Tuyết rơi dày, phủ một màu trắng lên hoa màu ở huyện Trạm Tấu. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Theo tin từ các đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái tại các huyện vùng cao phía Tây của Yên Bái báo về, vào lúc 18 giờ hôm nay (24/1), mưa tuyết đã vùi lấp toàn bộ diện tích hoa màu của nhân dân (chủ yếu là rau cải của người dân). Đã có 21 con trâu, bò bị chết tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Về trồng trọt thì hiện tượng mạ bị chết do rét chưa xảy ra. Tuy nhiên, tại các xã khu vực vùng cao của huyện Mù Cang chải như Nậm Khắt, Phúng Luông, La Pán Tấn, Dế Su Phình, Chế Cu Nha, Kim Nọi, Mồ Dề), huyện Trạm Tấu như Tà Xi láng, Sà Hồ, Bản Công, Làng Nhì)... mặt ruộng đang có hiện tượng đóng băng, các tấm nilong che phủ mạ cũng đã bị băng tuyết phủ kín.
Ông Trần Đức Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái, người trực tiếp làm trưởng đoàn kiểm tra tình hình sản xuất của Sở tại huyện Trạm Tấu cho biết, theo các cụ cao niên ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, lần đầu tiên trong lịch sử Yên Bái mới có nhiều tuyết rơi đến thế. Trước đây Trạm Tấu đã một lần xảy ra hiện tượng băng tuyết trên đỉnh núi cao của xã Sà Hồ, nhưng lần này tuyết rơi tràn ngập các xã trong huyện. Ngay như tại thị trấn huyện lỵ Trạm Tấu cũng đã xuất hiện tuyết rơi dày đặc. Có nơi tuyết dày tới 30 cm, đặc biệt hơn là đã xuất hiện tình trạng nước đóng băng. Còn tại các tuyến đường đến xã, thôn bản của nhiều xã vùng cao ở các huyện này đi lại rất khó khăn vì băng tuyết đã phủ trên mặt đường.
Không chỉ riêng ở các huyện vùng cao của Yên Bái, ngay tại ở thành phố Yên Bái và các huyện Trấn Yên, Yên Bình... sáng 24/1 đã xuất hiện tình trạng mưa đá trên diện rộng với diện tích viên đá nhỏ chừng 1/2 hạt gạo; nhiều nơi lác đác đã xảy ra tình trạng nước đóng băng trên mái nhà.
Trước tình trạng này Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo nông dân tạm dừng ngâm, ủ, gieo mạ, cấy lúa trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 15 độ C. Đối với mạ, 100% diện tích mạ đã gieo phải che phủ nilong; chuẩn bị tro rơm rạ hoặc tro bếp bón bổ sung giữ ấm chân mạ.
Đối với những diện tích lúa đã cấy cần đưa nước vào để giữ ấm, duy trì mực nước 2 - 3 cm, không được để khô ruộng. Đối với cây rau màu, không gieo trồng trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, đồng thời chuẩn bị tốt các khâu làm đất, giống, phân bón để khi thời tiết ấm lên thì tiến hành gieo trồng, đảm bảo kịp thời vụ. Mặt khác, nông dân thường xuyên thăm đồng kiểm tra tình hình sâu bệnh hại đầu vụ.
Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp, chỉ đạo áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: che chắn, củng cố chuồng trại chống rét; tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, tiêu độc khử trùng vệ sinh môi trưởng chăn nuôi; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để chế biến dự trữ làm thức ăn cho trâu, bò (dự trữ rơm, rạ, cỏ khô...).
Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các địa phương không sử dụng gia súc làm việc hoặc cày, kéo khi nền nhiệt độ ngoài trời giảm xuống dưới 12 độ C; không chăn thả gia súc ngoài đồi, bãi; bổ sung cho gia súc thức ăn tinh và cho uống nước ấm, tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi.