Năm 2024 được xem là thời cơ, bước ngoặt để tăng số lượng và chất lượng thu hút đầu tư FDI. Thay vì chú trọng số lượng, thu hút FDI của Việt Nam đang chú trọng tới chất lượng dự án, thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến các dự án công nghệ cao, đầu tư xanh, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, không chỉ thụ động như giai đoạn trước, đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
TTXVN đã thực hiện chùm 5 bài viết với chủ đề: Thu hút FDI thế hệ mới: Không để lỡ nhịp "cuộc chơi" đánh giá về những tiềm năng, lợi thế và phân tích thực trạng thu hút FDI thế hệ mới tại Việt Nam, từ đó nêu giải pháp thu hút FDI thế hệ mới hiệu quả trong thời gian tới.
Bài 1: Không để lỡ nhịp 'cuộc chơi'
Thu hút FDI thế hệ mới được hiểu là hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, tập trung nghiên cứu và phát triển, năng lực quản trị hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao cho kinh tế Việt Nam... Trước đây, Việt Nam cần vốn và có nguồn lao động dồi dào nên mong muốn có nhiều nhà đầu tư vào cung ứng vốn, sử dụng nhiều lao động.
Nhưng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam, việc thu hút FDI phải hướng đến chuyển giao công nghệ, tạo ra sự liên kết và chuỗi giá trị. Vì vậy, Việt Nam đang khẩn trương thu hút dòng vốn FDI công nghệ cao; trong đó, có việc chuẩn bị các điều kiện đón nhận dự án đầu tư trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn.
Lợi thế hút vốn FDI thế hệ mới
Việt Nam được coi là mắt xích sản xuất mới của châu Á, đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu do có lợi thế về điều kiện tự nhiên, là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có trữ lượng đất hiếm, một nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc. Việt Nam có thể khai thác đất hiếm không chỉ xuất khẩu đem về 15-16 tỷ USD/năm mà còn là một điều kiện hợp tác, cùng phát triển công nghiệp bán dẫn với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ đó, các tập đoàn hàng đầu công nghiệp bán dẫn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã ký thỏa thuận hợp tác và sắp tới sẽ thực hiện một loạt dự án liên doanh, đầu tư trực tiếp nước vào ngành công nghiệp đất hiếm của Việt Nam.
Cùng đó, Việt Nam ưu tiên các dự án như công nghệ cao, các dự án điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo... trên cơ sở Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện nêu rõ hai nội dung hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao; trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
Cùng với tiềm năng về công nghiệp bán dẫn, các tổ chức quốc tế đánh giá: Việt Nam nổi lên như một điểm sáng, thăng hạng trong thu hút FDI. Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC nhận định: Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia cùng với Singapore, Malaysia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ. Việt Nam là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bởi những thế mạnh của nền kinh tế.
Đó là, nền kinh tế phục hồi và phát triển ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu. Các rào cản trong kinh doanh, đầu tư được dỡ bỏ, mở đường cho môi trường thông thoáng, minh bạch và đầy cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng vào khu vực và thế giới, đã ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do, với hơn 60 đối tác phủ rộng khắp các châu lục.
Xét về mức độ tự do hóa tiếp cận thị trường, theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam hiện ngang hàng với Singapore – quốc gia phát triển nhất khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, Việt Nam có lực lượng lao động có chất lượng, chi phí hợp lý đã và đang hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử dễ dàng chuyển đổi sang, với hơn 50% dân số dưới 30 tuổi (thời kỳ dân số vàng) và khoảng 1,8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hàng năm.
Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc cấp cao Khối Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi đã chứng kiến sự chuyển dịch đáng chú ý về cơ cấu đầu tư tại Việt Nam, chuyển đổi từ các ngành sử dụng nhiều lao động sang các lĩnh vực công nghệ, truyền thông và dịch vụ. Điều này phản ánh bối cảnh đang phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tập trung vào sản xuất chip công nghệ cao, thị trường kỹ thuật số và du lịch. Ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài đáng kể nhất; trong đó, Việt Nam đóng vai trò là cơ sở sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao".
"Điểm mặt" những rào cản
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết: Tính đến ngày 20/4/2024, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, vốn thực hiện của các dự án FDI 4 tháng ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Hiện các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư, đặt địa điểm chiến lược cho sản xuất phân tán. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc hiện thực hóa được các cơ hội đang mở ra cũng không hề dễ dàng trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể là thủ tục hành chính, quy định luật pháp rõ ràng và nhất quán… đang là các vấn đề mà nhà đầu tư và doanh nghiệp quan tâm nhất.
Các doanh nghiệp nước ngoài cho biết đang theo dõi một số thay đổi quy định sắp tới có khả năng định hình lại đáng kể môi trường hoạt động của họ; trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang rất quan tâm như: việc triển khai cụ thể Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII), thỏa thuận mua điện trực tiếp; việc triển khai và ảnh hưởng của Luật Đất đai 2024...
Mới đây, tại hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu một số tồn tại của khu vực FDI như: Chất lượng đầu tư, trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ ở một số dự án còn hạn chế; tỉ lệ nội địa hóa còn thấp. Sự liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI còn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, bền vững. Số lượng, quy mô các dự án đầu tư vào công nghệ cao, xanh, sạch, thân thiện môi trường còn khiêm tốn. Còn tình trạng một số địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao; còn phát sinh những bất cập trong quan hệ lao động…
Thái Nguyên là một trong những địa phương nằm trong “Top” điểm sáng thu hút FDI. Ông Trần Quốc Trung, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên bày tỏ: Địa phương vẫn còn gặp khó khăn, thách thức trong thu hút dự án FDI chất lượng cao, bền vững vào các khu công nghiệp do tính nhất quán, ổn định, minh bạch của hệ thống pháp luật đối với các nhà đầu tư.
"Màng lọc" cho những dự án chất lượng
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đón dòng vốn đầy tư chất lượng cao, cũng tại hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp có vốn FDI và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương bám sát tình hình quốc tế, trong nước để chủ động điều chỉnh phù hợp các cơ chế, chính sách thu hút FDI, bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phù hợp tình hình Việt Nam và xu thế thế giới. Đồng thời, tập trung xây dựng và thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm sự hấp dẫn, công khai, minh bạch, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Cùng với đó, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn, thân thiện môi trường, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và các ngành, lĩnh vực mới nổi như: chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen…; tham gia sâu rộng vào các chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực, toàn cầu.
Trước đó, Chính phủ cũng có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp đã được nêu tại Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 2/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đó, các bộ, ngành phối hợp, hỗ trợ các địa phương xúc tiến, đàm phán, tư vấn chính sách, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài trên nguyên tắc các bên cùng có lợi; tuyên truyền quảng bá về sự sẵn sàng của Việt Nam đón nhận làn sóng đầu tư thế hệ mới với các lợi thế về tiềm năng phát triển kinh tế mạnh mẽ, môi trường đầu tư thực sự thuận lợi với sự đồng hành, hỗ trợ tối đa của chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, cơ sở hạ tầng không ngừng được hoàn thiện, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư ngoài thuế đối với dự án công nghệ cao khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu….
Ngoài ra, các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh việc ban hành và thực thi chính sách để ngành công nghiệp hỗ trợ có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển thời gian sắp tới. Từ đó giúp các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam có thể kết nối và tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong làn sóng đầu tư giai đoạn tới; thúc đẩy triển khai các dự án năng lượng theo Quy hoạch Điện VIII và sớm khắc phục tình trạng thiếu điện tại một số địa phương.
Về thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp chíp bán dẫn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư; đồng thời, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn. Theo đó, các ngành chức năng tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động để trong thời gian sớm nhất có thể gia nhập vào thị trường lao động.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip. Chính phủ đã đặt mục tiêu đào tạo được 50 nghìn kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.
Bài 2: 'Xây tổ' đón 'đại bàng'