Cần chính sách hỗ trợ ngành mía đường

Báo Tin tức Cuối tuần đã ghi nhận lại một số ý kiến của người trồng mía, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngành mía đường.

Ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Mạnh dạn xóa bỏ vùng sản xuất mía kém hiệu quả


ĐBSCL phải quy hoạch lại vùng mía, vùng nào trồng phát triển tốt, cao thì phải được tập trung đầu tư khuyến khích theo đúng định hướng của Chính phủ và Bộ NN&PTNT là tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời cần có chính sách khuyến khích động viên cho bà con xây dựng hợp tác xã. Tôi thấy, ở tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang chỗ nào mà làm hợp tác xã được thì có sức mạnh, giữa nhà máy chế biến đường và người trồng mía phải gắn chặt với nhau để giảm chi phí trung gian. Nếu có quy hoạch lại thì những nơi nào trồng mía kém hiệu quả thì thôi không trồng nữa.

GS.TS Võ Tòng Xuân: Xóa bảo hộ cần thực hiện từng bước

Thực sự thời gian qua, cả các nhà máy đường và nông dân cũng ỷ lại sự bảo hộ của Nhà nước. Nhưng mà chính sách bảo hộ này không thể nào tiếp tục được lâu dài. Theo cam kết với ASEAN, đến năm 2018 chúng ta phải xóa bỏ bảo hộ với mặt hàng đường và theo các hiệp định thương mại tự do khác thì mức độ hội nhập kinh tế sẽ ngày càng sâu, rộng. Cho nên chúng ta phải từng bước tiến đến việc xóa bỏ bảo hộ với ngành mía đường.


Theo tôi, việc bảo hộ của Nhà nước có đem lại lợi ích cho nông dân. Chứ với việc canh tác lạc hậu như hiện nay trong ngành mía đường, không có sự bảo hộ nông dân sẽ sống không nổi. Nhờ có bảo hộ mà các nhà máy đường mới thu mua mía với giá tương đối chấp nhận được để người nông dân trồng mía có lãi. Tất nhiên, không phải tất cả nông dân đều được lợi từ việc bảo hộ này. Tình trạng thua lỗ của người nông dân do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là chi phí đầu vào cao, năng suất thấp.

Khi chúng ta xóa bảo hộ sẽ đặt người nông dân và doanh nghiệp mía đường trước áp lực cạnh tranh, buộc họ phải vận động để tồn tại. Hiện nay ngành mía đường đang trong giai đoạn không cạnh tranh được với nước ngoài nên mới phải sử dụng chính sách bảo hộ, nếu xóa bảo hộ đột ngột thì nông dân, doanh nghiệp không sống nổi. Do đó, trong khi đang bảo hộ như thế này phải tính đến ngày không được bảo hộ nữa để chuẩn bị, tăng cường năng lực cạnh tranh của cây mía ở Việt Nam.

Ông Tô Văn Dũng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang: Cần được nhà nước hỗ trợ về giống


Hiện nay, nông dân chúng tôi sản xuất mía trên vùng ngập nước nên không lưu gốc được. Cứ vào vụ mới phải mua giống mía trôi nổi ngoài thị trường. Lúc mua thì người ta đảm bảo uy tín là giống tốt, năng suất, trữ đường cao, 100% một loại giống, không có mầm bệnh… nhưng thực tế thì không phải như vậy. Do vậy, chất lượng không đảm bảo, rủi ro cao trong khi đầu ra rất bấp bênh. Chúng tôi rất cần Nhà nước quan tâm tạo điều kiện để người dân tiếp cận được loại giống đảm bảo chất lượng cao. Đồng thời được nhà nước hỗ trợ kỹ thuật canh tác phù hợp với đặc tính từng loại giống phù hợp với vùng đất ĐBSCL để đảm bảo chất lượng, đạt năng suất tốt nhất.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang: Nâng cao sức cạnh tranh của ngành mía đường


Cạnh trạnh của chúng ta có vấn đề, nguyên nhân sâu xa chính là giá thành rất cao. Đó cũng là yếu tố làm sức cạnh tranh của cây mía Hậu Giang nói riêng và của cả ĐBSCL nói chung rất kém cỏi. Từ chỗ đó, tôi nghĩ rằng, vấn đề lớn nhất là làm sao giảm giá thành xuống dưới 500 đồng/kg mía thì mới cạnh tranh được với các nước. Giải pháp cho vấn đề này là không cách gì khác phải nhanh chóng hoàn chỉnh đê bao, xây dựng lại đồng ruộng để đưa cơ giới hóa vào vì mía của vùng ĐBSCL đa số là đất liếp. Hiện nay, tỉnh Hậu Giang đang tìm các nhà khoa học trong và ngoài nước để nghiên cứu cơ giới hóa thích hợp với cây mía ĐBSCL nói chung, Hậu Giang nói riêng, trong đó tập trung cơ giới mạnh nhất ở khâu thu hoạch. Bên cạnh đó, các nhà máy không chỉ chăm chăm vào sản phẩm đường mà còn phải lưu tâm đến những phụ phẩm sau đường. Rút kinh nghiệm nhiều nơi trên thế giới, các doanh nghiệp sử dụng phụ phẩm thì tiền lời dư khả năng để bổ sung vào giá mía cho người nông dân. Tuy nhiên kinh phí đầu tư rất lớn, cho nên tôi cũng kiến nghị nhà nước có chương trình hỗ trợ như ưu đãi về vốn cho các doanh nghiệp phát triển lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam: Cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp


Hiện Tổng công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ đang có một dự án, với số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 400 tỷ đồng để tận dụng bã mía sản xuất điện. Tôi rất lo lắng không phải là chuyện vốn đầu tư, mà là chính sách ưu đãi đầu tư một cách rõ ràng của Chính phủ trong vấn đề sản xuất và mua bán điện. Ta chưa có cơ chế rõ ràng để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất điện, ví dụ như giá mua điện của Tổng Công ty điện lực Việt Nam (EVN) là như thế nào? EVN có cam kết mua hết sản lượng điện cho nhà máy hay không, hay chỉ mua theo giờ… trong khi ngành điện vẫn kêu thiếu điện cho sản xuất. Tôi lo là khi nhà máy vận hành rồi, EVN lại không mua điện nữa, hoặc mua nhỏ giọt thì doanh nghiệp chỉ có nước phá sản.

Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam: Nên có đơn vị độc lập kiểm định trữ đường


Nhiều năm qua, người nông dân cũng bức xúc vì cách tính trữ đường của các nhà máy. Như niên vụ 2014 - 2015 vừa qua, có một số nhà máy chế biến đường đã đưa ra giá sàn thu mua mía từ 950.000 - 1.000.000 đồng/tấn với 10 trữ đường. Việc này khiến nông dân trồng mía rất phấn khởi. Tuy nhiên theo người dân, họ không bao giờ bán được giá nói trên, bởi nó còn phụ thuộc vào trữ đường, mà cách tính toán trữ đường hoàn toàn là do nhà máy quyết định, nông dân không hề biết đến, điều này gây nhiều bức xúc cho người dân trồng mía.

Do vậy để hỗ trợ nông dân, Chính phủ cần hướng người nông dân áp dụng quy chuẩn chất lượng mía. Việc áp dụng triệt để quy chuẩn này nhằm đảm bảo được sự công bằng trong việc mua bán nguyên liệu mía giữa nhà máy đường và nông dân. Đặc biệt là bảo vệ quyền lợi người trồng mía với điều kiện nhà nước cần sớm bắt buộc phải có đơn vị thứ 3 độc lập kiểm định chất lượng chứ không phải nhà máy đường kiểm định như hiện nay.

Ông Nguyễn Đức Quang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam: Thiếu kinh phí cho công tác nghiên cứu


Hiện ở Viện có khoảng 1.200 giống mía khác nhau, trong đó có 244 giống hoang dại, còn lại là các giống thương phẩm do Việt Nam sản xuất và nhập từ nước ngoài. Phần lớn giống mía trồng ở ta đều do nhập từ nước ngoài qua nhiều nguồn. Trong đó, được nhập nhiều nhất hiện nay là các giống mía có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan và Cuba. Thời gian qua, Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam đã cho ra đời được 12 giống mía và hiện đang đề nghị Bộ NN&PTNT xét công nhận thêm 2 giống mía mới nữa để đưa vào sản xuất đại trà. Nhưng với nguồn kinh phí ít ỏi, khoảng 2,5 tỷ đồng dành cho nghiên cứu khoa học một năm, thì Viện rất khó khăn về kinh phí, nên không thể đầu tư cơ sở vật chất cho xứng tầm với một Viện nghiên cứu của quốc gia được.


Anh Đức

Phát triển bền vững ngành mía đường vùng ĐBSCL
Phát triển bền vững ngành mía đường vùng ĐBSCL

Nhiều năm qua, nông dân trồng mía vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp rất nhiều khó khăn vì giá thu mua liên tục giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN