Việt Nam là tiêu đen (loại tiêu thô, chưa qua chế biến); sản lượng hồ tiêu trắng chỉ chiếm chưa đầy 5%, thì năm 2010, sản lượng hạt tiêu trắng chiếm gần 20% tổng lượng XK hạt tiêu của cả nước. Với giá bán cao gấp 1,5 lần so với hồ tiêu đen, việc gia tăng XK hạt tiêu trắng để nâng cao giá trị, hiệu quả XK là chiến lược mà Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam khuyến cáo các DN.

Khó có lợi thế về giá

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2010, trừ mặt hàng cà phê và sắn, khối lượng và giá trị XK của hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sẽ tăng trưởng khả quan. Điển hình tăng mạnh về giá trị kim ngạch là cao su (93%), nhân điều (32%), hạt tiêu (23%), các mặt hàng thủy sản (16%), gạo (15%)... Tuy nhiên, kim ngạch những mặt hàng này tăng hầu hết là nhờ giá XK thuận lợi trên thị trường quốc tế.


Giá gạo XK bình quân đạt 467 USD/tấn, tăng 4,6% so với năm ngoái. Giá cao su cũng tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, khiến sản lượng cao su XK tuy tăng 5% về lượng nhưng tăng tới 86% về giá trị.


Hạt điều cũng lần đầu tiên lọt vào “câu lạc bộ” các mặt hàng kim ngạch đạt 1 tỷ USD nhờ giá hạt điều XK bình quân đạt 5.621 USD/tấn, tăng tới 941 USD/tấn so với năm trước. Câu chuyện giá gạo là một điển hình: Trong vòng xoáy tăng giá gạo thế giới, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã bốn lần tăng giá sàn XK gạo.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, giá tăng đưa kim ngạch tăng, nhưng hiệu quả XK chưa thực sự tăng tương xứng với sự gia tăng kim ngạch. Nguyên nhân chủ yếu do các chi phí sản xuất của hầu hết các ngành hàng đều tăng theo đà tăng giá chung, giá nguyên liệu tăng nên giá thành sản xuất cũng tăng.


Chưa kể, năm 2010, những biến động tỷ giá cũng tác động không nhỏ đến tình hình xuất - nhập các mặt hàng nông sản và vật tư sản xuất, khiến ngành nông nghiệp chịu không ít ảnh hưởng. Người sản xuất và các DN XK vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do biến động của tỷ giá và lãi suất, giá cả nguyên liệu đầu vào, thiếu lao động phổ thông, thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh...

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2011 XK nông, lâm, thủy sản sẽ tiếp tục có những thuận lợi về thị trường và đơn hàng do sự phục hồi của kinh tế thế giới, đặc biệt tại các thị trường truyền thống.


Tuy nhiên, XK nông sản năm 2011 khó có lợi thế về giá như năm 2010. Bước vào năm 2011, những biện pháp bảo hộ phi thuế dành cho nông nghiệp gần như bãi bỏ, hầu hết hàng hóa đều được quản lý theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và không hạn chế định lượng.


Bên cạnh đó, do hạn chế về tài chính, các DN, hộ nông dân không đủ khả năng dự trữ các mặt hàng để chờ tăng giá nên ảnh hưởng đến giá nông sản XK.

Do vậy, tăng kim ngạch nhờ giá thị trường tăng nói chung không còn là giải pháp cho tăng trưởng XK nông sản Việt Nam năm 2011. Để hướng đến mục tiêu tăng giá trị của nông sản, việc nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời phát triển thị trường XK đa dạng và ổn định, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho DN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo các DN tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, nhất là tại các thị trường trọng điểm có kim ngạch nhập khẩu lớn; hợp tác với các nước có cùng mặt hàng XK để tăng cường hiệu quả XK, đồng thời thiết lập kênh thông tin, làm tốt công tác dự báo để định hướng cho sản xuất và XK.


Mặt khác, cả người sản xuất và DN cần nâng cao chất lượng, hướng đến giá trị gia tăng cho sản phẩm nông, thủy sản XK. Đó mới là giải pháp tăng trưởng bền vững cho nông sản Việt Nam.

Phạm Thanh Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN