Ngành mía đường sẽ đổi mới trong điều kiện cho phép

Trước 4 “góp ý” mới đây của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú về việc, ngành mía đường cần “khẩn trương đổi mới” để hội nhập, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có những giải thích cụ thể.

Giá cao do chưa có mạng lưới tiêu thụ

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, hiện tại, ngành mía đường trong nước vẫn đang được Nhà nước bảo hộ ở mức cao hơn nhiều so với các ngành hàng sản xuất quan trọng khác như dệt may, da giày, gạo, cà phê… Nhưng ngành mía đường vẫn tồn tại bốn bất cập. Bất cập thứ nhất là giá thành cao gấp rưỡi, có khi gấp đôi so với thế giới.

Sản xuất đường tinh luyện tại Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương (Tuyên Quang). Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN


Về vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Hải cho rằng, giá đường tiêu thụ nội địa của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới, chỉ cao hơn một số ít nước như: Brazil, Ấn Độ…

Tại các nước Đông Nam Á (ASEAN), giá đường trắng bán buôn tại Thái Lan (2013 -2014) khoảng 625,9 USD/tấn; Indonesia 716 USD/tấn, giá bán lẻ: 1,11 - 1,16 USD/kg; Philippines 956 USD/tấn, bán lẻ 1,16 USD/kg. Trong khi, tại Việt Nam, đường trắng bán buôn từ nhà máy, giá 11.400 - 12.400 đ/kg (530 - 580 USD/tấn). Đường tinh luyện, 13.800 - 14.700 đ/kg (640 - 690 USD/tấn).

Cũng theo ông Hải, không thể so sánh giá tiêu thụ nội địa với giá thương mại thế giới, lại càng không thể có so sánh khập khiễng giữa giá tiêu thụ nội địa với giá đường lậu. Chỉ có thể so sánh giá tiêu thụ nội địa của Việt Nam với giá tiêu thụ nội địa của các nước thì mới chuẩn xác.

Về vấn đề khác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, giá đường cao là do các nhà máy đường không tổ chức được mạng lưới thương mại, tiêu thụ sản phẩm dẫn tới giá cao.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, các nhà máy đường chưa thiết lập hệ thống này. Nhưng đường là mặt hàng thiết yếu, thông dụng đã có hệ thống tiêu thụ sẵn có của thị trường, từ các siêu thị đến các chợ và cửa hàng lớn, nhỏ.

Trong những “góp ý” cho Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, việc nhập khẩu đường của Công ty Hoàng Anh- Gia Lai cũng là một bước chủ động mở cửa, cạnh tranh. Những doanh nghiệp yếu kém sáp nhập, hình thành các công ty lớn hơn để cạnh tranh. Ngành mía đường và doanh nghiệp Việt Nam thay vì trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước trước hết nên tập cạnh tranh với Hoàng Anh - Gia Lai. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, các công ty đường hiện nay phần lớn là của các cổ đông, việc công ty đường phát triển hay phá sản gắn liền với nông dân trồng mía, là nỗi trăn trở thường xuyên đã và đang đi vào trong tiềm thức của các chủ sở hữu. Ngành mía đường Việt Nam sẽ học tập những gì đúng, phù hợp và nghiên cứu những gì cần thiết để tự cải thiện mình trong điều kiện cho phép trong việc hội nhập.



Hiện nay, một số nhà máy đường cũng có hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, chưa có hệ thống bán lẻ trên toàn quốc. Nếu thiết lập hệ thống bán lẻ riêng của các nhà máy đường, chưa chắc sẽ có hiệu quả. Trên thế giới, cũng không có hệ thống bán lẻ đường do của các nhà máy đường sở hữu.

Liên kết thiếu chặt chẽ


Một bất cập nữa được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nêu ra là các nhà máy đường không quan tâm tới lợi ích nông dân trồng mía.

Về việc này, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam Nguyễn Hải cho rằng, trong nhiều năm qua, hầu hết các nhà máy đường đều hỗ trợ nông dân trồng mía, như hỗ trợ về giống, làm đất, trồng và chăm bón, vốn đầu tư cho nông dân… và sau cùng là tiêu thụ hết mía cho nông dân với giá mua mía đảm bảo theo giá khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) và giá khuyến cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Nhưng như vậy là chưa đủ. Để ngành mía đường Việt Nam phát triển bền vững, Việt Nam nên học tập Thái Lan về chính sách, xây dựng Ủy ban Mía đường quốc gia


(UBMĐQG) gồm nhiều thành phần (các bộ liên quan, đại diện nhà máy đường, đại diện nông dân) điều hành. UBMĐQG sẽ tính toán bù đắp giá mía cho nông dân bằng quỹ mía đường được hình thành từ tiền thuế mía đường, nông dân không bao giờ bị lỗ. Đó là cách hỗ trợ nông dân đảm bảo nhất theo luật do Nhà nước điều hành, và ngành mía đường được đảm bảo phát triển bền vững.

Trước mắt, để bảo vệ quyền lợi người trồng mía, Nhà nước cần sớm bắt buộc phải có đơn vị thứ ba độc lập kiểm định chất lượng mía, không phải nhà máy đường kiểm định như hiện nay dễ dẫn đến hệ lụy không công bằng mà người thua thiệt là nông dân trồng mía.

Bất cập cuối cùng được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nêu ra là ngay cả các doanh nghiệp trong hiệp hội cũng liên kết lỏng lẻo, không hiệu quả để đổi mới, phát triển ngành. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, mía đường là hiệp hội ngành nghề với nhiều chủ sở hữu khác nhau, có quan điểm về quyền lợi khác nhau nên sự liên kết lỏng lẽo là tất nhiên, Hiệp hội Mía đường sẽ học tập các hiệp hội khác.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt của sự lỏng lẻo đó là do đường hiện nay không phải là mặt hàng được quản lý thị trường nội địa và xuất nhập khẩu được công bằng và minh bạch cao như các mặt hàng khác là: dệt may, da giày, gạo, cà phê…


Hữu Vinh


Khẩn trương đổi mới ngành mía đường Việt Nam
Khẩn trương đổi mới ngành mía đường Việt Nam

Theo lộ trình hội nhập, đến năm 2015, Việt Nam phải cấp hạn ngạch thuế quan khoảng 81.000 tấn đường với mức thuế suất ưu đãi dành cho các thành viên WTO.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN