Ngành mía đường “đau đầu” với đường nhập lậu

Tại hội nghị thương mại ngành mía đường niên vụ 2016-2017, do Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 29/12, nhiều doanh nghiệp thương mại đường bày tỏ bức xúc trước áp lực đường nhập lậu từ Thái Lan đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường.

Tình trạng đường nhập lậu từ Thái Lan đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường là do giá rẻ hơn. Điều này đã tạo áp lực cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp, gây khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam .

Nỗi lo đường lậu Thái Lan

Theo bà Đặng Thị Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Toàn Phát, từ đầu niên vụ 2016-2017, các doanh nghiệp thương mại mía đường gặp rất nhiều khó khăn, tiêu thụ thì hạn chế, hầu như bán không có lãi. Nguyên nhân là do giá đường RS trong nước quá cao, trong khi giá đường Thái Lan lại thấp hơn 1.000 đồng/kg. Do vậy, đường Thái Lan hiện đang có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành, nhất là khu vực miền Trung. Nếu tình trạng này kéo dài thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ.

Đường được nhập lậu số lượng lớn từ Thái Lan. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN


Một số doanh nghiệp cũng cho biết, đường lậu Thái Lan hiện không chỉ vào nước ta qua biên giới Campuchia mà được chuyển sang biên giới giáp Lào tuồn vào Việt Nam . Đường lậu được đóng gói bằng bao của các nhà máy đường trong nước, nhưng cũng có khi để nguyên bao bì của các nhà máy đường Thái Lan để vận chuyển và cung cấp ngay trên thị trường.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, hiện nay có một số cơ sở đăng ký sản xuất, chế biến đường tại miền Trung nhưng thực chất không có nhà máy sản xuất, đã tiêu thụ đường lậu thông qua việc đóng bao lại hoặc vô túi nhỏ để phân phối với bao bì nhãn mác của chính đơn vị này. Không những vậy, đường lậu Thái Lan còn được phù phép “trá hình” trong bao bì của công ty có thương hiệu như đường Biên Hòa, đường Bourbon Tây Ninh…

Một áp lực khác đối với các doanh nghiệp trong ngành này, đó là tình trạng đường tạm nhập tái xuất nhưng lại không xuất mà quay ngược lại bán trong nước. Bà Đặng Thị Thu Hằng, đại diện Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh cho biết, có trường hợp đường từ Thái Lan được tạm nhập vào Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc, thế nhưng tàu chở lượng đường này sau khi cập cảng Hải Phòng lại tuồn vào thị trường trong nước bán.

“Gần hai năm nay, Việt Nam không xuất khẩu được hạt đường nào sang Trung Quốc, vì không cạnh tranh được với đường Thái Lan đang từng bước chiếm lĩnh thị trường này với giá rẻ hơn. Đã “đau đầu” với đường lậu, nay lại thêm đường tạm nhập, tái xuất khiến cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp nhập đường dạng này để làm minh bạch thị trường đường trong thời gian tới”, bà Hằng cho biết.

Ngoài ra, tình trạng đường nhập lậu sau khi bị bắt được bán đấu giá nhưng với giá thấp, đường lậu được hợp thức hóa giấy tờ “ung dung” trở ngược ra thị trường tiêu thụ với giá rẻ… cũng đang là vấn đề “nhức nhối” của ngành đường hiện nay. Những tác động tiêu cực do tình trạng nhập lậu đường gây ra đã kéo dài nhiều năm qua. Nếu những tình trạng này còn tiếp diễn thì đường trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng vì khó cạnh tranh được về giá.

Mở rộng đối tượng áp dụng thuế hạn ngạch 5%

Việc giá đường Thái Lan thấp không chỉ là nỗi lo lắng của riêng ngành mía đường Việt Nam mà của nhiều nước khác. Lý giải nguyên nhân của vấn đề này, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA cho biết, với chính sách hỗ trợ cho ngành mía đường của Thái Lan hiện nay thì giá đường Việt Nam khó có thể thấp hơn so với đường của nước này.

VSSA kêu gọi các công ty, nhà máy đường cùng chia sẻ lợi ích giữa người sản xuất, tiêu dùng và người trồng mía. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN


Theo ông Doanh, riêng về giống mía, hàng năm, Chính phủ Thái Lan chi 1,5 – 2 triệu USD để nghiên cứu giống năng suất, trữ đường cao để cấp miễn phí cho nhà máy và nông dân sản xuất. Ngoài ra, đối với chi phí đầu tư cơ giới hóa, nông dân Thái Lan cũng chỉ trả 1 – 2 % lãi suất ngân hàng, còn lại do Quỹ Phát triển mía đường Thái Lan cấp bù. Riêng 2 khoản hỗ trợ này thì Việt Nam đã khó “chạy theo” Thái Lan rồi.

Ngoài ra, hiện Thái Lan vẫn đang sử dụng quota sản xuất và xuất khẩu đường. Giá đường trong nước ở Thái Lan thường cao hơn giá xuất khẩu, thực chất là lấy đường trong nước để bù cho giá xuất khẩu. Do vậy, ngành đường Việt Nam có đầu tư nhiều, cùng với nông dân tìm mọi cách hạ giá thành nhưng giá hạ thấp hơn so với Thái Lan là rất khó. Còn về chống buôn lậu đường dù đã có nhiều hiệu quả, nhưng với tình hình giá còn chênh lệch thì câu chuyện này vẫn còn dài.

Trong bối cảnh đó, VSSA đề nghị Bộ Tài chính xem xét cho áp dụng mức thuế trong hạn ngạch 5% không chỉ cho sản phẩm đường từ các nước trong khu vực ASEAN mà còn cho nguồn gốc xuất xứ khác như Brazil, Australia, Ấn Độ… để tăng tính cạnh tranh của nguồn cung. Điều này sẽ giúp tránh tạo ra độc quyền nguồn cung từ Thái Lan dẫn đến Việt Nam phải chấp nhận mua giá cao. Còn ngoài hạn ngạch vẫn áp dụng mức thuế như hiện hành. Thực hiện điều này sẽ có lợi cho việc nhập khẩu đường Việt Nam , đảm bảo các quy tắc thương mại quốc tế theo các cam kết trong các Hiệp định thương mại.

Theo cân đối cung cầu đường năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng đường dư vào cuối kỳ chỉ ở mức hơn 152.000 tấn (chưa kể lượng đường nhập lậu tham gia vào thị trường). Với cân đối cung cầu như trên, đại diện VSSA cho rằng, tình hình thị trường đường và cung cầu trong nước trong năm 2017 khó có biến động lớn.

“Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của mưa lũ liên tục ở miền Trung và biến đối khí hậu bất thường có thể xảy ra, diễn biến của tình hình sản xuất vụ 2016-2017 vẫn chưa khẳng định được. Ngoài ra, tình trạng nhập lậu, gian lận thương mại hoặc biến động mạnh của giá đường thế giới. Do vậy, VSSA kêu gọi các công ty, nhà máy đường, các doanh nghiệp thương mại, chế biến thực phẩm đề cao chữ tín trong hợp tác, cùng chia sẻ lợi ích giữa người sản xuất, tiêu dùng và người trồng mía để ổn định tình hình thị trường mía đường trong thời gian tới”, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA nói.

H.Chung (TTXVN)
Gỡ nút thắt để mía đường hội nhập
Gỡ nút thắt để mía đường hội nhập

Khó khăn lớn nhất của ngành mía đường khi tham gia hội nhập là chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm của ta cao so với thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN