Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, năm 2024 các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài về cơ bản sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%); trong đó, có các nước có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore...
Nếu Việt Nam áp dụng quy định về thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn thì sẽ thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng. Theo tính toán sơ bộ với số liệu quyết toán thuế năm 2022, có 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ việc áp dụng quy định về thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn và số thuế Việt Nam sẽ thu được khi áp dụng quy định này ước tính khoảng 14.600 tỷ đồng.
Khi Việt Nam áp dụng Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) đối với những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, theo tính toán sơ bộ với số liệu quyết toán thuế năm 2022 thì có khoảng 6 tập đoàn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài cũng chịu ảnh hưởng của quy định IIR và số thuế thu được ước tính khoảng 73 tỷ đồng (nếu nước nhận đầu tư không áp dụng quy định về thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn).
Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết: Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Song nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Do đó, việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới, như tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung; tăng cường hội nhập quốc tế; hạn chế hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đây cũng là động lực để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và ban hành chính sách mới, thu hẹp khoảng cách về chính sách giữa nội luật và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước. Bên cạnh đó, là cơ hội để rà soát và cập nhật chính sách ưu đãi đầu tư, qua đó không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Ngoài ra, thúc đẩy quá trình thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế Việt Nam tới năm 2030 theo Quyết định 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ với 3 trụ cột về: cải cách thể chế quản lý thuế hiệu quả theo hướng hội nhập; trong đó, có việc áp dụng đầy đủ các chuẩn mực kiểm toán quốc tế là một vấn đề được cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm; phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin hiện đại trong bối cảnh kinh tế số.
Tuy nhiên, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ gặp phải một số thách thức. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trí Dũng cho biết: Mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia sẽ làm giảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Qua đó, làm ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài, thể hiện trên một số mặt như khó khăn trong việc thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, nhất là các dự án thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư. Tiếp đến là việc giữ chân các nhà đầu tư lớn cũng như việc khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam gặp khó khăn nếu Việt Nam không kịp thời có các giải pháp.
Ông Jonathan Pemberton, chuyên gia cấp cao của Trung tâm Đầu tư và Thuế quốc tế (ITIC) cho rằng, quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (GloBE) đang được áp dụng ở nhiều nơi và có 35 nước, lãnh thổ (khu vực tài phán) đang thực hiện GloBE từ năm 2024.
Theo khảo sát của ông Jonathan Pemberton, những quốc gia đang gặp thách thức là thấu hiểu quy định và chuyển quy định thành hệ thống pháp luật trong nước, đảm bảo sự tương thích với OECD. Đối với Việt Nam, sẽ cần cơ chế, quy trình về pháp lý để thực hiện quy định, tuy nhiên có thể sẽ phù hợp hơn nếu điều chỉnh bằng văn bản dưới luật.
“Mỗi quốc gia sẽ có cách tiếp cận và thực thi khác nhau. Chúng ta không đơn độc, nhiều quốc gia cũng đang quan tâm về vấn đề thực thi thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo thực thi công bằng, tránh đánh thuế chung” ông Jonathan Pemberton cho biết.
Theo các chuyên gia kinh tế, khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài (FDI) đã đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến ngày 20/4/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đây được coi là điểm sáng của nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm.
Ông Đinh Trọng Thịnh chuyên gia kinh tế chỉ rằng, ưu đãi về thuế là công cụ chủ yếu để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một khi mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% được áp dụng, Việt Nam sẽ phải cải thiện những công cụ khác để không bị chậm nhịp trên đường đua thu hút FDI nhưng vẫn phải đảm bảo lợi ích hợp lý của Việt Nam.
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài đề xuất, cần nhanh chóng rà soát các doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng, đánh giá khả năng thu thuế bổ sung, mức độ tác động tới môi trường đầu tư; rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi đầu tư, để loại bỏ những chính sách không còn phù hợp với quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Chỉ khi xác định đầy đủ mức độ tác động thì mới có thể có giải pháp phù hợp.
Bài cuối: Sẵn sàng đón dòng đầu tư tỷ USD