Để ứng phó với hạn, mặn nhiều nông dân đã chủ động trữ nước trong ao, mương kết hợp với hệ thống tưới phun tự động tiết kiệm nước bảo vệ mô hình sản xuất.
Mặc dù hơn 1 tháng nay, nắng nóng gay gắt làm cho nhiều con kênh, sông bị giảm sâu mực nước và nước mặn cũng xâm nhập sâu vào nội đồng, thế nhưng, vườn sầu riêng và vườn ca cao của ông Nguyễn Văn Lên, ở ấp 5, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang vẫn đang xanh mướt. Vườn sầu riêng của ông Lên trồng được 4 năm và đang cho trái vụ đầu tiên, trọng lượng trái đạt từ 1-1,5kg, năng suất trái khoảng 50-60 trái/cây. Còn cây ca cao, cũng được trồng hơn 2 năm, đang phát triển tốt.
Theo ông Lên, rút kinh nghiệm từ những năm trước, ảnh hưởng của hạn, mặn và nhiễm phèn vào mùa khô làm thiếu nước tưới nên 3 năm nay, gia đình đầu tư hơn chục con mương với chiều sâu từ 1-1,5 m bao quanh vườn để trữ nước ngọt, đảm bảo nguồn nước tưới. "Cùng với việc đào mương trữ nước, gia đình tôi phủ bụi lục bình (bèo tây) lên gốc cây và đầu tư máy tưới và vòi phun di chuyển tưới từng cây để tiết kiệm nước. Nhờ áp dụng giải pháp này mà vườn cây nhà tôi đảm bảo lượng nước tưới đến giữa tháng 5/2024, tức là đến mùa mưa năm nay theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn", ông Lên cho hay.
Là một trong những hộ nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của tỉnh Kiên Giang, mô hình sản xuất xen canh khóm, cau, dừa của hộ ông Dư Văn Thái, xã Bình An, huyện Châu Thành được nhiều nông dân đến tham quan học hỏi. Ông Thái cho biết, khu vực này thuộc vùng đất nhiễm phèn và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Trước khi áp dụng mô hình khóm, cau, dừa nông dân này trải qua nhiều mô hình như: trồng lúa, trồng mía… Hiện, mô hình trồng xen canh mang về nguồn thu nhập cho gia đình hơn 400 triệu đồng/mỗi năm.
Lão nông 75 tuổi này cũng cho hay, để mô phát triển tốt và cho năng suất cao, gia đình đầu tư gần 100 triệu đồng hệ thống tưới phun tự động và chi phí tiền điện mỗi tháng từ 3-4 triệu đồng. "Trước đây, khi đầu tư hệ thống tưới phun tự động, tôi cũng trăn trở vì chi phí khá cao, tuy nhiên đến mùa khô, nắng nóng gay gắt và nước mặn xâm nhập vào sông, kênh như gần đây tôi mới thấy việc đầu tư này là rất cần thiết. Hiện tại tôi theo dõi độ mặn dưới sông lúc nào phù hợp thì bơm vào trữ trong mương để tưới cây; cả 3 loại cây trồng, khóm, cau, dừa đều phát triển tốt và say trái tôi cũng yên tâm", ông Thái chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, là hộ cận nghèo ở xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành cho biết, nguồn thu nhập chính của gia đình là từ vườn ổi 1.200 m2. Trước đây, gia đình thuộc hộ nghèo, năm 2021, bà được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng cải tạo vườn tạp và mua cây ổi giống về trồng. Sau gần 1 năm trồng, đến mùa khô 2022, nguồn nước dưới sông cạnh vườn ổi bị cạn khô và ao trữ nước cũng không đủ tưới qua mùa khô, vườn ổi bị vàng lá, chậm phát triển. Đến cuối năm 2022, bà Oanh lắp ráp hệ thống tưới phun tự động với 10 trụ ống, chi phí hơn 3 triệu đồng.
"Hơn 1 tuần qua, con sông cạnh vườn ổi bị khô cạn, cũng may là tôi đã bơm nước trữ trên ao trước đó. Ao nước 40 m2 này khi được tưới bằng hệ thống phun tiết kiệm sẽ đủ nước tưới hơn 1 tháng. Để giảm bốc hơi nước, tôi đã phủ lá cây quanh gốc ổi. Vườn ổi hiện đang cho trái và 3 ngày tôi thu hoạch trái đem ra chợ bán với giá 15.000 đồng/kg, cũng đủ chi tiêu trong sinh hoạt gia đình", bà Oanh cho biết.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, tình hình hạn, mặn trên địa bàn tỉnh trong mùa khô 2024 diễn ra hết sức phức tạp. Một số khu vực trên địa bàn tỉnh như: các tuyến kênh, mương vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng bị khô cạn có nguy cơ thiếu nước tưới tiêu và gây sạt lở, rụt lún đường, cầu, nhà cửa. Một số vùng nuôi tôm ở huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận nước mặn xâm nhập vào kênh, mương làm tăng độ mặn vượt ngưỡng nuôi tôm gây ảnh hưởng, thiệt hại tôm, cua.
"Riêng đối với các vùng ngọt của tỉnh đến thời điểm hiện tại tuy một số khu vực nước mặn có xâm nhập nhưng không đáng kể và nguồn nước vẫn đảm bảo cho các mô hình sản xuất nông nghiệp. Hiện chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị vận hành cống Cái Lớn, Cái Bé, Cống Xẻo Rô và các hệ thống công trong toàn tỉnh để điều tiết nước cho phù hợp. Cùng với đó, ngành tăng cường kiểm tra chất lượng nguồn nước, độ mặn, quan trắc môi trường để kịp thời thông báo cho người dân lấy nước phục vụ sản xuất; tăng cường đội ngũ cán bộ kỹ thuật bám sạt địa bàn hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong mùa hạn mặn nhằm hạn chế những ảnh hưởng, thiệt hại" ông Toàn thông tin thêm.