Gỡ nút thắt để mía đường hội nhập

Khó khăn lớn nhất của ngành mía đường khi tham gia hội nhập là chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm của ta cao so với thế giới.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (CASUCO), thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Theo lộ trình đến năm 2018, thuế xuất nhập khẩu mía đường từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0% thay vì 30% như hiện nay. Đến thời điểm này, lượng đường từ các quốc gia ASEAN sẽ tạo ra những sức ép không nhỏ đối với ngành mía đường Việt Nam. Làm thế nào để tăng khả năng cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam không chỉ là vấn đề lúc này mới được đặt ra. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với TS. Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

Thưa ông, nói đến các mặt hàng bị cạnh tranh mạnh sau hội nhập, có ý kiến cho rằng, với những ngành hàng chúng ta không thể cạnh tranh được, tại sao chúng ta lại phải “bám” mà không thể “buông”. Quan điểm của ông về vấn đề này khi đặt vào ngành mía đường?

Đối với ngành mía đường, ở Việt Nam cũng như các nước, đường được xác định là mặt hàng nhạy cảm và rất nhạy cảm, như Nhật Bản còn không đưa mặt hàng đường vào nội dung đàm phán khi gia nhập Hiệp định thương mại tự do xuyên thái bình dương (TPP). Vì đối với cây mía hay sản phẩm đường, đó không chỉ là câu chuyện sản phẩm đường cho người tiêu dùng mà còn là là bảo vệ quyền lợi sản xuất của người trồng mía (người nông dân).

Do vậy, các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines hay Trung Quốc, Nhật Bản đều có chính sách rất cụ thể đối với cây mía hay người trồng mía. Đó không chỉ là vấn đề thương mại, kinh tế, mà còn là vấn đề xã hội. Nhằm giải quyết hài hòa lợi ích của cả người sản xuất (hộ nông dân và nhà máy) và người tiêu dùng.

Đối với người tiêu dùng thì trên 2/3 sản lượng đường thông qua ngành công nghiệp thực phẩm, cho nên cần phải tính toán hài hòa để đảm bảo cho cả người tiêu dùng trực tiếp và cho các ngành liên quan khác.

Thời gian qua, cũng đã có một số nghiệp ngành mía đường chuẩn bị tích cực cho việc hội nhập, tuy nhiên, quá trình này cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể đó là những vấn đề gì, thưa ông?

Mặc dù mía đường là một trong những ngành nông nghiệp ngay từ đầu đã gắn sản xuất với chế biến, nông nghiệp với công nghiệp hình thành chuỗi giá trị trong tổ chức sản xuất. Đến nay cả nước có 41 nhà máy đường với vùng nguyên liệu mía khoảng 300.000 ha có hệ thống cơ sở hạ tầng khá.

Sau khi tái cơ cấu, chuyển đổi sở hữu (năm 2004), đến nay 41 nhà máy đường chuyển thành công ty cổ phần nhiều nhà máy không còn vốn nhà nước đã vượt vượt qua khó khăn, khắc phục tình trạng thua lỗ chuyển sang kinh doanh có hiệu quả, lợi nhuận tăng dần và nộp ngân sách tăng, góp phần giải quyết cho hàng vạn lao động, hàng ngàn hộ nông dân có thâm việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo.

Nhưng khi bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, ngành mía đường phải đối diện với nhiều thách thức khó khăn, trực tiếp là về kinh tế (giá cả), nguyên do: Chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm cao, năng suất, chất lượng mía thấp so với bình quân chung của thế giới cũng như các nước trong khu vực (năng suất bình quân 64 tấn/ha, chữ đường 9,4CCS, trong khi thế giới là 70 tấn/ha và 10CCS); vùng nguyên liệu chủ yếu của hộ nông dân với quy mô nhỏ lẻ, khó có thể cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới, thiếu lao động (lao động nông thôn đang có xu hướng chuyển dịch vào làm việc ở thành phố hay khu công nghiệp).

Trong bối cảnh này, phải tái cơ cấu lại ngành sản xuất mía đường, trước hết cần phải tổ chức lại vùng nguyên liệu theo hướng tập trung đất đai, tạo ra cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất giống (3 cấp) cung cấp cho dân trồng mía, cải tiến, áp dụng mô hình canh tác (từ làm đất, trồng chăm sóc, bón phân,…), cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất đến thu hoạch để năng suất, chất lượng cao, giá thành hạ, nâng cao thu nhập cho người trồng mía, tăng khả năng cạnh tranh với cây trồng khác là vấn đề rất quan trong với ngành mía đường.

Tuy nhiên, tích tụ tập trung đất đai là vấn đề không đơn giản và thuận lợi trong ngành nông nghiệp nói chung chứ không riêng doanh nghiệp ngành mía đường. Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp trong nước đang tích cực hỗ trợ nông dân chuyển dịch đất đai theo hướng dồn điền đổi thửa, chuyển nhượng chuyển đổi để tạo cánh đồng lớn áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ thực hiện cơ giới hóa đồng bộ như: Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, các công ty của Tập đoàn Thành Công, Công ty cổ phần Mía đường Quảng Ngãi…

Thưa ông, trong thời gian qua, mối quan hệ giữa nông dân trồng mía và nhà máy đường trong việc tiêu thụ mía nguyên liệu đang còn không ít vấn đề do chưa có sự gắn kết. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Mối quan hệ giữa nông dân trồng mía và nhà máy lúc nào cũng là vấn đề thời sự và đây cũng là nút thắt rất cần tháo gỡ của ngành mía đường để làm sao quan hệ giữa nhà máy đường với người trồng mía phải gắn kết như kiểu “môi hở răng lạnh”.

Thực tế thời gian qua, việc tiêu thụ mía cho người trồng mía vẫn chưa được giải quyết thấu đáo về phương thức thu mua, giá cả, xác định chữ đường, nên một số nơi người trồng mía chưa có sự tin tưởng vào nhà máy, do có một số nhà máy thiếu công khai minh bạch và giám sát của người trồng mía về chữ đường. Điều này làm cho sự gắn kết giữa hai bên thiếu bền vững, dễ dẫn đến tình trạng “bẻ kèo”, phá vỡ chuỗi liên kết.

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa người trồng mía cần sớm được giải quyết chính là giải pháp phát triển vùng nguyên liệu để phát triển bền vững và đi lên của nhà máy, trong đó phải lấy lợi ích nông dân trồng mía làm gốc. Như ở Thái Lan giải quyết tốt mối quan hệ này nhờ có Luật Mía đường từ năm 1984. Để giải quyết lợi ích giữa người trồng mía và doanh nghiệp sản xuất, Luật quy định việc giá mía nguyên liệu giá đường trong nước đầu vụ và phân chia lợi nhuận ròng của nhà máy theo tỷ lệ 70% - 30% với người trồng mía, đồng thời nhà nước quy định giá bán đường trong nước.

Liên quan đến các sản phẩm phụ của ngành mía đường mà ông vừa đề cập, ở các quốc gia khác, ngành mía đường phát triển hiệu quả do không chỉ có sản phẩm chủ lực là đường mà còn các sản phẩm khác như cồn công nghiệp, điện, giấy, phân bón… Chúng ta đã tận dụng cây mía như thế nào để có thể phát huy hiệu quả cao của ngành công nghiệp mía đường?


Mía đường là nông sản thực phẩm gồm đường, sản phẩm sau đượng và cạnh đường. Nếu chúng ta đầu tư đồng bộ thì hiệu quả mang lại từ cây mía rất cao. Nhưng trong suốt hơn 20 năm qua kể từ khi khởi động chương trình 1,0 triệu tấn đường (năm 1995) vẫn mới chỉ dừng lại sản phẩm chính là đường còn mang nặng tính khai thác tự nhiên từ nguyên liệu cây mía, các sản phẩm cạnh đường, sau đường có đầu tư nhưng chưa nhiều.

Nguyên do các dự án đầu tư nhà máy đường (năm 1995) là dự án đầu tiên của nền kinh tế chuyển từ hình thức cấp phát bằng ngân sách nhà nước sang hình thức đầu tư bằng vốn tín dụng đầu tư nhà nước; một số nhà máy sau khi đầu tư xong thì chịu tác động nặng nề của khủng khoảng tài chính khu vực và châu Á (năm 1997); giá đường thế giới liên tục giảm sâu, nhiều nhà máy có giá thành cao hơn giá bán, nên hầu hết các nhà máy trong gia đoạn này phải chèo chóng với tình trạng khó khăn về tài chính và tiêu thụ sản phẩm.

Mặt khác chính sách khuyến khích đầu tư chưa có và chưa khuyến khích cho việc đầu tư phát triển năng lượng sinh khối từ bã mía, sử dụng nhiêu liệu sinh học ethanol từ nông sản trong đó có mía… Trong những năm gần đây nhiều nhà máy đường đã và đang đầu tư phát triển các dự án điện sinh khối từ bã mía, sản xuất cồn rượu, ethanol từ mật rỉ, mía, sản xuất phân bón sinh học từ bã bùn cây mía… nên đã góp phần tăng doanh thu, hiệu quả sản xuất kinh doanh và lợi nhuận cho nhà máy. Tuy nhiên chính sách khuyến khích phát triển năng lượng sianh khối từ bã mía và cồn sinh học ethanol từ mật rỉ, mía hiện tại chưa thật khuyến khích, hỗ trợ cho lĩnh vực này phát triển, rất cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành có liên quan.

Giải pháp nào để ngành mía đường phát triển bền vững trong quá trình hội nhập khi sau năm 2018 khi không còn hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường?

Như đã nói ở phần trên nút thắt, khó khăn lớn nhất của ngành mía đường khi tham gia hội phập là chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm của ta cao so với thế giới. Để gỡ nút thắt trên rất cần các giải pháp về kinh tế, kỹ thuật và quản lý nhà nước.

Về kinh tế, kỹ thuật, cần nhanh chóng thực hiện tái cơ cấu lại ngành mía đường từ sản suất nguyên liệu và chế biến đường (gồm cả sản phẩm sau đường, cạnh đường). Đối với nguyên liệu mía phải bắt đầu quy hoạch thiết kế lại đồng ruộng để có vùng nguyên liệu tương đối ổn định, đồng ruộng tạo điều kiện thuận lợi cho áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; tổ chức lại nghiên cứu sản xuất giống theo nguyên tắc giống 3 cấp, thay thói quen dân tự để giống, áp dụng biện pháp canh tác theo hướng thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến trong gieo trồng, chăm sóc thu hoạch, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất đến thu hoạch, áp dụng các hình thức tưới có hiệu quả đến việc tổ chức lại công tác tiêu thụ, giá cả, quản lý chữ đường chuyển sang hình thức tiêu thụ phải qua hợp đồng đồng tư (nhà máy với người trồng mía).

Về quản lý nhà nước, chuyển dần từ sự can thiệp trực tiếp sang thực hiện chức năng quản lý nhà nước thông qua các công cụ: Xây dựng quản lý quy hoạch kế hoạch, xây dựng, ban hành hành lang pháp lý, thanh tra kiểm tra… Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo banh hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển mía đường đên năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định hoặc Pháp lệnh) về phát triển mía đường; đề án Quỹ Phát triển mía đường, phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành mía đường; điều chỉnh cơ chế chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm công nghiệp cạnh đường, sau đường (điện sinh khối từ bã mía, rượu cồn sinh học ethanol…).

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thanh Hương (thực hiện)
Cần chính sách hỗ trợ ngành mía đường
Cần chính sách hỗ trợ ngành mía đường

Báo Tin tức Cuối tuần đã ghi nhận lại một số ý kiến của người trồng mía, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngành mía đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN