Phát triển bền vững ngành mía đường vùng ĐBSCL

ÁP LỰC CẠNH TRANH NGÀY CÀNG LỚN

Nhiều năm qua, nông dân trồng mía vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp rất nhiều khó khăn vì giá thu mua liên tục giảm.


Giá mía giảm

Những năm qua, đời sống nông dân trồng mía gặp rất nhiều khó khăn do giá mía sụt giảm. Nhìn nhận thực trạng này, ông Dương Quốc Xuân, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng: “Khó khăn nhất là người dân sản xuất ra nhưng do giá nguyên liệu đầu ra thấp nên việc tái sản xuất, tổ chức trồng mới rất khó. Nếu giá mía như thế này thì người dân không còn mặn mà với cây mía và diện tích trồng mía sẽ giảm”.

Hiện nay, bà con nông dân phải bán mía cho nhà máy thông qua thương lái.


Theo ông Dương Quốc Xuân, quý 1/2015, diện tích mía xuống giống toàn vùng ĐBSCL vào khoảng 38.000 ha, con số này chỉ bằng 90% diện tích so với năm 2014. Trong đó, những tỉnh có truyền thống trồng mía như Sóc Trăng giảm hơn 700 ha, Long An giảm trên 510 ha, Bến Tre hơn 115 ha… Riêng tại tỉnh Hậu Giang - tỉnh có vùng nguyên liệu mía lớn nhất vùng ĐBSCL, theo Sở NN&PTNT tỉnh, trước đây vùng nguyên liệu mía có đến 17.000 ha nhưng vùng nguyên liệu này giảm xuống còn 12.000 ha vào năm 2014 và dự kiến sẽ còn 11.000 ha trong năm 2015 này.

Tại vùng nguyên liệu mía ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), nơi có diện tích mía chiếm trên 60% toàn tỉnh, nhiều nông dân cho biết vụ vừa qua, giá mía xuống thấp chỉ còn khoảng 830 - 900 đồng/kg tùy vị trí thửa ruộng. Ông Nguyễn Văn Khải, ở xã Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết, gia đình ông trồng 1,2 ha đất mía giống ROC 16, vụ vừa qua bán được giá 850 đồng/kg, nhưng do ruộng xa nơi thu mua khiến công thu hoạch đội lên 160.000 đồng/tấn. Theo ông Khải, với diện tích 1,2 ha đất, sau khi lên liếp thì diện tích thực trồng chỉ còn lại 5,5 công (5.500 m2). “Tính chi phí mua phân thuốc, công cán, thuê nhân công thu hoạch thì khoảng 750 đồng/kg mía. Mà mỗi công chỉ thu hoạch được 11 tấn mía, coi như tui lời mỗi công chỉ được 1,1 triệu đồng. Cả một vụ mía kéo dài khoảng 9 tháng, chỉ thu được vài triệu đồng cho 5,5 công đất thực trồng thì chẳng bõ bèn gì”, ông Khải buồn nói.

Cũng giống như gia đình ông Khải, hộ ông Tô Văn Dũng cùng ở xã Hiệp Hưng cũng chỉ có diện tích đất trồng mía khoảng 7 công. Vụ vừa rồi mía của ông Dũng được đánh giá 10 trữ đường và thương lái mua với giá hơn 900 đồng/kg. Nhưng theo lời ông Dũng, chi phí công làm đất, thu hoạch và vận chuyển khiến lời lãi chẳng thấm vào đâu.

Theo bà Trương Thúy Kiều, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng, toàn xã Hiệp Hưng có khoảng 1.650 ha đất mía, nhưng hầu hết các hộ chỉ có khoảng 7 - 9 công/hộ và chủ yếu làm thủ công nên với giá bán từ 830 - 900 đồng/kg thì người nông dân có lãi rất thấp, không đủ để trang trải cuộc sống và thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, kể cả so với trồng lúa.

Vụ mía 2014 vừa qua là năm thứ 4 liên tiếp giá đường thấp, gây khó khăn cho nhà máy đường và nông dân trồng mía. Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam, nhìn nhận vấn đề tồn tại của ngành mía đường hiện nay là giá thành đường của Việt Nam cao hơn so với một số nước trên thế giới. Do đó, các doanh nghiệp bắt buộc phải mua giá mía cao, bởi nếu mua thấp hơn thì nông dân sẽ bỏ mía, ngành đường sẽ trở nên bế tắc.

Theo ông Hải, về cơ cấu giá thành đường, chi phí nguyên liệu mía chiếm 75 - 80%, nhà máy đường chỉ tác động được 20 - 25%. Như vậy, vấn đề lớn nhất của ngành công nghiệp chế biến đường là làm sao giảm giá thành từ khâu nguyên liệu mía. Thực tế, mía Việt Nam có chất lượng thấp, trữ đường (CCS) khoảng 10, trong khi thế giới đạt 12-13 hoặc cao đến 15-16 như ở Australia và một số vùng ở Trung Quốc. Trong khi đó, giá mua mía của Việt Nam ở các vụ trước là 1 triệu - 1,2 triệu đồng/tấn, vụ 2014 - 2015 giảm xuống khoảng 850.000 - 900.000 đồng/tấn do giá đường giảm, trong khi giá mua mía nguyên liệu của Thái Lan hiện chỉ vào khoảng 600.000 đồng/tấn.

Sản xuất manh mún

Có thể nói rằng, số liệu nói trên đã phản ánh sự “yếu thế” của ngành mía đường Việt Nam so với một số nước trên thế giới. Mức giá mua nguyên liệu mía từ 830 - 900 đồng/kg nói trên cũng đã thể hiện sự cố gắng của các nhà máy đường, nhằm chia sẻ khó khăn với nông dân cũng như giữ vùng mía nguyên liệu cho các năm tiếp theo.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, vấn đề chính yếu là người nông dân sở hữu một diện tích đất quá nhỏ, nên khó áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Khi giá thành cây mía cao, gặp lúc thị trường đi xuống thì thua lỗ là khó tránh khỏi. Thông tin từ Hiệp hội mía đường Việt Nam, hiện năng suất bình quân của cây mía ở nước ta chỉ đạt 64,7 tấn/ha, thấp hơn Thái Lan khoảng 10 tấn/ha (Thái Lan là 74,5 tấn/ha). Như vậy, chất lượng giống mía đang sử dụng của chúng ta cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu hiện nay.

Về vấn đề năng suất nói trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã có ý kiến rằng, những năm qua, Hiệp hội mía đường và các doanh nghiệp mía đường không quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu để đổi mới và phát triển ngành. Viện Nghiên cứu mía đường là cơ sở nghiên cứu duy nhất của ngành nhưng chưa được các doanh nghiệp, hiệp hội quan tâm đặt hàng nghiên cứu. Quan điểm trên của Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho thấy một bất cập đang diễn ra của ngành mía đường chính là giữa mối liên kết giữa nhà khoa học với doanh nghiệp và nhà nông chưa được gắn kết.

Để làm rõ vì sao thiếu sự gắn kết này, ông Nguyễn Đức Quang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam, đánh giá: “Việc nghiên cứu tạo ra một giống mía mới có năng suất, chất lượng phải mất từ 14 - 16 năm. Nhiều người không hiểu thì đặt câu hỏi: Tại sao Viện chậm nghiên cứu các bộ giống có năng suất, chất lượng cao để giúp nông dân có nguồn giống ổn định? Thực tế nghiên cứu để cho ra một giống mía hội đủ các phẩm chất về năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thì phải mất rất nhiều thời gian, chứ không giống như lai tạo giống lúa.

Nhưng cái khó hiện nay trong nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu mía đường là sự hợp tác của các doanh nghiệp sản xuất đường với Viện chưa được lãnh đạo công ty quan tâm. Thường nhiệm kỳ của một giám đốc doanh nghiệp chỉ ngắn hạn nên vấn đề hiệu quả kinh tế phải được họ ưu tiên hàng đầu. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất đường thường nhập giống về rồi bán cho nông dân để đưa vào sản xuất ngay, thậm chí không qua thời gian trồng khảo nghiệm, nên có nơi đã phải thất bại vì giống mía không hợp thổ nhưỡng, cho năng suất thấp”.

Với chi phí giá thành sản xuất mía cao, ngành mía đường của nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn lớn. Do vậy, khi mở cửa thị trường, đặc biệt đến năm 2018, tự do hóa nhập khẩu đường của các nước ASEAN theo lộ trình Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực, khi đó ngành mía đường trong nước sẽ bị áp lực cạnh tranh khốc liệt, nếu không kịp thời tìm ra giải pháp hiệu quả. Theo đó, đời sống của hàng nghìn hộ nông dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này bị ảnh hưởng.

Anh Đức
Cần chính sách hỗ trợ ngành mía đường
Cần chính sách hỗ trợ ngành mía đường

Báo Tin tức Cuối tuần đã ghi nhận lại một số ý kiến của người trồng mía, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngành mía đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN