Vẫn chưa được hoạt động, đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông 'phát huy tác dụng phụ'

Trong khi người dân Hà Nội vẫn tiếp tục chờ đợi tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông sớm đi vào hoạt động, để giải tỏa ùn tắc giao thông, thì những tác dụng "phụ" của dự án này đang hàng ngày phát sinh. Không ít ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng Hà Nội cần siết chặt quản lý, bảo vệ cảnh quan đô thị các tuyến đường có đường sắt đi qua.

Dư luận xã hội và người dân Thủ đô tiếp tục mong ngóng thời gian cụ thể dự án đưa vào vận hành, khai thác thương mại sau khi Bộ GTVT khẳng định đã đủ điều kiện hoạt động. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, từ đầu tháng 4/2021, Ban Quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT) và Công ty Metro Hà Nội đã hoàn thành công tác bàn giao hồ sơ, hoàn thành kiểm đếm tài sản dự án tại hiện trường. Bộ GTVT đã phối hợp với UBND TP Hà Nội tiếp nhận dự án, hoàn thiện các giải pháp xử lý đối với những khuyến cáo của Tư vấn ACT (Pháp) trước khi được cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án.

Bộ GTVT đang chờ Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu công trình, đánh giá cuối cùng để ra thông báo về kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư. Thông báo của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội và Tổng thầu Trung Quốc hoàn tất thủ tục bàn giao dự án, đưa vào vận hành.

TP Hà Nội đã có quyết định ban hành giá vé vận chuyển hành khách công cộng có trợ giá đối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 14/6. Theo đó, trong 15 ngày kể từ khi tuyến đường sắt này bắt đầu khai thác thương mại, UBND TP Hà Nội sẽ miễn giá vé cho toàn bộ hành khách đi tuyến đường sắt đô thị này. Sau 15 ngày khai thác sẽ áp dụng giá vé lượt theo 2 hình thức đối với người mua vé bằng thẻ và tiền mặt.

Giá vé lượt được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất. Riêng việc thanh toán bằng thẻ được khuyến khích với mức giá rẻ hơn thanh toán bằng tiền mặt, cụ thể giá vé lượt thấp nhất 7.420 đồng/lượt, cao nhất 14.500 đồng/lượt tùy theo cự ly. Với khách mua vé ngày, giá vé sẽ là 30.000 đồng/người/vé/ngày, không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến trong cả ngày. Giá vé tháng với hành khách phổ thông là 200.000 đồng/người/vé/tháng.

Với học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp giá vé tháng 100.000 đồng/người/vé/tháng. Người lao động tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể có mức 140.000 đồng/người/vé/tháng. UBND TP Hà Nội miễn tiền vé cho các đối tượng ưu tiên, bao gồm: người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo…

Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị trên cao đầu tiên của cả nước và Hà Nội, nên được người dân kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả, phục vụ đi lại thuận tiện và góp phần giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, trong thời gian chờ dự án này đi vào hoạt động, phóng viên Báo Tin tức ghi nhận hình ảnh những tác dụng "phụ" của dự án đang phát sinh, cho thấy sự cần thiết vào cuộc của các cơ quan liên quan trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường, đô thị những tuyến phố có đường sắt đi qua, xây dựng hình ảnh tuyến đường sắt văn minh, xanh, sạch, đẹp, hạn chế tình trạng "nhếch nhác" gây bức xúc dư luận. 

TP Hà Nội cũng đã ban hành văn bản 3972/VP-GPMB (ngày 5/5/2021) về việc tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm mặt bằng, vi phạm trật tự đô thị, yêu cầu các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông và các phường sở tại nơi có tuyến đường sắt đi qua khẩn trương kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm theo quy định, báo cáo kết quả về UBND TP Hà Nội.

Video, hình ảnh ghi nhận của phóng viên báo Tin tức về những tác dụng "phụ" của dự án những ngày cuối tháng 6/2021:

Chú thích ảnh
Nhiều vị trí dải phân cách dưới gầm dự án đang trở thành nơi người dân đổ phế thải, rác thải...
Chú thích ảnh
Điểm tập kết vật liệu xây dựng dưới gầm đường sắt trên tuyến phố Hào Nam, quận Đống Đa.
Chú thích ảnh
Điểm đổ đất thải dưới gầm đường sắt trên phố Yên Lãng, quận Đống Đa.
Chú thích ảnh
Một số vị trí trở thành điểm tập kết xe thùng chở rác của các công ty môi trường đô thị.
Chú thích ảnh
Nơi để chuồng nuôi chó tiện lợi của một số hộ dân trên phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa...
Chú thích ảnh
 ...và tăng gia sản xuất, trồng rau màu.
Chú thích ảnh
Cầu đường sắt trên cao tạo bóng râm mát cho những người lái "xe ôm", xe ba bánh dừng nghỉ chân dưới trời nắng nóng.
Chú thích ảnh
Vị trí dưới gầm dự án biến thành sân riêng, quán cà phê... của các hộ dân trên đường Giáp Nhất, quận Thanh Xuân.
Chú thích ảnh
Trụ đường sắt được không ít người dân dán pano, tờ rơi, sơn quảng cáo... miễn phí.
Chú thích ảnh
Chân cầu vượt nối với các ga đường sắt trên tuyến là điểm để xe máy...
Chú thích ảnh
Khu vực cấm họp chợ nhưng chợ vẫn họp vì có bóng mát trên đường Láng Thượng, quận Thanh Xuân.
Chú thích ảnh
Gầm ga đường sắt là điểm trú mưa lý tưởng mỗi khi có cơn mưa bất chợt đổ xuống đường, nhưng cũng gây nguy hiểm cho người tham giao thông.
Chú thích ảnh
Cùng với cây cảnh trang trí, nhiều vị trí dải phân cách được tận dụng để cắm biển chỉ dẫn tiện lợi.
Chú thích ảnh
Bóng râm của tuyến đường sắt tỏa suốt chiều dài dự án có giá trị nhất cho người đi đường trong những ngày trời nắng nóng gay gắt.

Hiện nay, 13 đoàn tàu dự án đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, cấp giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện. Các đoàn tàu đã vận hành thử hơn 15.000 km đảm bảo an toàn. Dự án cũng đã được cấp chứng nhận của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, kết quả đánh giá an toàn bước 2 về hệ thống tín hiệu. Đường sắt đô thị Hà Nội trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông dài 13,5 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), với 12 nhà ga trên cao, đạt vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến. Dự án được khởi công từ tháng 10/2011, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (tương đương hơn 20.000 tỷ đồng).

Bài, ảnh, video: Vân Sơn/Báo Tin tức
Ga Cát Linh vẫn bị chiếm dụng mặt bằng
Ga Cát Linh vẫn bị chiếm dụng mặt bằng

Trong phạm vi chỉ giới đường đỏ của dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, mặt bằng của Ga Cát Linh đang bị người dân tự ý lấn chiếm để sử dụng, kinh doanh, bất chấp chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN