Bà Phan Thị Diệu Hà cũng cho biết, phiên đấu giá đường năm 2016 nhận được đánh giá cao từ dư luận và Hiệp hội Mía đường Việt Nam về công tác tổ chức (công khai, minh bạch). Do vậy, năm 2017 từ kết quả điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016, Bộ Công Thương đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục điều hành nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá thí điểm.
Kho đường tại nhà máy đường Thành Thành Công Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN |
Hiện nay, Bộ Công Thương đang chờ ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, tổng hợp để xây dựng văn bản theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho việc tổ chức đấu giá năm 2017.
Ngay sau khi văn bản được ban hành, Bộ Công Thương sẽ công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để các thương nhân biết về thời gian đấu giá và gửi hồ sơ tham dự đấu giá theo quy định.
Các chuyên gia Cục Xuất Nhập khẩu nhận định: Phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường năm 2016 được tổ chức thành công vào đầu tháng 9 năm 2016 tại Trụ sở Bộ Công Thương, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Toàn bộ số lượng quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan 85.000 tấn đường đã được đấu giá hết và số tiền thu được từ đấu giá khoảng 138 tỷ đồng.
Hội đồng đấu giá thí điểm cho biết, sau khi công bố kết quả, trong vòng 5 ngày, đơn vị trúng thầu sẽ phải chuyển tiền đã đấu giá thành công và sau 7 ngày công ty nào không trúng sẽ được hoàn lại tiền đặt cọc tham gia đấu giá.
Theo đánh giá từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, việc Bộ Công Thương quyết định đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường là thể hiện sự ghi nhận những kiến nghị trước đây của Hiệp hội.
Hơn thế, việc đấu giá sẽ tạo sự công bằng cho tất cả các công ty, thương nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến mặt hàng đường. Qua đó cũng sẽ giúp giảm dần tình trạng “xin - cho” qua hình thức phân bổ hạn ngạch cho doanh nghiệp như những năm qua.